Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, vì vậy người bệnh cần tìm hiểu về các thông tin về phương pháp điều trị nhằm trang bị kiến thức cho việc điều trị an toàn và hiệu quả, giúp xử lý và hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Các phương pháp áp dụng trong điều trị nhồi máu cơ tim
Điều trị nhồi máu cơ tim được tiến hành nhằm 3 mục đích.
- Đánh giá và xử lý kịp thời các biến chứng của nhồi máu cơ tim có nguy cơ gây tử vong (loạn nhịp tim, suy tim, sốc tim...).
- Làm giảm tiêu thụ oxy cơ tim cho tim được nghỉ ngơi.
- Tái tươi máu để cứu vùng cơ tim có nguy cơ hoại tử.
Tùy vào mức độ và nguyên nhân gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc các biện pháp điều trị cụ thể như sau:
Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc là phương pháp được áp dụng rộng rãi cho các trường hợp mắc nhồi máu cơ tim. Điều trị bằng thuốc nhằm mục đích kiểm soát bước đầu các triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ gây ra tình trạng nhồi máu. Các thuốc có thể được chỉ định như:
- Các nhóm thuốc chống đau thắt ngực như: Nitrates, Betablock, Morphin.
- Thuốc hạ Lipid và ổn định mảng xơ vữa: Statin (cường độ cao), Rosuvastatin 20-40 mg hoặc Atorvastatin 40-80 mg.
- Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc chẹn beta hoặc thuốc ức chế ACE dành cho các trường hợp huyết áp cao
- Thuốc chống đông máu như: Heparin không phân đoạn; Heparin TLPT thấp...
Điều trị tái tươi máu
Đối với các trường hợp nhồi máu cơ tim mức độ nặng, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp can thiệp xâm lấn để cải thiện tình trạng mạch vành. Các phương pháp được áp dụng bao gồm:
-
Phẫu thuật nong mạch vành bằng bóng phủ thuốc qua da (PCI): phẫu thuật này được thực hiện để mở các động mạch tim bị tắc. Bác sĩ sử dụng ống thông mỏng đưa vào cơ thể đến phần bị thu hẹp của động mạch tim, sau đó bơm căng quả bóng ở đầu ống để mở rộng động mạch bị tắc và cải thiện lưu lượng máu đến vùng tim ở vị trí mạch đó.
-
Phẫu thuật đặt Stent (có gắn thuốc): thường được đặt trong quá trình nong mạch giúp mở rộng và làm giảm nguy cơ thu hẹp động mạch trở lại. Một số stent có gắn thuốc và giải phóng từ từ để tránh tái hẹp trong stent sau khi đặt stent.
- Phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch vành (CABG): tách một đoạn mạch máu từ một bộ phận khác của cơ thể để tạo một đường dẫn máu mới đến tim. CABG là một phẫu thuật tim hở, chỉ áp dụng cho các trường hợp có nhiều động mạch tim bị thu hẹp.
Điều trị phục hồi chức năng
Người bệnh sau khi thực hiện phẫu thuật cần tiến hành điều trị hồi phục chức năng để cải thiện sức khỏe. Trong quá trình điều trị cần:
- Thay đổi lối sống: tập thể dục đều đặn, điều chỉnh chế độ ăn uống, giảm cân, ngừng hút thuốc, uống rượu bia.
- Tiếp tục sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế ACE và thuốc Statin để ổn định mảng xơ vữa.
- Thực hiện kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhằm đánh giá hiệu quả điều trị và hồi phục sau nhồi máu cơ tim.
Trên đây là một số phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim. Để biết cụ thể các phương pháp áp dụng cho trường hợp của mình, người bệnh cần tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.