Đau xương cụt tập trung ở phần dưới cùng của cột sống, ngay phía trên mông, nơi có xương nhiều đoạn này. Đây là tình trạng phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản.
BookingCare gửi đến bạn đọc các thông tin hữu ích về đau xương cụt ở phụ nữ từ nguyên nhân dấu hiệu đến cách điều trị tình trạng này.
Nguyên nhân gây đau xương cụt ở nữ giới
Có rất nhiều nhóm nguyên nhân gây đau xương cụt. Trong bài viết này, chủ yếu đề cập đến nguyên nhân gây đau xương cụt ở nữ giới, bao gồm:
- Phụ nữ mang thai: sự thay đổi của cơ thể cùng áp lực do thai nhi, phụ nữ mang thai thường có triệu chứng đau phần xương cụt, đặc biệt đau khi ngồi lâu hoặc nằm lâu.
- Sinh nở: trong quá trình sinh nở, áp lực trong khi đẻ có thể gây tác động đến khung chậu và phần xương cụt. Có nhiều người đau có thể kéo dài sau đẻ.
- Đau do đặt vòng tránh thai: một trong các phương pháp tránh thai được nhiều chị em sử dụng đó là đặt vòng mà không biết rằng dụng cụ tránh thai có thể gây ra cơn đau vùng xương cụt khi kích thước vòng không phù hợp, hoặc vị trí vòng bị di chuyển.
- Đau do chu kỳ kinh nguyệt: nhiều bạn nữ chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng gây nhiều khó chịu như đau bụng dưới, đau vùng xương cụt thậm chí có thể buồn nôn, nôn, chóng mặt hoặc ngất.
- Phụ nữ lớn tuổi: tuổi tác đi cùng với quá trình lão hoá, phụ nữ qua tuổi sinh nở, tử cung giãn, hạ thấp xuống và có thể gây đau xương cụt.
- Đau do các bệnh lý sản phụ khoa:
- Viêm tấy sàn chậu: toàn bộ vùng xương cụt, cơ và dây chằng, phần mềm sưng tấy gây đau nhức, hạn chế vận động.
- Viêm âm đạo: viêm âm đạo có thể gây ra đau vùng xương cụt, kèm theo đau buốt khi quan hệ hoặc ngay trước kỳ kinh nguyệt. Khi hư nhiều, màu sắc và số lượng bất thường. Người bệnh có thể sốt nhẹ đến vừa.
- Viêm phần phụ: triệu chứng chủ yếu thường là đau phần bụng dưới nhưng nhiều trường hợp có thể kèm đau xương cụt.
- Vị trí tử cung bất thường: bình thường tử cung hơi ngả về trước, khi tử cung có giải phẫu bất thường có thể gây áp lực xương cụt gây đau. Đặc biệt tử cung bất thường khiến người phụ nữ khó khăn trong quá trình sinh nở.
- Các khối u: các khối u buồng trứng, tử cung đều có thể gây đau xương cụt.
- Đau do chấn thương: chấn thương xương cụt sau các thủ thuật sản khoa, sau đẻ, hoặc do té ngã, chơi thể thao, gây đau xương cụt cấp tính.
- Đau xương cụt do ngồi lâu: chị em phụ nữ thường có công việc ngồi lâu tại văn phòng, vì thế thường gây đau xương cụt.
Ngoài ra có nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác cũng có thể gây ra triệu chứng đau xương cụt ở nữ như các bệnh lý thận tiết niệu (nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi thận…), bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh cơ, bệnh lý tuyến giáp.
Bên cạnh những nguyên nhân rõ ràng kể trên, trong một số trường hợp không thể tìm ra lý do trực tiếp gây đau xương cụt và được xếp vào nhóm đau xương cụt vô căn.
Dấu hiệu của đau xương cụt ở nữ giới
Dấu hiệu điển hình là tình trạng đau nhức xương cụt hoặc vùng xung quanh, lan ra hậu môn, mông và đùi. Đau có thể liên tục hoặc thoáng qua. Đau có thể tăng lên trong một vài trường hợp như:
- Khi người bệnh vận động, thay đổi tư thế hoặc ngồi lâu.
- Quan hệ tình dục.
- Đau khi đi tiểu hoặc đi đại tiện.
- Đôi khi chỉ là cảm giác tức nặng ở vùng cuối cột sống.
- Bên cạnh dấu hiệu đau vùng xương cụt có thể kèm theo các triệu chứng của căn nguyên cụ thể gây đau xương cụt như sốt, tiểu buốt rắt, đau bụng dưới,…
Phương pháp điều trị đau xương cụt ở nữ giới
Điều trị đau xương cụt bao gồm điều trị triệu chứng thay đổi lối sống, và quan trọng nhất là điều trị theo nguyên nhân gây ra đau xương cụt.
Khi không chắc chắn về lý do gây đau xương cụt của mình hãy tìm sự trợ giúp từ các bác sĩ để được chẩn đoán, tìm nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Các bác sĩ có thể lựa chọn hoặc phối hợp các phương pháp điều trị:
- Thuốc: điều trị bằng thuốc giảm đau và chống viêm không steroid giúp điều trị triệu chứng, giảm các cơn đau nhức.
- Vật lý trị liệu: các bài tập, siêu âm trị liệu, xung thần kinh cơ giúp giảm đau, giãn cơ.
- Tiêm corticoid: trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiêm thuốc corticosteroid trực tiếp vào vùng xương cụt để giảm viêm và đau nhức. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật yêu cầu được thực hiện bởi bác sĩ và tại cơ sở y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm.
- Phẫu thuật: trong một số nguyên nhân gây đau do các bệnh lý cần đến phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân, khi đó người bệnh mới có thể cải thiện.
Đau xương cụt là triệu chứng có thể gặp ở bất kỳ phụ nữ trong độ tuổi nào. Đau xương cụt ở nữ giới không phải một bệnh mà là triệu chứng, đồng nghĩa có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe do đó người bệnh không nên chủ quan bỏ qua.