Dậy thì sớm ở bé gái: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Dậy thì sớm ở bé gái: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Tìm hiểu chi tiết triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa dậy thì sớm ở bé gái.
Tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái - Ảnh: BookingCare

Dậy thì sớm ở bé gái: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 03/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 03/03/2024
Dậy thì sớm ở bé gái là tình trạng cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của giai đoạn dậy thì sớm so lứa tuổi (thông thường trước 8 tuổi), bao gồm việc phát triển ngực, lông mu, có kinh,... Cùng BookingCare tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa dậy thì sớm.

Dậy thì sớm ở bé gái là sự xuất hiện những đặc tính sinh dục thứ phát trước thời điểm 8 tuổi. Tình trạng này ngày càng có xu hướng tăng cao, không chỉ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng.

Triệu chứng dậy thì sớm 

Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái thường bao gồm những thay đổi sau: 

  • Ngực to dần lên (đây có thể là triệu chứng đầu tiên ở bé gái).
  • Lông mu, lông nách phát triển (ở một số trường hợp lông mu là dấu hiệu dậy thì đầu tiên).
  • Có thể tiết dịch âm đạo trắng hoặc trong. 
  • Bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt (thường xảy ra sau 2 - 3 năm kể từ thời điểm có dấu hiệu dậy thì đầu tiên).
  • Tăng trưởng chiều cao nhanh chóng. 
  • Mụn trứng cá. 
  • Mùi cơ thể. 
  • Thay đổi tâm trạng: Cáu gắt, khó ngủ,...

Nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái 

Dậy thì sớm xuất hiện khi có tình trạng rối loạn hoạt động của các hormone sinh dục trong cơ thể trẻ. Dậy thì sớm chủ yếu được chia thành 2 loại: dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên. Với mỗi loại sẽ có đặc điểm và nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, còn có các thể dậy thì sớm một phần và dậy thì sớm không tiến triển. 

Nguyên nhân gây dậy thì sớm trung ương 

Dậy thì sớm trung ương hay còn được gọi là dậy thì sớm phụ thuộc GnRH, do hoạt động sớm của trục hạ đồi - tuyến yên - sinh dục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm: 

  • Bệnh lý hệ thần kinh trung ương (u, chấn thương, viêm nhiễm, xạ trị...)
  • Yếu tố di truyền.

Nguyên nhân gây dậy thì sớm ngoại biên

Dậy thì sớm ngoại biên ít gặp hơn ở bé gái, là dạng dậy thì sớm độc lập với sự kích thích của tuyến yên và không liên quan đến hormone hướng sinh dục GnRH. Nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ngoại biên ở bé gái bao gồm: 

  • Khối u tuyến thượng thận, buồng trứng. 
  • Yếu tố di truyền. 
  • Tiếp xúc với các sản phẩm có chứa estrogen. 
  • Suy giáp.

Chẩn đoán dậy thì sớm 

Chẩn đoán dậy thì sớm chính xác không đơn thuần là kết luận dựa trên những dấu hiệu thay đổi về hình thể, tâm lý mà còn cần dựa vào các xét nghiệm đặc hiệu. Có thể bao gồm: 

  • Xét nghiệm máu đo FSH, LH, estradiol... 
  • Xquang xương bàn tay cổ tay đánh giá tuổi xương.
  • Siêu âm bụng đo kích thước tử cung, buồng trứng.
  • Test GnRH phân biệt dậy thì sớm trung ương và ngoại biên. Đối với dậy thì sớm trung ương, có thể chỉ định MRI não.

Một số dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái (ngực phát triển,...) thường giống với tình trạng béo phì ở trẻ. Vì vậy, việc dựa trên các dấu hiệu thay đổi hình thể là chưa đủ để kết luận trẻ dậy thì. Để kiểm soát kịp thời, khi phát hiện các dấu hiệu trên, ba mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở chuyên khoa nhi để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị, theo dõi phù hợp.

Cách phòng ngừa 

Để phòng ngừa dậy thì sớm ở bé gái, ba mẹ có thể thực hiện một số cách phòng ngừa sau: 

  • Dinh dưỡng lành mạnh: Cần bảo đảm cung cấp đầy đủ dưỡng chất dinh dưỡng cần thiết (đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất) cho nhu cầu phát triển của trẻ. Nên hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ ngọt, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas,...
  • Vận động hợp lý: Trẻ cần vận động thường xuyên để tiêu hao năng lượng, tránh tích lũy mỡ dư thừa gây tình trạng béo phì và làm tăng nguy cơ dậy thì sớm. Ba mẹ có thể tham khảo và cho con tham gia một số môn thể thao như chạy bộ, đạp xe, đánh cầu lông, bơi lội….
  • Kiểm soát cân nặng: Cân nặng của trẻ cần được kiểm soát ở mức theo lứa tuổi, tránh để trẻ béo phì làm tăng nguy cơ dậy thì sớm. 
  • Tránh tiếp xúc các sản phẩm có chứa estrogen.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ (trung bình 3 - 6 tháng/lần).

Dậy thì sớm ở bé gái có thể do nguyên nhân trung ương hoặc ngoại biên, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, tâm lý của trẻ. Việc phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện sức khỏe của trẻ, hạn chế các biến chứng đáng tiếc trong tương lai. Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có được kế hoạch chăm sóc con tốt nhất. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, ba mẹ cần đưa con đi khám tại các cơ sở chuyên khoa nhi để được bác sĩ tư vấn chính xác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare