Những điều bạn cần biết về suy giáp
Những điều bạn cần biết về suy giáp
Thăm khám người bệnh suy giáp
Suy giáp ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời - Ảnh: BookingCare

Những điều bạn cần biết về suy giáp

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 01/03/2024
Suy giáp là bệnh lý nội tiết hay gặp, đặc trưng bởi sự rối loạn chức năng tuyến giáp dẫn đến giảm tiết hormon tuyến giáp

Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể. Hormon tuyến giáp ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động của cơ thể đặc biệt là việc chuyển hóa năng lượng. Suy giáp là tình trạng tuyến giáp giảm sản xuất hormon, điều này gây nhiều hậu quả về sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Bệnh suy giáp là gì?

Bệnh suy giáp (hypothyroidism) là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý tuyến giáp, là hậu do suy giảm hormone tuyến giáp, không đáp ứng nhu cầu của cơ thể. 

Tuyến giáp sản xuất hai loại hormon là Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3) có chức năng quan trọng trong tất cả các hoạt động của cơ thể, suy giảm lượng hormon tuyến giáp làm cho các chức năng của cơ thể sẽ chậm lại.

Triệu chứng của suy giáp

Bệnh suy giáp thường tiến triển chậm nên các triệu chứng có thể xuất hiện từ từ. Tuy vậy cần lưu ý khi xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi, ăn kém nhưng tăng cân, táo bón
  • Da khô, nhạy cảm với lạnh
  • Tóc khô, mỏng dễ gãy rụng
  • Yếu cơ, đau cơ và cứng khớp
  • Nhip tim đập chậm
  • Trầm cảm, trí nhớ kém 
  • Kinh nguyệt không đều

Nguyên nhân gây suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tình trạng hormon tuyến giáp trong máu không đủ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

  • Nguyên nhân tự phát:
    • Viêm giáp tự miễn; viêm giáp Hashimoto, viêm giáp limpho bào im lặng,... là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy giáp.
    • Bẩm sinh: vô năng tuyến giáp, tuyến giáp lạc chỗ hoặc rối loạn sinh tổng hợp hocmone tuyến giáp (do rối loạn men TPO, hoặc rối loạn trong quá trình bắt i-ốt).
  • Do hậu quả của quá trình điều trị:
    • Sau mổ cắt tuyến giáp để điều trị các bệnh lý như bướu nhân, basedow, ung thư tuyến giáp,...
    • Do điều trị bệnh tuyến giáp bằng I-ot 313, PTU, Methimazole, hoặc chiếu xạ vùng cổ điều trị các bệnh lý khác.
    • Phẫu thuật cắt tuyến giáp: Cắt bỏ tuyến giáp làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn khả năng sản xuất hormon.
  • Thuốc: Một số loại thuốc gây suy giảm chức năng tuyến giáp như thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc điều trị ung thư,... cần tham khảo ý kiến chuyên gia về tác dụng phụ của thuốc với tuyến giáp khi sử dụng.
  • Một số nguyên nhân khác như: suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn tuyến yên (tuyến điều hòa sản xuất hormon tuyến giáp), bổ sung thiếu Iod,...

Bên cạnh các nguyên nhân trên, mặc dù suy giáp có thể xảy ra ở tất cả độ tuổi hay mọi đối tượng khác nhau, tuy nhiên cần phải lưu ý một số yếu tố nguy cơ dễ mắc suy giáp dưới đây:

  • Phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp cao hơn nam giới đặc biệt là suy giáp. Bệnh cũng phổ biến ở những phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp, do có thể liên quan đến yếu tố di truyền
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú có thể mắc suy giáp do ảnh hưởng của rối loạn nội tiết tố.
  • Có tiền sử phẫu thuật tuyến giáp, xạ trị vùng cổ ngực
  • Mắc các bệnh liên quan đến tự miễn như: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,... hoặc rối loạn di truyền như hội chứng Turner,...

Bệnh suy giáp có nguy hiểm không và một số biến chứng

Bệnh suy giáp nếu không được điều trị có thể dẫn tới một số biến chứng như:

  • Bướu cổ do tuyến giáp hoạt động kém nên thường phát triển to lên.
  • Vấn đề liên quan đến tim mạch: suy giáp có thể gây nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn vì hàm lượng cholesterol thường tăng cao khi hormon tuyến giáp bị giảm, đặc biệt là LDL - là cholesterol xấu.
  • Bệnh lý về thần kinh ngoại biên: đau, tê, ngứa ở tay và chân do tổn thương thần kinh ngoại biên
  • Suy giảm chức năng sinh sản
  • Suy giáp trong thời kỳ mang thai nếu không được điều trị sẽ làm tăng tỷ lệ huyết áp của bà mẹ, thiếu máu, chảy máu sau sinh, sẩy thai,...
  • Trẻ sinh ra ở những người bị suy giáp không được điều trị dễ mắc các dị tật bẩm sinh. Trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh không điều trị kịp thời sẽ gặp các vấn đề nghiêm trọng về phát triển thể chất và trí tuệ.
  • Hôn mê phù niêm: Đây là biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng do việc chuyển hóa năng lượng bị rối loạn kéo dài dẫn đến thiếu năng lượng và hôn mê. Khẩn cấp đưa đến cơ sở y tế khi có tình trạng trên.

Thăm khám, chẩn đoán suy giáp như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh suy giáp các bác sĩ cần phải kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng của người bệnh, thăm khám và các xét nghiệm như sau:

  • Hỏi rõ các triệu chứng xuất hiện trên người bệnh như: mệt mỏi, tăng cân nhưng chán ăn, run cơ, táo bón, da tóc khô, gãy rụng,... kết hợp thăm khám tim mạch, cơ xương khớp,...
  • Các xét nghiệm cần làm như: xét nghiệm nồng độ hormon trong máu như: TSH, FT3, FT4,... xét nghiệm độ hấp thụ iod phóng xạ, xét nghiệm định lượng các kháng thể liên quan đến bệnh tự miễn,...
  • Có thể siêu âm tuyến giáp, điện tim, Chụp CT-Scanner, MRI,...

Điều trị bệnh suy giáp

Bệnh suy giáp biểu hiện ở mỗi đối tượng đều khác nhau nên việc tiếp cận điều trị ở từng đối tượng phải cụ thể rõ ràng, cần thăm khám và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất để có thể điều trị đúng đắn. Dưới đây là một số phương pháp điều trị chủ yếu với bệnh suy giáp:

  • Điều trị bằng thuốc: Dùng thuốc thay thế hormon tuyến giáp như Levothyroxine, là thuốc giống với hormon tuyến giáp bình thường. Cần lưu ý về liều lượng, tác dụng phụ của thuốc như: lo lắng, đánh trống ngực, mất ngủ, gầy sút,...
  • Cần xét nghiệm định kỳ hormon tuyến giáp cho bệnh nhân từ 6 - 8 tuần để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Khi bệnh tình ổn định có thể kiểm tra định kỳ 6 tháng - 1 năm.
  • Việc ăn uống với bệnh nhân suy giáp vô cùng quan trọng, đặc biệt là việc bổ sung iod, vì chế độ ăn thiếu hụt iod có thể dẫn tới suy giáp tuy nhiên cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng về hàm lượng trong một ngày.
    • Bổ sung đầy đủ các thực phẩm chứa kẽm và selen giúp kích hoạt hệ thống sản xuất hormon tuyến giáp và làm bền vững hệ miễn dịch như trứng, sữa, cá,...
    • Ngoài ra, người bệnh suy giáp nên ăn chế độ ăn nhiều rau quả, hạn chế calo giúp ngăn ngừa tăng cân.
  • Cần lưu ý kết hợp điều trị các biến chứng của suy giáp nếu có, đặc biệt biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như hôn mê phù niêm.

Suy giáp là bệnh lý rối loạn nội tiết phổ biến của tuyến giáp. Những triệu chứng của bệnh như mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân có thể tiềm ẩn nguy cơ bị suy giáp và cần đến gặp bác sĩ Nội tiết để thăm khám và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Để có hiệu quả trong điều trị người bệnh cần tuân thủ tốt nguyên tắc dùng thuốc và xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý theo ý kiến của chuyên gia.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare