Suy giáp có chữa được không? Cách điều trị bệnh suy giáp
Suy giáp có chữa được không? Cách điều trị bệnh suy giáp
Sử dụng thuốc điều trị suy giáp
Điều trị suy giáp chủ yếu là dùng thuốc - Ảnh: BookingCare

Suy giáp có chữa được không? Cách điều trị bệnh suy giáp

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 01/03/2024
Việc điều trị bệnh suy giáp chủ yếu phụ thuộc vào đối tượng và nguyên nhân của bệnh, hầu như tất cả các bệnh nhân mắc suy giáp đều phải điều trị.

Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh suy giáp cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời vì có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, một trong số đó là hôn mê phù niêm. Suy giáp là tình trạng giảm sản xuất hormon tuyến giáp, vì vậy điều trị suy giáp chủ yếu là nội khoa.

Các phương pháp điều trị bệnh suy giáp

Việc điều trị bệnh suy giáp chủ yếu phụ thuộc vào đối tượng và nguyên nhân của bệnh, hầu như tất cả các bệnh nhân mắc suy giáp đều phải điều trị.

Điều trị chính trong bệnh suy giáp là dùng thuốc thay thế hormon tuyến giáp và chủ yếu là Levothyroxine sử dụng đường uống, vĩnh viễn. Thuốc được sử dụng hàng ngày vì mỗi ngày cơ thể đều cần lượng hormon tuyến giáp mới.

Theo dõi bệnh nhân bằng cách xét nghiệm máu lại sau 6-8 tuần khi điều trị lần đầu tiên, nếu các chỉ số cải thiện có thể giảm liều, nếu đạt được liều điều trị mong muốn có thể lặp lại xét nghiệm 6 tháng/lần và sau đó thì mỗi năm một lần.

Liều điều trị suy giáp đối với trẻ nhỏ

Liều sẽ tăng dần theo sự phát triển của trẻ, cần theo dõi những triệu chứng báo quá liều sút cân nhanh, kích thích hưng phấn, mạch nhanh, ỉa lỏng.

  • Tuổi 0 - 1: Liều bắt đầu 0,0125g - Liều duy trì 0,05 - 0,10g
  • Tuổi 1 - 3: Liều bắt đầu 0,025g - Liều duy trì 0,1 - 0,15g
  • Tuổi 3 -10: Liều bắt đầu 0,05g - Liều duy trì 0,1 - 0,2g

Điều trị suy giáp ở người trưởng thành

Điều trị suy giáp ở người trưởng thành, phần lớn người bệnh phục hồi tốt, duy trì được tình trạng bình giáp.

  • Liều bắt đầu 0,05mg/ngày mỗi ngày ngày tăng 0,05mg cho tới khi đạt hiệu lực điều trị
  • Liều duy trì thông thường thay đổi giữa 0,1 - 0,2mg/ngày
  • Triệu chứng quá liều: nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, hứng phấn kích thích, sút cân.

Các lưu ý trong điều trị

  • Cần lưu ý đối với bệnh nhân có bệnh lý mạch vành nên điều trị tại bệnh viện.
    • Trước khi sử dụng hormon thay thế, bệnh nhân cần được kiểm tra kỹ tình trạng bệnh mạch vành, liều thuốc cũng như các chống chỉ định liên quan để phù hợp với chức năng tim mạch.
    • Đồng thời cần theo dõi các triệu chứng của bệnh mạch vành như: cơn đau thắt ngực, nhịp tim,... để chỉnh liều thuốc thay thế hormon và kịp thời xử trí những biến chứng có thể xảy ra.
  • Đối với bệnh nhân là phụ nữ có thai bị suy giáp thì phải tăng liều từ 25-50% so với lúc chưa mang thai và đặc biệt lưu ý những tháng đầu thai kỳ. Dùng thuốc tăng liều cho đến khi kết thúc thai kỳ và trở về dùng liều như trước khi có thai.
  • Ngoài ra, đối với các trường hợp suy giáp thứ phát cần lưu ý điều trị thay thế hormon tuyến thượng thận trước khi dùng hormon tuyến giáp.
  • Theo dõi các tác dụng không mong muốn khi dùng quá liều Levothyroxine như: mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, run, tăng nhịp tim,... để thông báo sớm nhất cho bác sĩ điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Suy giáp là bệnh lý có thể chữa trị đặc hiệu nhờ thuốc thay thế hormon giáp trạng thông dụng nhất là Levothyroxine. Tuy nhiên, việc điều trị là lâu dài và trung thành với thuốc.

Cần thường xuyên theo dõi các triệu chứng của bệnh, đi kiểm tra định kỳ theo lời khuyên của chuyên gia y tế cũng như các tác dụng phụ của thuốc để kịp thời xử trí tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết