Dị ứng thuốc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Dị ứng thuốc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Dị ứng thuốc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Dị ứng thuốc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 04/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/01/2024
Bất kì ai cũng có nguy cơ bị dị ứng với một số thành phần nào đó của thuốc. Mức độ nguy hiểm do dị ứng thuốc có thể nặng nhẹ khác nhau, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Dị ứng thuốc không phải là một vấn đề hiếm gặp. Nắm rõ được những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý là điều cần thiết mà mỗi người cần nắm rõ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, ngăn chặn những rủi ro biến chứng nguy hiểm.

Dị ứng thuốc là gì?

Dị ứng thuốc là phản ứng dị ứng cấp tính của hệ thống miễn dịch với một số thành phần nào đó của thuốc. Bất kỳ loại thuốc nào bao gồm thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, thuốc bôi, thuốc uống, thuốc tiêm,... thậm chí là thảo dược đều có khả năng chứa một thành phần gây dị ứng nào đó mà một người có thể phản ứng.

Đương nhiên, không phải ai cũng có khả năng bị dị ứng thuốc.

Dị ứng thuốc không phải là tác dụng phụ của thuốc, cũng không phải là do ngộ độc thuốc. Tác dụng phụ của thuốc là những phản ứng của thuốc có thể xảy ra, đã được liệt kê sẵn trên bao bì. Còn ngộ độc thuốc phần lớn là do người bệnh dùng thuốc quá liều.

Nguyên nhân gây dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định nhầm một loại thuốc hoặc thành phần nào đó có trong thuốc là tác nhân gây hại cho cơ thể. Hệ thống miễn dịch sẽ phát triển một kháng thể đặc hiệu cho loại thuốc đó.

Các triệu chứng của dị ứng thuốc có thể xuất hiện lần đầu tiên ngay sau khi người bệnh sử dụng thuốc hoặc tự động ghi nhớ loại thuốc này và biểu hiện triệu chứng vào lần dùng thuốc tiếp theo.

Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, dị ứng thuốc xuất phát từ kháng nguyên được nhận diện qua trung gian IgE gắn trên tế bào mast và bạch cầu ưa bazo. Quá trình nhận diện này dẫn đến hiện tượng kích hoạt các hoạt chất trung gian gây viêm như histamine hoặc leukotriene.

Các histamine và leukotriene tiếp tục được tổng hợp và kích hoạt các hoạt chất trung gian gây viêm khác, tạo thành dòng thác phản ứng viêm gây ra các triệu chứng của phản ứng dị ứng thấy trên lâm sàng.

Một số loại thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh ví dụ như: penicillin
  • Thuốc giảm đau chẳng hạn như: aspirin, ibuprofen và naproxen natri
  • Thuốc hóa trị để điều trị ung thư
  • Thuốc điều trị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp
  • Thuốc chống động kinh: phenytoin, carbamazepine,...

Các triệu chứng thường gặp ở người bị dị ứng thuốc

Thời gian xuất hiện triệu chứng và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau ở mỗi người. Thông thường, biểu hiện dị ứng thuốc nghiêm trọng có thể xuất hiện ngay sau khi sử dụng thuốc khoảng một giờ đồng hồ. Các triệu chứng nhẹ hơn liên quan đến phát ban ngoài da có thể mất vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần mới xuất hiện.

Dưới đây là một số triệu chứng dị ứng thuốc thường gặp:

  • Sốt nhẹ, thường gặp cảm giác ớn lạnh, toàn thân khó chịu
  • Ngứa, phát ban nhiều loại: hồng ban đa dạng, sẩn mề đay, lichen phẳng,...
  • Hụt hơi và thở ít
  • Sổ mũi 
  • Khò khè
  • Chảy nước mắt
  • ...

Trong trường hợp phản ứng dị ứng không được ngăn chặn hoặc bệnh nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc gây dị ứng, sốc phản vệ có thể xảy ra, đây là trường hợp cảnh báo cực kì nguy hiểm. Nếu sau khi sử dụng thuốc, người bệnh có các phản ứng dưới đây, cần nhập viện sớm để được hỗ trợ kịp thời:

  • Khó thở, vướng cổ họng, nuốt nghẹn, chỉ nuốt được khi cố gắng nuốt
  • Buồn nôn hoặc nôn ói liên tục
  • Đau bụng kèm tiêu chảy
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Mạch yếu, nhanh
  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Co giật
  • Ngất hoặc lơ mơ
  • ...

Xét nghiệm chẩn đoán dị ứng thuốc

Khi các triệu chứng được xác định là do dị ứng thuốc, việc xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân, thành phần thuốc gây dị ứng thuốc là yếu tố quan trọng để có thể điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Bên cạnh chẩn đoán dị ứng thuốc dựa trên các biểu hiện lâm sàng, thu thập thông tin cá nhân của người bệnh về lịch sử dị ứng thuốc, khả năng di truyền, bác sĩ có thể chẩn đoán dị ứng thuốc thông qua các phương pháp dưới đây:

Xét nghiệm da

Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ loại thuốc nghi ngờ vào lớp dưới thượng bì của da của người bệnh bằng một cây kim nhỏ làm xước da. Phản ứng dương tính với xét nghiệm thường gây ra vết sưng đỏ, ngứa và nổi lên.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu thường được thực hiện để loại trừ những khả năng có thể gây ra triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.

Một số xét nghiệm máu có thể được tiến hành để phân tích và xác định nguyên nhân gây dị ứng trong thuốc, tuy nhiên độ chính xác chưa thực sự đáng tin cậy.

Điều trị dị ứng thuốc như thế nào?

Tùy thuộc vào từng trường hợp người bệnh bị dị ứng thuốc nặng hay nhẹ, các biện pháp điều trị dị ứng thuốc có thể không giống nhau. Nhiều trường hợp dị ứng thuốc chỉ cần ngưng sử dụng thuốc là có thể dừng hẳn các triệu chứng. 

Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể phải sử dụng các loại thuốc điều trị như: 

  • Thuốc kháng Histamine
  • Corticosteroid
  • Thuốc giãn phế quản (dị ứng thuốc ảnh hưởng đến hô hấp)
  • Tiêm epinephrine (thường dùng trong trường hợp nặng bị sốc phản vệ)
  • ...

Đối tượng có nguy cơ bị dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc có thể xảy ra ở bất kì ai nhưng một số đối tượng có khả năng bị dị ứng thuốc cao hơn bình thường, bao gồm:

  • Người có tiền sử bị dị ứng thuốc
  • Người có người thân bị dị ứng thuốc cũng có khả năng dị ứng với chính loại thuốc đó.
  • Người bị dị ứng với đồ ăn, hóa chất, tiền căn viêm mũi dị ứng, hen suyễn,...
  • Người mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là các bệnh như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản co thắt, các bệnh liên quan đến thần kinh,...
  • Người sử dụng thuốc không đúng cách

Cách phòng ngừa dị ứng thuốc

Nếu một người đã bị dị ứng thuốc, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh đó chính là tránh sử dụng các loại thuốc chứa thành phần gây dị ứng đã biết đó. Ngược lại, sẽ rất khó để một người chưa bị dị ứng thuốc bao giờ phát hiện và phòng ngừa được các tác nhân gây dị ứng.

Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp mọi người hạn chế tối đa nguy cơ bị dị ứng thuốc:

  • Nếu người bệnh có tiền sử bị dị ứng thuốc, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để được lựa chọn loại thuốc an toàn.
  • Không dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc nghe theo người khác mách bảo mà không có sự chỉ định từ bác sĩ
  • Không tự ý sử dụng thuốc cho mỗi lẫn bị bệnh mặc dù có biểu hiện tương tự.
  • Sử dụng thuốc đúng liều, uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • ...

Dị ứng thuốc mức độ nhẹ có thể không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh không được chủ quan. Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường của dị ứng thuốc, cần thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết