Nứt kẽ hậu môn được mô tả cách đây gần 100 năm bởi bác sĩ John Percy Lockhart-Mummery (1875 - 1957). Đây là bệnh lý phổ biến thứ 3 vùng hậu môn trực tràng. Một số biểu hiện chính của bệnh, bao gồm: đau rát, kích thích vùng hậu môn, chảy máu mỗi lần đi đại tiện,... Hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nứt kẽ hậu môn, cùng tìm hiểu các nguyên nhân nứt kẽ hậu môn qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu nguyên nhân bệnh nứt kẽ hậu môn
Hiện nay cơ chế bệnh sinh của nứt kẽ hậu môn vẫn đang được tìm hiểu, khoa học vẫn chưa khẳng định về cơ chế bệnh sinh của bệnh. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng Nguyên nhân gây ra nứt kẽ hậu môn là do những chấn thương ở vùng ống hậu môn hoặc hậu môn bị giãn quá căng khi đại tiện. Cục phân rắn thường là nguyên nhân gây ra những chấn thương này. Nhưng phân lỏng khi bị tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn. Nứt kẽ hậu môn thường có ở vị trí 6g hoặc 12g mà được gọi là nứt kẽ hậu môn điển hình chiếm đến 75-90% với các nguyên nhân không phải là bệnh lý. Khi nứt kẽ hậu môn xuất hiện ở nhiều vị trí đồng thời không nằm ở vị trí điển hình thì có thể do các nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân không do bệnh lý
Nguyên nhân không do bệnh lý dẫn đến nứt kẽ hậu môn, bao gồm:
Táo bón
Da, niêm mạc vùng hậu môn trực tràng mỏng và nhạy cảm nên khi cơ thể táo bón, phân sẽ trở nên cứng hơn hoặc làm người bệnh khó khăn khi đi đại tiện, tăng áp lực để tống phân ra ngoài. Những việc này tạo điều kiện thuận lợi hình thành các vết nứt kẽ hậu môn.
Tiêu chảy kéo dài
Bên cạnh việc táo bón thì tiêu chảy kéo dài, lặp đi lặp lại cũng dẫn đến nứt kẽ hậu môn. Các chuyên gia cho rằng tiêu chảy kéo dài dẫn đến hình thành các vết nứt hậu môn bằng cách làm khô da, niêm mạc vùng hậu môn trực tràng.
Chấn thương vùng hậu môn, trực tràng
Các tổn thương vùng hậu môn trực tràng nếu không theo dõi điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hình thành các vết nứt, loét gây khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Sinh con, sinh thường qua đường âm đạo
Bệnh lý lành tính vùng hậu môn trực tràng bao gồm trĩ và nứt hậu môn xảy ra ở khoảng 40% phụ nữ mang thai và phụ nữ trong thời kỳ hậu sản. Nứt kẽ hậu môn thường xuất hiện ở ba tháng cuối của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ ba) và 1 đến 2 ngày sau khi sinh.
Các nghiên cứu đã chứng minh táo bón khi mang thai, các bệnh quanh hậu môn trong khi mang thai và các khó khăn của lần sinh con trước, trợ sanh bằng dụng cụ, giai đoạn thứ 2 của chuyển dạ kéo dài hơn 20 phút và cân nặng của trẻ sơ sinh hơn 3.800 g đều có liên quan đến nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ mang thai và sau sinh.
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Da, niêm mạc vùng hậu môn trực tràng mỏng và nhạy cảm nên việc quan hệ tình dục qua đường hậu môn hay sử dụng các công cụ tình dục hỗ trợ đưa qua đường hậu môn dễ gây xây xát da, niêm mạc dẫn đến hình thành các vết nứt, loét da vùng hậu môn.
Nguyên nhân bệnh lý
Ngoài ra, một số bệnh lý cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý nứt kẽ hậu môn như: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh viêm ruột, bệnh ung thư hậu môn, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS), bệnh lao, bệnh giang mai, mụn rộp, nhiễm Chlamydia hay viêm nhiễm vùng hậu môn, trực tràng hoặc ung thư máu,... đều là các nguyên nhân dẫn đến nứt kẽ hậu môn.
Đa số vết nứt kẽ hậu môn có thể tự lành nếu người bệnh tuân thủ áp dụng một số biện pháp điều trị như: thay đổi lối sống, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước, điều trị bằng thuốc và điều trị phẫu thuật nứt kẽ hậu môn. Nếu không phát hiện kịp thời và điều trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Việc hiểu biết về các nguyên nhân nứt kẽ hậu môn sẽ là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.