Điện châm là gì? Những điều cần biết về phương pháp điện châm
Điện châm là gì? Những điều cần biết về phương pháp điện châm
Điện châm là gì? Những điều cần biết về phương pháp điện châm - Ảnh: BookingCare

Điện châm là gì? Những điều cần biết về phương pháp điện châm

Tác giả: - Xuất bản: 03/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/01/2024
Điện châm sử dụng dòng điện cực nhỏ tác động lên các huyệt thông qua kim châm, từ đó mang tới lợi ích phòng và điều trị bệnh. Tìm hiểu về điện châm là gì, những chỉ định và chống chỉ định trong phương pháp điện châm, liệu trình và những lưu ý khi điện châm qua bài viết dưới đây. 

Điện châm là phương pháp trị liệu kết hợp chặt chẽ giữa châm cứu của y học cổ truyền với chữa bệnh bằng dòng điện của y học hiện đại. Hiện nay, điện châm được ứng dụng nhiều trong điều trị và phòng ngừa các bệnh lý hiệu quả. Vậy điện châm là gì? Những ai nên và không nên sử dụng phương pháp điện châm? 

Điện châm là gì?

Điện châm là phương pháp chữa bệnh phối hợp tác dụng của châm cứu với tác dụng của xung điện phát ra từ máy điện châm, ứng dụng dòng điện một  chiều và dòng xung điện, ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là dòng xung (PC) là dòng điện ngắt quãng có những chuỗi xung xen kẽ với các khoảng thời gian không có dòng điện. Máy điện châm có nhiều đầu kích thích, tính năng ổn định an toàn, điều chỉnh thao tác dễ dàng và đơn giản.

Đây là phương pháp trị liệu sử dụng dòng điện cực nhỏ tác động lên các huyệt thông qua kim châm. Khi tiến hành điện châm, phạm vi tiếp xúc của kim châm lên da là cực nhỏ (từ 0.1 – 0.5 cm2) nhưng mật độ điện tích tác động trên một đơn vị da là lớn. Vì vậy, dù cho dòng điện sử dụng trong châm cứu mang điện tích cực nhỏ cũng sẽ có tác dụng kích thích lớn xung quanh vị trí châm cứu.  

Kích thích của dòng xung điện tại các huyệt có tác dụng làm dịu cơn đau, ức chế cơn đau, kích thích hoạt động của các cơ, các tổ chức và tăng cường dinh dưỡng đến các tổ chức. Đồng thời, tác dụng điện châm giúp giảm viêm, giảm sung huyết, giảm phù nề tại chỗ. 

Máy điện châm và phương pháp điện châm
Máy điện châm và phương pháp điện châm - Ảnh: Freepik

Chỉ định và chống chỉ định điện châm 

Chỉ định 

  • Điện châm dùng để giảm đau, giảm viêm  trong một số bệnh: đau khớp, thoái hóa khớp, đau căng cơ, đau răng, đau dây thần kinh, đau trong tổn thương đa dây thần kinh do bệnh lý đái tháo đường, cơn đau nội tạng… 
  • Chữa tê liệt, teo cơ trong các chứng liệt như liệt nửa người sau đột quỵ, liệt các dây thần kinh ngoại biên (liệt 7 ngoại biên, liệt đám rối thần kinh cánh tay, liệt dây thần kinh trụ, quay, mũ, giữa…).
  • Điều chỉnh các tình trạng bệnh lý hoặc các rối loạn khác như: mất ngủ, suy nhược mạn, dị ứng, táo bón, rối loạn lo âu trầm cảm, ù tai, bí tiểu, tiểu không tự chủ, … 
  • Châm tê để tiến hành phẫu thuật. 

Chống chỉ định

  • Điện châm không được sử dụng trong các trường hợp bệnh lý thuộc diện cấp cứu, người bệnh có chỉ định ngoại khoa.
  • Người có sức khoẻ yếu, thiếu máu, người có tiền sử hoặc mắc bệnh tim, phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh.
  • Người bệnh đặt máy tạo nhịp tim.
  • Cơ thể ở trạng thái không thuận lợi như vừa lao động xong, mệt mỏi, đói…
  • Một số huyệt không có chỉ định châm, điện châm hoặc cấm châm sâu như Phong phủ, Nhũ trung, Ủy trung,…

Cách điện châm tiến hành như thế nào? 

Sau khi chẩn đoán xác định bệnh lý và vấn đề sức khỏe người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ chọn huyệt và tiến hành châm kim vào huyệt. Sau đó, nối các huyệt cần được kích thích bằng xung điện với máy điện châm. Tùy theo bệnh mà đưa xung điện vào các huyệt khác nhau.

Thời gian kích thích điện tuỳ theo yêu cầu chữa bệnh, có thể từ 15 – 60 phút hoặc dài hơn (như trong châm tê để mổ, thời gian kích thích điện tuỳ theo cuộc mổ). Thông thường, kích thích máy điện châm từ 20 – 30 phút trước khi phẫu thuật, sau đó kéo dài suốt thời gian mổ cho tới khi phẫu thuật kết thúc. 

Thời gian kích thích điện tuỳ theo yêu cầu chữa bệnh, có thể từ 15 – 60 phút hoặc dài hơn
Thời gian kích thích điện tuỳ theo yêu cầu chữa bệnh, có thể từ 15 – 60 phút hoặc dài hơn - Ảnh: Freepik

Liệu trình điện châm là bao lâu? 

Liệu trình điện châm giống như châm cứu, thông thường điện châm ngày 1 lần, hoặc cách ngày. Một liệu trình từ 10 – 15 lần, mỗi lần từ 20 – 30 phút tuỳ theo yêu cầu chữa bệnh. Sau đó, nghỉ 1 – 2 tuần rồi lại tiếp tục liệu trình khác. 

Trong trường hợp người bệnh có cơn đau liên tục (như đau do giun chui ống mật, đau các dây thần kinh ngoại biên cấp…) có thể điện châm ngày nhiều lần, mỗi lần từ 30 phút đến hàng giờ.

Một số tai biến của điện châm 

Tai biến điện châm bao gồm các tai biến trong châm kim và tai biến khi kích thích điện. Cụ thể: 

Tai biến khi châm kim 

Choáng ngất (vựng châm) 

  • Nguyên nhân: chủ yếu do tâm lý sợ hãi, do sức khoẻ yếu, trạng thái cơ thể không bình thường (đói, vừa lao động nặng, vừa đi xa tới…) thiếu máu,… 
  • Biểu hiện: da tái, toát mồ hôi, mạch nhanh, tim đập yếu, huyết áp có thể hạ thấp, hoảng loạn, ngất. Trường hợp nặng có thể gây tụt huyết áp, rối loạn cơ tròn… 

Chảy máu

  • Nguyên nhân: do châm kim vào khu vực nhiều mạch máu, châm phải tĩnh mạch, do bệnh nhân giãy dụa hay cử động mạnh làm thay đổi hướng kim. 
  • Biểu hiện: chảy máu khi rút kim 

Cong kim, gãy kim

  • Nguyên nhân: kim không đảm bảo kỹ thuật, gỉ hoặc do khi châm bệnh nhân cử động, giãy dụa, châm quá thô bạo. 
  • Biểu hiện: khi rút kim thấy kim châm bị cong hoặc gãy, vị trí gãy thường ở phần tiếp nối giữa thân và đốc kim. 
Một số tai biến có thể gặp phải khi điện châm như choáng, ngất, vựng châm
Một số tai biến có thể gặp phải khi điện châm như choáng, ngất, vựng châm - Ảnh: Freepik

Tai biến của kích thích điện 

Điện châm đã được chứng minh là an toàn và hầu như không có tác dụng phụ. Đối với dòng xung điện thì hầu như rất ít khi tai biến. Nếu người bệnh cảm thấy khó chịu, chóng mặt,… thì cần ngừng kích thích điện ngay. Đồng thời rút kim ra và dừng châm kim. 

Những lưu ý khi thực hiện điện châm 

Mặc dù điện châm là phương pháp điều trị khá an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau: 

  • Khi thực hiện trị liệu, luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Những người lao động nặng, suy nhược cơ thể, sức khoẻ yếu, phụ nữ có thai cần thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi châm cứu. 
  • Không đâm kim vào những vị trí huyệt đạo bị viêm nhiễm, lở loét. 
  • Người có cấy ghép thiết bị điện tử như máy tạo nhịp không được sử dụng điện châm.
  • Khi thực hiện điện châm, người bệnh nên giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, căng cứng cơ, không nhịn ăn hoặc ăn quá no. 
  • Luôn thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ. 

Bài viết trên đã mang đến cho quý độc giả thông tin về điện châm. Điện châm là phương pháp không dùng thuốc có tính an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ. Đây là một trong những phương pháp trị liệu không dùng thuốc được ứng dụng rộng rãi và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro có thể gặp phải, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế chất lượng để trị liệu và tuân thủ theo những chỉ định, lưu ý khi điện châm. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết