Điều trị hội chứng thắt lưng hông: Giải pháp đẩy lùi cơn đau dai dẳng
Điều trị hội chứng thắt lưng hông
Điều trị hội chứng thắt lưng hông được nhiều người quan tâm - Ảnh: BookingCare

Điều trị hội chứng thắt lưng hông: Giải pháp đẩy lùi cơn đau dai dẳng

Tác giả: - Xuất bản: 02/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 26/03/2024
Hội chứng thắt lưng hông là tình trạng gây đau đớn, tê bì, khó chịu từ phần thắt lưng lan xuống chân do tổn thương hoặc chèn ép rễ thần kinh tọa. Bài viết cung cấp thông tin về phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng này.

Hội chứng thắt lưng hông, hay còn gọi là bệnh đau thần kinh tọa, là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhiều người. Tình trạng này xảy ra khi rễ thần kinh tọa bị tổn thương hoặc chèn ép, dẫn đến các triệu chứng như đau nhức, tê bì, yếu cơ ở vùng lưng dưới, hông và chân. Vậy điều trị hội chứng thắt lưng hông như thế nào?

Phương pháp điều trị hội chứng thắt lưng hông

Việc điều trị hội chứng thắt lưng hông phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:

Điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc

Đây là phương pháp điều trị đầu tiên, căn bản và tương đối an toàn, có thể áp dụng cho mọi mức độ của hội chứng thắt lưng hông. Các biện pháp điều trị này bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động gây áp lực lên cột sống, giúp giảm bớt tình trạng viêm và sưng.
  • Chườm nóng/lạnh: Chườm nóng giúp thư giãn cơ bắp, chườm lạnh giúp giảm đau và sưng.
  • Tập vật lý trị liệu: Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt và giảm đau.
  • Giãn cơ: Tập các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng giúp giảm căng cứng cơ bắp và cải thiện phạm vi chuyển động.
  • Châm cứu: Kích thích các huyệt đạo trên cơ thể bằng kim châm có thể giúp giảm đau và cải thiện lưu thông máu.

Điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc

Đây là biện pháp điều trị triệu chứng và tương đối an toàn, ít tác dụng phụ và thường sử dụng cho các trường hợp mức độ nhẹ và trung bình. Ngoài ra, còn sử dụng để điều trị bổ trợ cho các phương pháp khác. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, giảm viêm không steroid: Thuốc giảm đau không kê đơn (paracetamol, ibuprofen) hoặc thuốc giảm đau kê đơn (opioid) có thể được sử dụng để giảm đau. Cần lưu ý không nên lạm dụng các loại thuốc này vì các tác dụng phụ của nó lên dạ dày, hoạt động chức năng của gan và thận.
  • Thuốc giãn cơ: Giúp giảm co thắt cơ vân của cơ quanh cột sống, từ đó giảm áp lực lên cột sống và rễ thần kinh, giúp giảm đau và cải thiện vận động.
  • Thuốc chống viêm steroid (hay các thuốc chứa corticoid): Dùng trong các trường hợp có viêm rễ thần kinh và phù tủy sống. Thuốc này có tác dụng giảm viêm và sưng, giúp giảm đau và cải thiện chức năng tốt tuy nhiên có rất nhiều tác dụng phụ kèm theo. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ và cân nhắc khi sử dụng loại thuốc này.

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Chỉ được xem xét khi các phương pháp điều trị hội chứng thắt lưng hông khác không hiệu quả hoặc trong trường hợp có tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Loại bỏ thoát vị đĩa đệm: Được đặt ra khi nguyên nhân chèn ép tủy sống và rễ thần kinh. Phẫu thuật loại bỏ phần đĩa đệm bị thoát vị, chèn ép rễ thần kinh có thể thực hiện qua mổ mở, mở nhở, nội soi hoặc vi phẫu.
  • Giải phóng rễ thần kinh: Được đặt ra khi có các trường hợp hẹp ống sống và đường ra của rễ thần kinh do một số nguyên nhân cơ học như u, viêm hoặc do vôi hóa các cấu trúc quanh ống sống. Phẫu thuật thường là mổ mở để mở rộng ống sống để giảm áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh.
  • Giảm đau bằng sóng cao tần: Đây là phương pháp mới, sử dụng sóng cao tần tác động vào vùng cột sống thắt lưng, qua đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu của hội chứng thắt lưng hông. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị triệu chứng và không phải biện pháp điều trị thực thụ và thường tái phát cơn đau sau 1 - 2 năm.

Lưu ý khi điều trị hội chứng thắt lưng hông

  • Cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh.
  • Lối sống và sinh hoạt
    • Tránh hoạt động quá sức: Hạn chế thực hiện các hoạt động nặng nhọc hoặc đột ngột có thể làm tăng áp lực lên vùng thắt lưng và hông.
    • Tập luyện đều đặn: Thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng, đặc biệt là những bài tập tăng cường sức mạnh và linh hoạt cho cơ lưng và hông. Yoga và bơi lội là những lựa chọn tốt.
    • Nghỉ ngơi hợp lý: Đảm bảo có thời gian nghỉ ngơi đủ, tránh làm việc hoặc ngồi quá lâu một tư thế.
    • Tránh hút thuốc lá và hạn chế rượu bia: Hút thuốc và uống rượu bia có thể làm chậm quá trình phục hồi và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
    • Quản lý stress: Thực hành các phương pháp giảm stress như thiền, yoga, hoặc hít thở sâu để giảm căng thẳng, có thể làm tăng cảm giác đau.
  • Tư thế
    • Tư thế ngồi: Ngồi thẳng lưng và sử dụng ghế có sự hỗ trợ tốt cho vùng lưng dưới. Đặt chân trên sàn và giữ lưng được tựa vào ghế.
    • Tư thế đứng và đi lại: Giữ cho lưng thẳng khi đứng và đi lại. Tránh mang vác nặng một cách không cân đối.
    • Tư thế ngủ: Sử dụng nệm vừa phải không quá cứng hoặc quá mềm và nằm nghiêng với gối kẹp giữa hai đầu gối để giảm áp lực lên hông và thắt lưng.
  • Ăn uống
    • Chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Tăng cường ăn rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ thực vật để giảm viêm và tăng cường sức khỏe tổng thể.
    • Hạn chế chất gây viêm: Giảm tiêu thụ thức ăn chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và trans, thức ăn chế biến sẵn có thể làm tăng viêm và đau.
    • Uống đủ nước: Duy trì việc uống đủ nước mỗi ngày để giúp duy trì sự linh hoạt của cơ và khớp.

Hội chứng thắt lưng hông có thể điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể với các chỉ tiêu như: mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết