Tất tần tật về hội chứng thắt lưng hông
Hội chứng thắt lưng hông
Hội chứng thắt lưng hông là nỗi ám ảnh của nhiều người - Ảnh: BookingCare

Tất tần tật về hội chứng thắt lưng hông

Tác giả: - Xuất bản: 26/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 26/03/2024
Các triệu chứng đau nhức, tê bì điển hình của hội chứng thắt lưng hông là "kẻ thù" dai dẳng của mọi lứa tuổi. Bài viết cung cấp thông tin y khoa chính xác về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị, cách sống chung hiệu quả và các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này.

Hội chứng thắt lưng hông là một trong những bệnh lý phổ biến nhất hiện nay. Triệu chứng của bệnh bao gồm các cơn đau nhức dữ dội từ thắt lưng lan xuống chân do tổn thương rễ thần kinh tọa khiến cuộc sống của người bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin y khoa chính xác về căn bệnh này, từ nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị đến cách sống chung hiệu quả và các biện pháp phòng ngừa qua bài viết dưới đây.

Những triệu chứng thường gặp của hội chứng thắt lưng hông

Triệu chứng thường gặp của hội chứng thắt lưng hông gồm các triệu chứng tổng hợp của hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh. Các triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc thời gian diễn biến bệnh (cấp tính, mãn tính), cơ chế chấn thương và mức độ chèn ép, biến dạng.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau nhức:
    • Là dấu hiệu thường gặp của hội chứng thắt lưng hông. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội sau chấn thương và có thể lan từ thắt lưng xuống mông, đùi và chân, theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau liên tục, ở mọi tư thế và không có tư thế giảm đau.
    • Cơn đau có thể âm ỉ, đôi khi có cảm giác nhức nhối hoặc sắc nhọn như dao cắt.
    • Cơn đau thường tăng nặng khi ho, hắt hơi, ngồi lâu hoặc vận động mạnh.
  • Tê bì, yếu cơ: 
    • Đây là triệu chứng khi các rễ thần kinh và cảm giác đi qua vùng cột sống thắt lưng bị chèn ép.
    • Bệnh nhân có thể cảm thấy tê bì, kiến bò, kim châm hoặc yếu cơ ở chân.
    • Tình trạng này có thể khiến người bệnh khó khăn khi đi lại, đứng lên hoặc ngồi xuống.
  • Rối loạn chức năng bàng quang và đại tiện: Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp rối loạn chức năng bàng quang và đại tiện, như són tiểu, bí tiểu, táo bón hoặc són phân.
  • Một số trường hợp đến muộn có thể thấy biến dạng, cong vẹo cột sống, giảm biên độ vận động của cột sống thắt lưng.

Nguyên nhân gây hội chứng thắt lưng hông

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng thắt lưng hông, có thể kể đến như:

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng thắt lưng hông. Khi đĩa đệm bị thoát vị, phần nhân nhầy bên trong sẽ chèn ép vào rễ thần kinh toạ, gây ra các triệu chứng đau nhức, tê bì.
  • Hẹp ống sống thắt lưng: Do lão hóa, chấn thương hoặc các bệnh lý khác khiến các cấu trúc của ống sống thắt lưng (dây chằng dọc sau, dây chằng vàng, các vôi hóa cột sống…) - nơi tủy sống và các rễ thần kinh đi qua có thể bị hẹp lại, chèn ép vào rễ thần kinh tọa.
  • Tổn thương rễ thần kinh tọa: Rễ thần kinh toạ có thể bị tổn thương trên đường đi của nó do chấn thương, u xơ, hoặc các bệnh lý khác như viêm khớp cột sống dính khớp.
  • Mang thai: Do sự thay đổi nội tiết tố và áp lực lên cột sống, phụ nữ mang thai có thể có nguy cơ cao mắc hội chứng thắt lưng hông.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng thắt lưng hông

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh tăng cao ở người trên 30 tuổi.
  • Nghề nghiệp: Những người làm việc nặng, cúi gập người thường xuyên hoặc ngồi lâu có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Chấn thương: Chấn thương cột sống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Bệnh lý khác: Một số bệnh lý như béo phì, loãng xương, tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Những cận lâm sàng chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông

  • Chụp MRI cột sống thắt lưng: là phương pháp có giá trị chẩn đoán và định hướng điều trị cao nhất. Phương tiện này cung cấp hình ảnh chi tiết về các cấu trúc của cột sống thắt lưng (bao gồm thân đốt sống và các mô mềm xung quanh), giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
  • Chụp X-quang cột sống thắt lưng: Giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc xương của cột sống, như thoái hóa, vôi hóa cột sống thắt lưng...
  • Điện cơ đồ (EMG): Đây là biện pháp thăm dò chức năng có giá trị để đánh giá định khu tổn thương của hệ thần kinh - cơ, qua đó đánh giá chức năng của các dây thần kinh và cơ chi dưới.
  • Xét nghiệm máu: Loại trừ các nguyên nhân khác gây đau nhức, như nhiễm trùng, bệnh lý tự miễn.

Các bệnh lý dễ nhầm lẫn với hội chứng thắt lưng hông

Cần phân biệt hội chứng thắt lưng hông với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự, như:

  • Viêm khớp cột sống dính khớp.
  • Bệnh lý cơ xương khớp.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Bệnh lý mạch máu.

Điều trị hội chứng thắt lưng hông

Cùng tìm hiểu mục tiêu và phương pháp điều trị hội chứng thắt lưng hông:

Mục tiêu điều trị

  • Giảm đau nhức, tê bì.
  • Cải thiện chức năng vận động.
  • Ngăn ngừa biến chứng.

Phương pháp điều trị

Điều trị nội khoa:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm:
    • Paracetamol, ibuprofen, naproxen.
    • Thuốc giảm đau nhóm opioid (trong trường hợp đau nặng).
  • Thuốc giãn cơ: Giúp giảm co thắt cơ, giảm đau và cải thiện chức năng vận động.
  • Vật lý trị liệu:
    • Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt và giảm đau.
    • Các phương pháp vật lý trị liệu khác như chườm nóng/lạnh, massage, điện xung cũng có thể được sử dụng.
  • Tiêm steroid: Tiêm steroid có thể giúp giảm đau tạm thời trong trường hợp đau nặng.

Điều trị ngoại khoa:

  • Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp:
    • Các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả.
    • Bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng như yếu cơ, rối loạn chức năng bàng quang hoặc đại tiện.
    • Có tổn thương thần kinh do thoát vị đĩa đệm lớn hoặc hẹp ống sống thắt lưng.
  • Các loại phẫu thuật: Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ gây nên hội chứng thắt lưng hông mà có các phẫu thuật khác nhau:
    • Phẫu thuật lấy bỏ khối thoát vị đĩa đệm có thể qua đưởng mổ mở, qua nội soi, vi phẫu…
    • Phẫu thuật giải phóng chèn ép rễ thần kinh tùy theo nguyên nhân gây bệnh như lấy bỏ dây chằng vàng, mở cung sau đốt sống....
    • Trong trường hợp không rõ nguyên nhân gây bệnh, người bệnh có thể được thực hiện giảm đau, giảm viêm rễ bằng sóng cao tần (RF).

Chăm sóc bệnh nhân mắc hội chứng thắt lưng hông tại nhà

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Tránh các hoạt động gây áp lực lên cột sống, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm nóng giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau. Chườm lạnh giúp giảm sưng và viêm.
  • Tập các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ: Các bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt và giảm đau.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì có thể làm tăng áp lực lên cột sống, khiến bệnh nặng hơn.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B12, canxi và vitamin D.
  • Tập yoga hoặc thiền: Giúp giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện giấc ngủ và giảm đau.

Phòng ngừa mắc hội chứng thắt lưng hông

  • Tập thể dục thường xuyên: Giúp và giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Tránh béo phì, giảm áp lực lên cột sống.
  • Sử dụng đúng tư thế khi làm việc và sinh hoạt: Tránh cúi gập người, mang vác vật nặng hoặc ngồi lâu một chỗ.
  • Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý khác ảnh hưởng đến cột sống.

Hội chứng thắt lưng hông là một bệnh lý phổ biến và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh với các biến chứng như teo cơ, liệt chi dưới, rối loạn chức năng bàng quang và đại tiện. Tuy nhiên, với việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Khi có các triệu chứng nghi ngờ hội chứng thắt lưng hông, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết