Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng đông y liệu có an toàn, hiệu quả?

Tác giả: - Xuất bản: 24/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 10/03/2024
Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng đông y
Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng đông y như thế nào? - Ảnh: BookingCare
Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng Đông y là giải pháp an toàn hiệu quả, giúp người bệnh nhanh lấy lại sức khỏe và tinh thần. Bài viết cung cấp thông tin về phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ bằng đông y, phân tích từ nguyên nhân, cách điều trị đến biện pháp phòng ngừa.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần con người. Tuy nhiên, nhiều người đang phải đối mặt với tình trạng rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng đông y từ lâu đã là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn được nhiều người tin dùng.

Cùng BookingCare tìm hiểu những thông tin chi tiết về cách điều trị rối loạn giấc ngủ bằng Đông y qua bài viết này.

Tìm hiểu bệnh rối loạn giấc ngủ theo Đông y

Theo Đông y, rối loạn giấc ngủ được gọi là "thất miên", “bất đắc miên” hoặc "bất mị", là tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dậy sớm không ngủ lại được hay thức giấc giữa đêm, dẫn đến thiếu ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của người bệnh.

Mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến mệt mỏi, giảm trí nhớ, khó tập trung, làm phát sinh một số bệnh và làm nặng lên các bệnh đang mắc. 

Theo Đông y có nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, thường là do suy giảm chức năng của các tạng làm cho thần không yên ổn, có thể kể đến như:

  • Tâm tỳ hư: Do lo âu, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến chức năng của tâm và tỳ.
  • Thận âm hư: Do tuổi tác, lao lực, hoặc sử dụng nhiều chất kích thích, dẫn đến thận âm hư không giao hòa được với tâm, khiến tâm hỏa vượng lên gây mất ngủ.
  • Can khí uất: Do stress, tức giận, buồn bã, khí uất kết lại, ảnh hưởng đến tâm gây khó ngủ.
  • Huyết hư: Do thiếu máu, mất máu, hoặc chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, dẫn đến lượng máu nuôi dưỡng não bộ không đủ, gây mất ngủ.

Có nên điều trị bệnh rối loạn giấc ngủ theo Đông y?

Ưu điểm:

  • Hiệu quả lâu dài: Đông y điều trị tận gốc nguyên nhân, giúp cải thiện tình trạng mất ngủ từ từ và bền vững.
  • An toàn: Các bài thuốc Đông y thường sử dụng thảo dược thiên nhiên, ít tác dụng phụ.
  • Phù hợp với nhiều đối tượng: Có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Nhược điểm:

  • Hiệu quả chậm: Cần thời gian để thuốc phát huy tác dụng.
  • Cần kiên trì: Cần sử dụng thuốc đều đặn theo liệu trình của bác sĩ.
  • Khó xác định nguyên nhân: Cần có bác sĩ y học cổ truyền có kinh nghiệm để chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

Cách điều trị rối loạn giấc ngủ theo Đông y

Bài thuốc Đông y chữa bệnh rối loạn giấc ngủ

Tùy từng nguyên nhân và giai đoạn bệnh mà đông y chia rối loạn giấc ngủ thành các thể bệnh khác nhau, mỗi thể bệnh lại được điều trị bằng các bài thuốc riêng.

  • Thể tâm tỳ lưỡng hư: 
    • Người bệnh khi ngủ hay mê, dễ tỉnh giấc, thường hay mệt mỏi, ăn uống kém. 
    • Bài thuốc thường dùng là Quy tỳ thang (thành phần: Nhân sâm, Long nhãn nhục, Hoàng kỳ sao, Bạch truật, Đương quy, Phục thần, Toan táo nhân, Viễn chí, Mộc hương, Chích cam thảo).
  • Thể âm hư hỏa vượng: 
    • Người bệnh có triệu chứng bốc hỏa, ù tai, miệng khô, chất lưỡi đỏ. 
    • Thường dùng bài thuốc Thiên vương bổ tâm đan (thành phần: Nhân sâm, Đương quy thân, Huyền sâm, Thiên đông, Đan sâm, Mạch đồng, Bạch phục linh, Bá tử nhân, Cát cánh, Toan táo nhân, Viễn chí, Ngũ vị, Sinh địa) để điều trị.
  • Thể đàm nhiệt nội nhiễu: 
    • Người bệnh tức ngực, nặng đầu, miệng đắng, mắt hoa, rêu lưỡi vàng nhờn. 
    • Thể bệnh này dùng bài Ôn đởm thang (thành phần: Chế bán hạ, Trần bì, Phục linh, Cam thảo, Chỉ thực, Trúc nhự, Đại táo) để điều trị.

Một nghiên cứu từ dược liệu cổ truyền của nhóm tác giả từ Trung Quốc cho thấy vị thuốc Toan táo nhân và Phục linh có chứa nhiều thành phần hoá học giúp an thần, giảm căng thẳng. Do nguồn gốc từ thực vật nên cũng ít có tác dụng phụ trên lâm sàng.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để được tư vấn và điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của mỗi người.

Phương pháp chữa không dùng thuốc trị rối loạn giấc ngủ

  • Châm cứu: Kích thích các huyệt đạo trên cơ thể giúp điều hòa khí huyết, an thần, dễ ngủ. Các huyệt thường dùng là nội quan, thần môn, tam âm giao, huyết hải, cách du, phục lưu, túc tam lý.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Giúp thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Thường xoa bóp vùng đầu, cổ gáy và bấm các huyệt giống phần châm cứu

Một nghiên cứu phân tích gộp của nhóm tác giả từ Trung Quốc từ 33 cuộc thử nghiệm với hơn 2000 người bệnh bị mất ngủ, độ tuổi từ 15 đến 98. Kết quả cho thấy châm cứu và bấm huyệt là phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị mất ngủ, giúp cải thiện chất lượng và thời gian của giấc ngủ.

  • Dưỡng sinh: theo phương pháp tập luyện các động tác của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (luyện thư giãn, thở 4 thời có kê mông và giơ chân, ngồi hoa sen, xoa ngũ quan,..) giúp luyện quân bình 2 quá trình hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh trung ương, giảm bớt tình trạng rối loạn giấc ngủ.
  • Thực dưỡng: chế độ dinh dưỡng đầy đủ phù hợp với tình trạng cá nhân của người bệnh, chú ý nguyên tắc thực dưỡng theo lý luận y học cổ truyền. Ví dụ như hội chứng Đàm nhiệt nội nhiễu có thể hạn chế sử dụng sản phẩm sinh đàm, thấp: sữa, chuối, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ béo ngọt,… nên sử dụng thực phẩm có tính mát: dưa hấu, cà chua, rau xà lách, trà xanh,…
  • Thiền: tập cách thở để thư giãn, chú ý kéo dài thời gian thở ra giúp cân bằng lại hệ thống thần kinh của cơ thể. Có thể chọn những phương pháp thiền phù hợp với tình trạng của bản thân.
  • Thay đổi lối sống: Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục thường xuyên, tránh sử dụng chất kích thích, hạn chế stress giúp cải thiện tình trạng mất ngủ.

Lưu ý trong quá trình điều trị rối loạn giấc ngủ theo Đông y

  • Sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Uống thuốc đều đặn, đúng giờ.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và hạn chế lo âu, căng thẳng.
  • Theo dõi hiệu quả điều trị và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Phòng ngừa rối loạn giấc ngủ

  • Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tạo thói quen ngủ đều đặn, không dành thời gian nằm trên giường hơn mức cần thiết.
  • Tạo môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh, ít ánh sáng và tiếng ồn.
  • Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng, lo âu.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm tốt cho giấc ngủ như: chuối, sữa ấm, lạc tiên, tâm sen,...

Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng Đông y là phương pháp hiệu quả và an toàn, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng thuốc đúng cách và kết hợp với lối sống lành mạnh để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết