- Xuất bản: 19/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/01/2024
Phương pháp châm cứu chữa mất ngủ an toàn, hiệu quả cao - Ảnh: BookingCare
Châm cứu chữa mất ngủ là phương pháp được áp dụng phổ biến trong y học cổ truyền, có hiệu quả cao, mang lại giấc ngủ ngon và sâu cho người bệnh. Cùng BookingCare tìm hiểu về châm cứu điều trị mất ngủ qua bài viết dưới đây.
Theo y học cổ truyền, mất ngủ thuộc chứng thất miên, do cảm xúc tiêu cực giận dữ, lo nghĩ hay sợ hãi; thể chất suy nhược, yếu/bệnh lâu ngày/lớn tuổi, ăn uống không điều độ, cảm phải các tà khí bên ngoài làm khí huyết tắc trở hoặc thiếu nuôi dưỡng gây ra các triệu chứng mất ngủ và thường liên quan đến các tạng như Tâm, Can, Tỳ, Thận.
Hiện nay, châm cứu chữa mất ngủ được áp dụng phổ biến, mang lại hiệu quả cao, an toàn và ít tác dụng phụ.
Tại sao châm cứu chữa được mất ngủ?
Mất ngủ là một trong những rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Người bị mất ngủ thường có những biểu hiện như trằn trọc, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại, ngủ dậy mệt mỏi, tinh thần uể oải…
Mất ngủ kéo dài có thể gây suy nhược thần kinh, rối loạn tâm sinh lý và lâu dần khởi phát các bệnh lý thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, rối loạn nội tiết…
Trong đông y, mất ngủ thuộc chứng Thất miên, Bất mị, nguyên nhân do sự suy yếu, tổn hại các tạng Tâm, Can, Tỳ, Thận kèm hao tổn khí huyết, phát sinh khí uất và tâm não suy yếu. Hậu quả khiến người bệnh suy nhược cơ thể, mất ngủ.
Điều trị châm cứu thông qua tác động lên một số huyệt đạo có khả năng điều trị mất ngủ, giúp người bệnh ngủ ngon và sâu giấc hơn. Nguyên do là bởi:
Châm cứu tác động vào các huyệt đạo, từ đó làm tăng cường lưu thông máu, đả thông kinh lạc, nhờ đó điều trị mất ngủ.
Châm cứu giúp giải phóng các chất thúc đẩy giấc ngủ, sản sinh hormone serotonin có tác dụng an thần, khởi tạo cung phản xạ gây buồn ngủ, giảm triệu chứng trằn trọc, mất ngủ mỗi đêm.
Châm cứu còn giúp sản sinh hormone endorphin nội sinh có khả năng làm giảm cơn đau, giúp cơ thể thoải mái và dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Châm cứu trị mất ngủ là phương pháp vô cùng an toàn, không gây đau đớn, hiệu quả cao và giúp người bệnh tránh xa tình trạng phụ thuộc vào thuốc.
Các huyệt châm cứu chữa mất ngủ
Để điều trị chứng mất ngủ, cần tác động cùng lúc vào nhiều huyệt đạo có liên quan đến hệ thần kinh và các tạng phủ Tâm, Can, Tỳ… Một số huyệt đạo thường dùng khi điều trị mất ngủ bao gồm:
Huyệt Tam âm giao: Từ chính giữa lồi cao mắt cá trong xương chày đo thẳng lên 3 thốn (tương đương khoảng cách 4 ngón tay khép chặt bệnh nhân), huyệt nằm sát bờ sau xương chày.
Huyệt Thái xung: vị trí khe giữa ngón chân cái và ngón thứ 2 đo lên 1,5 thốn thì huyệt sẽ nằm ở vùng lõm của 2 đầu xương ngón chân
Huyệt Thái khê: huyệt nằm tại trung điểm giữa đường nối điểm cao nhất mắt cá trong và mép trong gân gót.
Huyệt Bách hội: Chính giữa xoáy tóc, huyệt là giao điểm giữa đường dọc giữa cơ thể với đường đi qua đỉnh 2 vành tai.
Huyệt Nội quan: Huyệt nội quan nằm ở mặt trước cẳng tay, từ chính giữa lằn chỉ cổ tay đo lên 2 thốn (tương đương với độ rộng 3 ngón giữa bàn tay tại đường đi qua khớp giữa bàn tay). Huyệt nằm giữa hai cơ gan tay lớn và cơ gan tay bé.
Huyệt Thần môn: đầu trong nếp lằn chỉ cổ tay, huyệt nằm ở khe giữa đầu dưới xương trụ và xương đậu.
Huyệt An miên: nằm ở phía sau tai, ngay giữa dái tai và chỗ lõm sâu nhất của đường chân tóc ở phía sau cổ.
Huyệt Dũng tuyền: chỗ lõm sâu nhất của lòng bàn chân khi gấp các ngón chân giữa 2 khối cơ gan chân trong và gan chân ngoài, hoặc ⅓ trước ⅔ sau đường nối từ kẽ ngón chân 2,3 đến gót.
Ngoài ra, tuỳ vào nguyên nhân gây mất ngủ và tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định và bổ sung thêm các huyệt đạo khác như: Hợp cốc, Thái dương, Đại chuỳ, Phong trì, Kinh môn, Hành gian,...
Phác đồ châm cứu chữa mất ngủ
Trong y học cổ truyền, mất ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau và được phân thành các thể lâm sàng. Tuỳ vào từng thể bệnh mà phác đồ châm cứu khác nhau.
Mất ngủ do Tâm Tỳ hư
Biểu hiện: mất ngủ kiểu Tâm Tỳ hư có thể nặng trắng đêm không ngủ, mộng mị nhiều kèm đánh trống ngực thường nặng hơn vào ban đêm do lao động hoặc suy nghĩ quá sức, hoảng hốt, tim hồi hộp hay quên, chân tay rũ mỏi, ăn uống kém, sắc mặt vàng úa…
Châm cứu: Châm Cách du, Tâm du, Tỳ du, Tam âm giao, Thần môn, Túc tam lý, Công tôn. Châm bổ 1 lần/ngày, nên kết hợp cứu.
Mất ngủ do Thận âm suy kém
Biểu hiện: Mất ngủ thường xuyên thức dậy với đổ mồ hôi nóng, bồn chồn, khó chịu, đánh trống ngực, ngũ tâm phiền nhiệt (nóng bứt ở ngực, lòng bàn tay và lòng bàn chân), đổ mồ hôi đêm (đạo hãn), buồn bực, ù tai, đau lưng, nam giới có di tinh, phụ nữ kèm bạch đới.
Châm cứu: Thận du, Thái khê (châm bổ hoặc cứu), Tâm du, Đại lăng (tả nhẹ), Bách hội, Tứ thần thông, Thông lý, Tam âm giao, Phi dương…
Mất ngủ do Can đởm hỏa vượng
Biểu hiện: mất ngủ khó vào giấc ngủ; căng thẳng, hay cáu giận kèm đầy tức ngực sườn, đau đầu, chóng mặt buồn nôn, chu kỳ kinh nguyệt không đều….
Châm cứu: Can du, Đởm du, Thái xung (châm tả), Đại lăng (Châm tả), Nội quan, Hợp cốc, Quang minh, Bách hội, Tứ thần thông.
Mất ngủ do vị khí không điều hoà
Biểu hiện: Mất ngủ kèm tinh thần ức uất, dễ bị kích động; vùng thượng vị trướng đầy hoặc hai bên sườn đau căng không chịu nổi, sau nôn thì giảm đau; ợ hơi liên tục; nôn chua hôi, hơi thở hôi.
Châm cứu: Trung quản, Túc tam lý, Nội quan,Vị du, Lương khâu, Công tôn, Thái bạch, Phong long (châm bổ ), Tỳ du (châm bổ). Kết hợp tiết chế ăn uống, ăn các thực phẩm dễ tiêu.
Chỉ định và chống chỉ định châm cứu chữa mất ngủ
Chỉ định
Châm cứu cho những người có tình trạng mất ngủ không có tổn thương thực thể và không rõ nguyên nhân.
Những người bị mất ngủ do mắc hội chứng suy nhược mạn.
Người bệnh mất ngủ do rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Mất ngủ thứ phát trên các người bệnh hóa trị liệu ung thư, đột quỵ não,...
Chống chỉ định
Vùng da châm cứu có viêm nhiễm, lở loét.
Phụ nữ có thai và cho con bú cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Người đang mắc các bệnh ngoại khoa cần cấp cứu.
Cơ thể ở trạng thái không thuận lợi như vừa lao động xong, mệt mỏi, đói, sau sử dụng chất kích thích.
Lưu ý khi châm cứu
Châm cứu là phương pháp chữa mất ngủ hiệu quả của đông y, được áp dụng rộng rãi trong y học. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Mỗi bệnh nhân mất ngủ sẽ có mức độ bệnh khác nhau nên phác đồ điều trị cũng khác nhau. Chính vì vậy, chỉ nên thực hiện châm cứu chữa mất ngủ khi được thăm khám, chẩn đoán kỹ lưỡng bởi bác sĩ có kinh nghiệm.
Nên kiên trì tuân thủ lộ trình điều trị, không nên bỏ ngang giữa chừng. Châm cứu cần kiên trì đảm bảo liệu trình mới đạt được hiệu quả cao.
Để tăng hiệu quả, bạn có thể châm cứu kết hợp với các phương pháp điều trị khác của y học cổ truyền như: xoa bóp bấm huyệt chữa mất ngủ, dùng thuốc dược liệu điều trị mất ngủ…
Tuyệt đối không nên tự châm cứu tại nhà nếu không có kiến thức, chuyên môn.
Tuân thủ chỉ định và chống chỉ định khi châm cứu điều trị mất ngủ.
Kết hợp chế độ ăn uống dinh dưỡng, điều chỉnh thói quen sinh hoạt điều độ, vận động rèn luyện thể chất thường xuyên và duy trì trạng thái tinh thần tích cực để thư giãn đầu óc, thể trạng khỏe mạnh. Từ đó giúp đẩy lùi và phòng ngừa tái phát mất ngủ.
Trên đây là một số thông tin cần biết về châm cứu chữa mất ngủ. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.