Trong hầu hết các trường hợp tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp hỗ trợ giúp giảm tình trạng tắc nghẽn của ống lệ.
Với trẻ dưới 1 tuổi, bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp thực hiện tại nhà để khắc phục tình trạng tắc tuyến lệ. Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận ra dấu hiệu em bé bị tắc tuyến lệ để đưa con đi khám.
Hầu hết các trường hợp tắc tuyến lệ sẽ khỏi khi trẻ được 1 tuổi với các biện pháp điều trị tại nhà. Chi tiết về các biện pháp hỗ trợ:
Dùng gạc ấm để vệ sinh mắt
Cứ sau vài giờ, khi dịch tiết ra tích tụ, cha mẹ có thể dùng gạc tiệt trùng hoặc bông y tế nhúng nước ấm rồi nhẹ nhàng lau mắt cho bé.
Có thể ấn nhẹ vào ống lệ, sau đó lau từ trong ống lệ ra ngoài. Ống lệ nằm ở giữa mí mắt dưới và mũi, điểm lệ nằm ở phần mí mắt dưới gần mũi nhất. Khi lau bên mắt còn lại cần thay bông hoặc gạc mới.
Day vùng túi lệ
Để giúp mở và thông ống lệ, cha mẹ có thể thực hiện day vùng túi lệ bằng cách ấn nhẹ vào điểm lệ, dọc theo cánh mũi để giúp ống lệ được thông thoáng. Cha mẹ nên nhờ bác sĩ hướng dẫn cách day để thực hiện đúng.
Có thể thực hiện day túi lệ 3-4 lần/ngày và nhẹ nhàng nhất có thể để tránh làm tổn thương vùng này.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt
Nếu ống lệ bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh dạng nhỏ mắt để điều trị tình trạng viêm.
Sau 8-12 tháng tuổi, bác sĩ có thể chỉ định thông lệ đạo. Nếu các biện pháp thông lệ đạo đã thực hiện mà tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ không được cải thiện, trẻ có thể sẽ được phẫu thuật nối thông túi lệ - mũi.
Các biện pháp hỗ trợ tại nhà cho trẻ thường rất hiệu quả, có thể giải quyết được hoàn toàn tình trạng tắc lệ đạo, đặc biệt với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Trong khi điều trị tại nhà, nếu mắt trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.