Tắc tuyến lệ ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị
Tắc tuyến lệ ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị
Tắc tuyến lệ ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị - Ảnh: BookingCare

Tắc tuyến lệ ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/01/2024
Tắc lệ đạo khiến trẻ thường xuyên chảy nước mắt, ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Tắc lệ đạo do nhiều nguyên nhân và có thể được điều trị hiệu quả nếu nhận biết sớm.

Tắc ống lệ (lệ đạo) là khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Hậu quả nước mắt không chảy xuống mũi một cách bình thường, dẫn đến xuất hiện triệu chứng chảy nước mắt, gây kích ứng khó chịu và tăng nguy cơ mắt bị nhiễm trùng.

Tắc lệ đạo bẩm sinh thường gặp khoảng 50% trẻ sơ sinh. Ống lệ bị tắc ở trẻ sơ sinh thường tự khỏi mà không hoặc ít cần điều trị cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Nguyên nhân tắc lệ đạo ở trẻ em

Trẻ sơ sinh bị tắc lệ đạo thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh. Trẻ có thể bị tắc tuyến lệ do:

  • Không có điểm lệ
  • Dò túi lệ bẩm sinh
  • Dò ống lệ mũi bẩm sinh
  • Bất thường vùng xương hàm mặt cũng làm tăng khả năng mắc phải tắc lệ đạo, gặp trong hội chứng Down

Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh là do màng bảo vệ ống - van Hasner - không mở được

Trẻ lớn hơn ít bị tắc lệ đạo hơn. Khi trẻ bị tắc lệ đạo, nguyên nhân có thể do:

  • Polyp mũi
  • U nang hoặc khối u ở mũi
  • Chấn thương mắt

Triệu chứng

Trẻ bị tắc lệ đạo có thể có các triệu chứng như sau:

  • Trẻ hay bị chảy nước mắt sống và ghèn mắt (ngay cả khi trẻ không khóc)
  • Mắt trẻ lúc nào cũng ướt như vừa khóc do đọng nước mắt ở khe mi, ngấn đầy nước mắt.
  • Đỏ nhẹ hoặc kích ứng mắt hoặc mí mắt (do trẻ dụi mắt)

Nhưng có những trường hợp, các triệu chứng tắc tuyến lệ không biểu hiện ra ngoài cho đến khi ống lệ bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể xảy ra khi vi khuẩn phát triển bên trong ống dẫn bị tắc do môi trường ẩm ướt trong lòng túi lệ. Dấu hiệu ống lệ bị nhiễm trùng bao gồm:

  • Ghèn mắt màu vàng hoặc xanh chảy ra từ mắt
  • Mắt đỏ, viêm kết mạc
  • Mí mắt bị sưng

Khoảng 5% trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt do tắc nghẽn ống lệ mũi, thường là do tồn tại của một màng mỏng tại van Hasner (van khóa đầu tận phía xa của ống lệ mũi). Trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ thường xuất hiện các triệu chứng từ khi sinh đến 12 tuần tuổi. 

Tắc ống lệ mũi hai bên với hiện tượng chảy nước mắt và đóng ghèn quanh mắt. Thông thường tắc ống lệ mũi điển hình thường không gây khó chịu nhiều cho bệnh nhân, trẻ thường hoạt động bình thường mặc dù có nhiều nước mắt chảy ra và tiết dịch nhầy.

Nếu trẻ sơ sinh mắc chứng sợ ánh sáng hoặc các dấu hiệu kích thích khác, trẻ sẽ cần được kiểm tra các bệnh lý khác về giác mạc và glôcôm bẩm sinh. Một số trường hợp nặng có thể kèm ban đỏ và nứt kẽ quanh mắt do gần như bị tiếp xúc liên tục với chất lỏng. Ngoài ra, túi lệ ở trẻ sơ sinh có thể bị áp xe do bị tắc ống lệ mũi.

Chẩn đoán tắc lệ đạo

Trẻ em thường được chẩn đoán bị tắc ống lệ dựa trên các triệu chứng, bao gồm chảy nước mắt sống thường xuyên và kéo dài.

Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh tắc ống lệ chưa có dấu hiệu chảy nước mắt ngay sau khi sinh. Vì vậy, phụ huynh có thể không nhận diện được rõ ràng tình trạng này trong giai đoạn sớm.

Một số trường hợp, tắc tuyến lệ có thể cần phải chẩn đoán thông qua phương pháp thăm dò và bơm thông lệ đạo. 

Điều trị tắc lệ đạo ở trẻ em

- Nếu không có điểm lệ thì có thể rạch làm thông lệ đạo.

- Nếu dò túi lệ thì điều trị bằng phẫu thuật đóng lỗ dò. 

- Nếu do tắc ống lệ mũi bẩm sinh thì tùy theo độ tuổi của trẻ mà có chỉ định điều trị phù hợp.

Thông thường ống lệ bị tắc sẽ tự khỏi, đặc biệt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nếu trẻ bị tắc tuyến lệ, bác sĩ có thể xem xét và hướng dẫn một số biện pháp:

  • Day tuyến lệ 3-4 lần/ngày tại nhà giúp giảm tắc nghẽn
  • Làm sạch chất dịch hoặc chất bẩn trong mắt bằng khăn ấm
  • Thuốc nhỏ mắt kháng sinh nếu tiết dịch đục nhiều
  • Kháng sinh đường uống nếu trẻ có triệu chứng nhiễm trùng tuyến lệ

Nếu sau thời gian này, nếu tình trạng tắc tuyến lệ không cải thiện hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ khám để loại trừ các vấn đề khác và có thể chỉ định thực hiện một số phẫu thuật để thông ống lệ:

Quá trình phẫu thuật thông ống lệ sẽ bao gồm:

  • Thăm dò ống lệ bị tắc bằng dụng cụ kim loại mỏng
  • Đặt các ống nhỏ đặc biệt để kéo căng ống lệ
  • Sử dụng ống thông để mở ống lệ
  • Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ kháng sinh trong thời gian chờ ống lệ lành lại. 

Cách phòng ngừa và chăm sóc tốt cho trẻ tắc lệ đạo

Với trẻ tắc lệ đạo, cha mẹ nên:

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng mắt: Giữ vùng xung quanh mắt sạch sẽ, làm sạch nhẹ nhàng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi vệ sinh mắt cho trẻ. 
  • Theo dõi và điều trị sớm: Khi phát hiện có triệu chứng bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp.

Tắc lệ đạo ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làm trẻ bất tiện trong sinh hoạt. Việc nhận biết sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra do tình trạng này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết