Thoái hóa khớp gối gây đau nhức và hạn chế vận động hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Hiện nay, rất nhiều phương pháp điều trị cho thoái hóa khớp gối như: sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật… Tuy nhiên trong số các phương pháp này, điều trị theo y học cổ truyền là một phương pháp an toàn và hiệu quả.
Y học cổ truyền điều trị thoái hóa khớp gối không chỉ nhấn mạnh việc sử dụng các bài thuốc từ thiên nhiên mà còn kết hợp với các phương pháp châm cứu, bấm huyệt giúp giảm đau, cải thiện chức năng vận động và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Tìm hiểu bệnh thoái hóa khớp gối theo Đông y
Theo Đông y, thoái hóa khớp gối thuộc phạm vi chứng tý, chứng “Hạc tất phong”.
Ở người cao tuổi, chức năng của can, thận suy yếu, không nuôi dưỡng được cân mạch, cốt tủy hoặc ở người bị các bệnh mãn tính, chính khí hư tổn, tà khí thừa cơ xâm nhập vào cơ biểu kinh lạc làm giảm sự vận hành của khí huyết tại khớp gây bệnh biểu hiện tại chỗ như đau, nhức, mỏi các khớp, đau tăng khi vận động, thay đổi thời tiết, mưa lạnh.
Nguyên nhân bệnh theo Đông y
- Khí trệ huyết ứ: Do khí huyết lưu thông kém, không nuôi dưỡng được khớp gối, dẫn đến sụn khớp bị bào mòn, khô cứng. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc chấn thương làm ảnh hưởng đến gân cốt gây nên.
- Can thận hư: Người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh lâu ngày có chức năng can thận suy giảm. Can thận hư làm ảnh hưởng đến sự vận hành của huyết dịch, giảm nuôi dưỡng xương khớp gây ứ trệ và đau. Thận còn có chức năng chủ về xương, tủy, khi thận hư sẽ ảnh hưởng khiến khớp gối yếu, dễ tổn thương.
- Phong thấp: Phong thấp tà xâm nhập vào cơ thể, gây đau nhức, sưng tấy, hạn chế vận động khớp gối.
Có nên điều trị bệnh thoái hóa khớp gối theo Đông y?
Ưu điểm:
- An toàn: Đông y sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên, ít tác dụng phụ.
- Hiệu quả: Giúp giảm đau nhức, sưng tấy, cải thiện vận động khớp gối.
- Tăng cường sức khỏe: Bổ khí huyết, bổ thận, tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Phòng ngừa tái phát: Giúp phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
Nhược điểm:
- Hiệu quả chậm: Hiệu quả điều trị thường chậm hơn so với Tây y.
- Cần kiên trì: Cần kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài.
- Cần có chuyên môn: Cần được bác sĩ Đông y có chuyên môn chẩn đoán và cho thuốc phù hợp.
Cách điều trị bệnh thoái hóa khớp gối theo Đông y
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối chung là ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, bổ can thận, bổ khí huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp. Tùy vào từng biểu hiện bệnh mà thay đổi các phương pháp và bài thuốc cụ thể.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng các bài thuốc
- Thoái hóa khớp gối đợt tiến triển cấp tính (tương ứng với thể nhiệt tý của y học cổ truyền): bệnh nhân có sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp, sốt, ban ngày nhẹ, ban đêm nặng, lưỡi đỏ, rêu vàng điều trị bằng phương pháp thanh nhiệt khu phong, hóa thấp với bài thuốc Bạch hổ quế chi thang gia vị hoặc Quế chi thược dược tri mẫu thang gia vị.
- Thoái hóa khớp gối mạn tính: bệnh nhân có các triệu chứng sưng đau nhưng hết đỏ, hết sốt, dính khớp, cứng khớp hoặc biến dạng khớp, teo cơ. Điều trị dùng bài Độc hoạt tang ký sinh thang hoặc Tam tý thang gia vị.
- Thoái hóa khớp gối giai đoạn sớm: bệnh nhân chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán thoái hóa khớp gối. Trên lâm sàng, nếu triệu chứng bệnh lý khớp thiên về cảm phải ngoại tà như phong, hàn hay thấp thì sẽ dùng các bài thuốc khác nhau.
- Thể Phong tý: đau di chuyển nhiều khớp, sợ gió, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Dùng bài Phòng phong thang gia giảm.
- Thể hàn tý: Đau dữ dội ở một khớp, trời lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau, sợ lạnh, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng. Bài thuốc điều trị dùng Ô đầu thang gia giảm.
- Thể thấp tý: các khớp nhức mỏi, vận động khó, kèm theo tê bì, nhạt miệng, rêu lưỡi trắng dính. Dùng bài Ý dĩ nhân thang gia giảm để điều trị.
Lưu ý:
- Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, cần được bác sĩ Đông y chỉ định phù hợp với tình trạng bệnh của từng người.
- Khi sử dụng thuốc cần kiên trì, đều đặn, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Khi sử dụng các bài thuốc dân gian cần chú ý nguồn gốc nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cần ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng các phương pháp không dùng thuốc
- Châm cứu: Kích thích các huyệt đạo trên cơ thể, giúp giảm đau nhức, tăng cường lưu thông khí huyết. Châm các huyệt Hợp cốc, Phong trì, Phong môn, Huyết hải, Túc tam lý. Châm các huyệt tại khớp sưng đau và vùng lân cận khớp đau. Thể hàn tý kết hợp với cứu bằng ngải cứu.
- Châm loa tai (Nhĩ châm): châm vào vùng tương ứng với khớp đau.
- Xoa bóp bấm huyệt: Giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau nhức, tăng cường vận động khớp gối. Xoa bóp vùng lân cận chỗ đau và bấm các huyệt tương tự khi châm cứu.
Lưu ý trong quá trình điều trị:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Uống thuốc đúng liều lượng, thời gian.
- Kết hợp điều trị với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
- Tái khám định kỳ theo dõi tình trạng bệnh.
Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng cần chú ý:
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp. Không nên đi bộ nhiều vì gây áp lực lên khớp gối. Có thể lựa chọn bơi, đạp xe.
- Giữ cân nặng hợp lý: Tránh thừa cân béo phì, tạo áp lực lên khớp gối.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, tốt cho xương khớp.
- Hạn chế các hoạt động gây áp lực lên khớp gối: Mang vác vật nặng, leo cầu thang, chạy nhảy,...
Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý phổ biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Do tính chất của bệnh thoái hóa khớp gối là bệnh lý mạn tính khó khắc phục chỉ bằng một vài lần điều trị nên việc kết hợp nhiều phương pháp là rất cần thiết. Đông y với các phương pháp điều trị (bài thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công dưỡng sinh,...) an toàn, hiệu quả là một lựa chọn tốt cho điều trị bệnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng thuốc hay bất kì phương pháp nào cần theo hướng dẫn của bác sĩ, kiên trì điều trị và kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý để đạt hiệu quả tốt nhất.