Thoái hóa khớp gối: Triệu chứng, cách chữa trị và các bài tập hỗ trợ
Thoái hóa khớp gối: Triệu chứng, cách chữa trị và các bài tập hỗ trợ
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh thoái hóa khớp gối
Triệu chứng, cách điều trị và chăm sóc tại nhà cho người bệnh thoái hóa khớp gối - Ảnh: BookingCare

Thoái hóa khớp gối: Triệu chứng, cách chữa trị và các bài tập hỗ trợ

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Khớp gối chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, chính vì thế, khớp gối rất dễ bị thoái hóa. Thoái hóa khớp gối có thể gây biến chứng nặng nề, thậm chí là tàn phế.

Thoái hóa khớp có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào, trong đó theo thống kê tại Việt Nam, thoái hóa khớp gối là bệnh lý có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Thoái hóa khớp gối là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật ở người trung niên và người cao tuổi. 

Bạn đọc có thể tìm hiểu thông tin về bệnh lý này trong bài viết dưới đây để có kiến thức cơ bản, nhận biết triệu chứng, thăm khám và hướng dẫn điều trị, chăm sóc tại nhà, sống chung với bệnh. 

Khớp gối là khớp rất quan trọng, chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất so với các khớp khác, chính vì thế, khớp gối cũng dễ bị thoái hóa.

Thoái hóa khớp gối là gì? Triệu chứng của thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng mòn lớp sụn bọc hai đầu xương của khớp gối, dẫn đến lệch trục, gây vẹo khớp, làm biến dạng khớp gối.

Thoái hóa khớp gối tùy từng giai đoạn sẽ có triệu chứng khác nhau. Cụ thể, triệu chứng ở 4 giai đoạn như sau: 

Giai đoạn

Triệu chứng

Giai đoạn nghi ngờ - Thoái hóa khớp gối độ 1

  • Khớp gối chưa hư, chưa thương tổn nhiều
  • Thường bệnh nhân chỉ có cảm giác đau thoáng qua, đau mơ hồ, đau khi đi lại hoặc sáng ngủ dậy thấy đau. Có thể chỉ bị đau nhức khớp gối nhẹ khi đứng lên ngồi xuống, ngồi xổm, leo cầu thang…
  • Có khi triệu chứng đau tự hết khiến người bệnh không để ý 

Giai đoạn 2 - Thoái hóa khớp gối độ 2

  • Bao hoạt dịch khớp vẫn cung cấp đủ dịch khớp để nuôi dưỡng sụn và bôi trơn khớp, giúp các đầu xương hoạt động được trơn tru mà không tiếp xúc với nhau.
  • Người bệnh vẫn có thể xuất hiện những triệu chứng đầu tiên như:
    • Đau nhức khớp gối sau khi chạy dài, đi bộ hay làm việc quá sức, vận động nhiều, làm việc sai tư thế
    • Cứng khớp gối khi trời lạnh hoặc không hoạt động trong nhiều giờ
    • Đau, khó chịu khi thực hiện các động tác như: khuỵu gối, cúi người…

Giai đoạn tổn thương nặng hơn - thoái hóa khớp gối độ 3

  • Tổn thương nặng hơn, dịch khớp bị khô nhiều hơn
  • Đau nhức và khó chịu nhiều hơn khi thực hiện các tư thế như: đứng, đi, ngồi xổm hay lên cầu thang.
  • Đau liên tục, không tự thuyên giảm
  • Cứng khớp xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn vào các buổi sáng.
  • Xuất hiện tình trạng sưng, đau, tràn dịch hay biểu hiện vẹo khớp gối do viêm khớp gối gây ra

Giai đoạn tổn thương mô dưới sụn, hẹp khe khớp - Thoái hóa khớp gói độ 4

  • Lớp sụn khớp gần như bị bào mòn và bong tróc hoàn toàn để lộ đầu xương rõ rệt. Lượng dịch bôi trơn khớp giảm đi còn khiến các đầu xương dễ dàng cọ xát với nhau gây ra những cơn đau nhức nghiêm trọng.
  • Đầu gối có thể sưng một phần hoặc toàn khớp gối
  • Lúc này bệnh nhân đau liên tục, rất khó chịu, đau nhức khớp gối liên tục: đêm nằm cũng nhức, đi lại cũng nhức, lên cầu thang không nổi do tình trạng khô khớp gối
  • Khó đứng lên ngồi xuống
  • Nghe tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp
  • Lâu ngày, thoái hóa khớp gối còn có thể gây biến dạng khớp hoàn toàn, lệch trục khớp,...

Ở giai đoạn đầu, người bị thoái hóa khớp gối hầu như không có các biểu hiện rõ ràng. Nếu gặp phải tình trạng đau nhức khớp gối hay có nguy cơ tiềm ẩn, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán bệnh lý gặp phải. 

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Người bệnh có thể gặp thoái hóa khớp gối nếu:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có xương khớp. Mặc dù vậy không phải tất cả người lớn tuổi đều bị thoái hóa khớp. Thông thường ở người sau 60 tuổi, có thể gặp các vấn đề về thoái hóa khớp, trong đó có thoái hóa khớp gối.
  • Yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hoá (mãn kinh, đái tháo đường...) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa.
  • Chấn thương khiến trục khớp thay đổi: gãy xương khớp, can lệch,...
  • Các bất thường khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ra ngoài, khớp gối quay vào trong, khớp gối quá duỗi hoặc sau các tổn thương viêm khác tạo khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, bệnh gút,... )
  • Bạn thường xuyên gây căng thẳng cho đầu gối khi làm việc hoặc chơi thể thao.
Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi
Tuổi tác là nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa khớp ở người cao tuổi - Ảnh: Canva

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối như thế nào?

  • Khám lâm sàng: Dựa trên các triệu chứng bệnh nhân mô tả (vị trí đau và kiểu đau), tiền sử bệnh
  • Cận lâm sàng
    • Chụp X-quang: giúp đánh giá tình trạng mất khoảng trống giữa 2 khớp, xơ cứng xương dưới sụn 
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này có thể quan sát được hình ảnh khớp một cách đầy đủ trong không gian ba chiều, phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
    • Các xét nghiệm máu khác: giúp phát hiện các loại viêm khớp khác
    • Chọc hút dịch khớp (nếu có tích tụ dịch trong khớp) và soi dưới kính hiển vi là các chỉ dấu phân biệt thoái hoá khớp với các tình trạng khác.

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Mặc dù tình trạng thoái hóa khớp gối không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc kiểm soát, điều trị đúng phương pháp ngay từ đầu sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. 

Khi thấy bất thường ở khớp gối, bạn nên sắp xếp thời gian đi khám, tốt nhất là khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được điều trị sớm tránh xảy ra biến chứng. 

Mục đích điều trị thoái hóa khớp gối: 

  • Giảm đau trong các đợt tiến triển
  • Phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp
  • Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh

Dựa trên nguyên tắc đó, các bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Nếu điều trị nội khoa không khỏi, bác sĩ sẽ hội chẩn để điều trị ngoại khoa - phẫu thuật xương khớp (thay khớp gối với mục đích thay sụn khớp gối) khi thật cần thiết.

Điều trị nội khoa dùng thuốc

  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc bôi ngoài da,....
  • Vật lý trị liệu: Việc tập luyện, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.
Người bệnh được tập vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu giúp ích cho quá trình điều trị thoái hóa khớp gối - Ảnh: Canva

Điều trị ngoại khoa phẫu thuật thay khớp nhân tạo

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo được chỉ định ở các thể nặng tiến triển, có giảm nhiều chức năng vận động. Thường được áp dụng ở những bệnh nhân trên 60 tuổi. Thay khớp gối một phần hay toàn bộ khớp.

Chăm sóc người bệnh thoái hóa khớp gối tại nhà

  • Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tập luyện đúng phương pháp tránh cứng khớp và teo cơ, chế độ ăn đầy đủ chất, bổ sung canxi và khoáng chất.
  • Trường hợp người bệnh thừa cân - béo phì cần được tư vấn và điều trị giảm cân, nếu giảm được 5kg, giúp giảm 50% nguy cơ khởi phát đau khớp gối.
  • Thay đổi tư thế sau mỗi 30 phút để tránh làm cơ khớp bị mỏi.
  • Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài,..).

Sống chung với bệnh thoái hóa khớp gối

Bên cạnh việc đi khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp, việc rèn luyện sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng tới hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, cần thực hiện tập luyện đúng cách nếu không muốn tình trạng thoái hóa nghiêm trọng hơn. 

  • Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn cho người bệnh đau khớp gối như: chườm nóng, sử dụng băng thun hoặc bó gối để cố định khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang, bài tập cơ, duỗi khớp gối,...
  • Người bệnh có thể bơi lội, đạp xe đạp tại chỗ, tập dưỡng sinh,...
  • Dưỡng sinh là môn thể thao rất tốt vì các động tác được thực hiện thật chậm rãi, phong thái nhẹ nhàng, đặt ý nghĩ và hơi thở đi theo động tác của tay chân.
  • Khi tập thể dục, cần tránh những động tác mạnh như xoay gối, cúi gập người, bẻ lưng, thậm chí chạy nhảy tại chỗ, vì những động tác này rất hại cho các khớp, đặc biệt là cột sống thắt lưng và khớp gối.
  • Tập các bài tập cơ đùi, cơ hông để giảm áp lực lên khớp gối: squat (đứng lên ngồi xuống), bài tập kéo dãn cơ đùi sau, bì tập tăng sức mạnh cho cơ đùi trước, bài tập tăng sức mạnh cơ hông đùi,...
  • Không nên đi bộ nhiều và chạy bộ. Lý do là khi đi đứng, sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa. Từ đó dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh nhân đứng hay đi. Vì thế với những bệnh nhân này, phải hạn chế đi lại.

Trên đây là những thông tin về triệu chứng, cách điều trị và rèn luyện cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Hy vọng có thể hỗ trợ quá trình khám chữa bệnh, điều trị của bạn được hiệu quả hơn. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare