Xuất bản: 15/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 14/11/2023
Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu sau tuổi 40 - Ảnh: BookingCare
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, giảm viêm và ngăn ngừa biến chứng xấu.
Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu sau tuổi 40, tuy nhiên bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bộ phận ngoài khớp, do vậy cần được điều trị tích cực ngay từ đầu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. .
Viêm khớp dạng thấp thường khó phát hiện vì bệnh bắt đầu bằng những triệu chứng mơ hồ, tương tự với nhiều bệnh viêm khớp khác.
Bạn đọc do vậy khi thấy một trong những triệu chứng sau, cần đi khám tại các bệnh viện, phòng khám Cơ xương khớp để được đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Giai đoạn
Triệu chứng theo giai đoạn
Triệu chứng đặc trưng
Sưng, nóng, đỏ, đau và cứng khớp
Giai đoạn khởi phát (thường trong năm đầu)
Hầu hết bệnh nhân đều có chung biểu hiện chủ yếu tại khớp nhỏ (khớp nối ngón tay với bàn tay, ngón chân với bàn chân)
Đau kèm theo sưng, nóng, đỏ, đối xứng
Giai đoạn toàn phát (từ năm thứ 2 trở đi)
Người bệnh bị viêm nhiều khớp
Vị trí viêm sớm là các khớp ở chi như cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân, bàn ngón chân, khớp gối… Sau đó xuất hiện thêm ở khuỷu, khớp vai, khớp háng, đốt sống cổ…
Bệnh nhân thường viêm ở 2 khớp đối xứng nhau như ở 2 đầu gối, 2 ngón tay cùng vị trí ở 2 bàn tay
Giai đoạn muộn
Sưng, nóng, đau khớp
Kèm theo biến dạng khớp, ví dụ: ngón tay có hình thoi, biến dạng khớp đặc trưng xuất hiện chậm hơn: bàn tay gió thổi, bàn tay lưng lạc đà
Bên cạnh các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trên, viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn nên tiến triển rất nhanh và thường để lại nhiều biến chứng ở các khớp xương:
Người bệnh có thể mất khả năng lao động: do hiện tượng cứng khớp làm hạn chế vận động, sức đề kháng cơ thể giảm, đau nhiều,…
Bệnh lâu ngày có thể dẫn tới teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp gây ra tàn phế.
Có khoảng 89% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị cứng khớp, bàn tay khó cầm nắm, khó đi lại sau 10 năm phát bệnh.
Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 4 lần. Các nghiên cứu cho thấy có tới 30% bệnh nhân có biến chứng tim mạch và 50% có thể dẫn tới tử vong.
Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 25% phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp gặp khó khăn trong việc thụ thai.
Khi mang thai, triệu chứng có thể bớt đi nhưng sau khi sinh, bệnh có thể nặng trở lại.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Như BookingCare đã chia sẻ viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng và bệnh tật. Với người bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch lại tấn công nhầm các mô khỏe mạnh trong cơ thể.
Mặc dù vậy, nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp tới nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Về cơ bản, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng viêm khớp dạng thấp được gây ra bởi sự kết hợp giữa di truyền, hormone và các yếu tố môi trường.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:
Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn nam giới.
Tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường bắt đầu ở tuổi trung niên, thường là từ 35 đến 50 tuổi
Lịch sử gia đình: Nếu một thành viên trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp, bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp và làm cho bệnh nặng hơn
Thừa cân: Những người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.
Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp tới nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Về cơ bản, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng viêm khớp dạng thấp được gây ra bởi sự kết hợp giữa di truyền, hormone và các yếu tố môi trường.
Xét nghiệm chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Người bệnh sẽ trải qua quá trình thăm khám lâm sàng hỏi bệnh và triệu chứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp của bạn có bị sưng, đỏ và nóng không. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra phản xạ và sức mạnh cơ bắp.
Tiếp đó, bác sĩ sẽ đưa ra một số chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu để có cơ sở chẩn đoán tình trạng viêm khớp dạng thấp.
Thông thường, bệnh nhân có thể cần thực hiện một trong số những chỉ định sau như:
Xét nghiệm các yếu tố viêm: tốc độ máu lắng, CRP, bạch hầu...
Xét nghiệm miễn dịch: yếu tố thấp RF, Anti CCP có vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Thử nghiệm protein phản ứng C
Siêu âm khớp: phát hiện tình trạng có dịch khớp, tổn thương phần mềm quanh khớp, phát hiện những thay đổi sớm trong bệnh viêm khớp
Chụp X-quang khớp: có thể xuất hiện các dấu hiệu bào mòn sụn khớp đặc xương dưới sụn gai xương, hẹp khe khớp, nặng hơn là hình ảnh dính khớp.
Chụp cộng hưởng từ MRI: cho phép đánh giá các bệnh lý tại khớp như viêm khớp, phần mềm quanh khớp...
Chụp xạ hình xương: đánh giá toàn bộ hệ thống xương, phát hiện sớm bệnh lý viêm khớp, các bệnh lý ác tính tại xương ung thư xương nguyên phát và ung thư di căn xương...
Lưu ý: tùy theo tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp (không phải thực hiện tất cả các chụp chiếu, xét nghiệm trên).
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Nếu bác sĩ chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần điều trị liên tục. Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem xét tuổi tác, sức khỏe, tiền sử bệnh của người bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi quyết định phương pháp điều trị.
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc được bác sĩ kê đơn sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian bạn bị viêm khớp dạng thấp. Có nhiều loại thuốc để giảm đau khớp, sưng và viêm, đồng thời ngăn ngừa hoặc làm chậm bệnh. Một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc corticosteroid
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs)
Thuốc chống thấp khớp sinh học ( DMARDs sinh học)
…
Vật lý trị liệu
Bác sĩ có thể chỉ định bạn tập vật lý trị liệu - người có thể hướng dẫn người bệnh các bài tập giúp giữ các khớp linh hoạt.
Phẫu thuật
Nếu sử dụng thuốc không thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương khớp, bác sĩ và người bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật. Phẫu thuật có thể giúp khôi phục khả năng của khớp, giảm đau và cải thiện chức năng.
Phẫu thuật viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm một hoặc nhiều quy trình sau:
Phẫu thuật cắt bao hoạt dịch: Phẫu thuật loại bỏ lớp màng hoạt dịch của khớp (synovium) bị viêm có thể giúp giảm đau và cải thiện tính linh hoạt của khớp.
Phẫu thuật sửa chữa gân do viêm khớp dạng thấp: Tình trạng viêm và tổn thương khớp có thể khiến gân quanh khớp của bạn bị lỏng hoặc đứt. Bác sĩ phẫu thuật có thể sửa chữa các gân xung quanh khớp của người bệnh
Thay khớp toàn bộ: Trong quá trình phẫu thuật thay khớp, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng của khớp và lắp một bộ phận giả làm bằng kim loại và nhựa.
Phẫu thuật có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng và đau đớn. Do vậy, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro khi thực hiện.
Chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả tại nhà
Người bệnh, người nhà có thể thực hiện các hướng dẫn dưới đây để chăm sóc cơ thể khi bị viêm khớp dạng thấp. Nếu thực hiện các hướng dẫn này kết hợp với việc sử dụng cùng với thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, có thể giúp bạn kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng:
Luyện tập thể dục đều đặn: Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp và giúp giảm mệt mỏi. Lưu ý người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu vào các bài tập. Có thể bắt đầu bằng cách đi bộ.
Chườm nóng hoặc lạnh: Nhiệt có thể giúp xoa dịu cơn đau của bạn và thư giãn các cơ bị căng, đau. Lạnh có thể làm giảm cảm giác đau. Lạnh cũng có tác dụng làm tê và có thể giảm sưng.
Hít thở sâu và thư giãn cơ bắp: Những cơn đau có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Các kỹ thuật như hít thở sâu và thư giãn cơ bắp có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau.
Uống đủ nước: Với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, uống nhiều nước sẽ giúp giảm viêm và đảm bảo sức khỏe của các cấu trúc trong khớp.
Sống chung với viêm khớp dạng thấp
Người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng thuốc có thể khiến bệnh nặng hơn, nguy hiểm nhất là dùng thuốc không đúng chỉ định.
Không được tiêm bất cứ loại thuốc gì vào vùng đau của khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.
Hãy nghỉ ngơi khi mệt mỏi:
Viêm khớp dạng thấp có thể khiến bạn dễ bị mệt mỏi và yếu cơ. Hơn nữa, sống chung với cơn đau mãn tính không phải là điều dễ dàng. Hãy nghỉ ngơi hoặc chợp mắt ngắn để không ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
Tiếp nữa, khi các khớp bị viêm, nguy cơ chấn thương khớp và các cấu trúc mô mềm gần đó (chẳng hạn như gân và dây chằng) là rất cao. Đây là lý do tại sao người bệnh cần cho các khớp bị viêm của mình nghỉ ngơi.
Tập thể dục: Đau và cứng khớp có thể làm bạn chậm lại, hạn chế các hoạt động. Nhưng không hoạt động có thể dẫn đến mất chuyển động khớp và mất sức mạnh cơ bắp. Những điều này tiếp tục làm giảm sự ổn định của khớp và tăng đau, mệt mỏi. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa và đảo ngược những tác động này. Bạn có thể bắt đầu bằng cách gặp kỹ thuật viên vật lý trị liệu để được tư vấn về cách tập thể dục an toàn.
Trên đây là một số thông tin tổng quan về bệnh viêm khớp dạng thấp. Hy vọng có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho người nhà, người bệnh khi tìm hiểu về bệnh lý này.