Thoái hóa khớp vai: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Thoái hóa khớp vai: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 21/07/2020 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Khớp vai cũng là một khớp quan trọng trong cơ thể, là khớp được sử dụng nhiều trong suốt cuộc đời. Vì vậy, thoái hóa khớp vai gây ra nhiều bất tiện, khiến bệnh nhân trở nên thụ động, không tự do vận động theo ý mình.

Thoái hóa khớp vai là bệnh thoái hóa khớp phổ biến chỉ sau thoái hóa khớp gối và háng. Theo thống kế, có khoảng 20% người lớn trên 65 tuổi được chẩn đoán mắc thoái hóa khớp. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ và người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc phải bệnh lý này cao hơn những đối tượng khác.

Khớp vai bị thoái hóa còn ảnh hưởng trực tiếp lên các bộ phận khác bao gồm cả cánh tay, gây khó khăn trong nhiều hoạt động sinh hoạt thường ngày. Để chấm dứt tình trạng này, cần phải hiểu rõ nguyên nhân, nhận biết các biểu hiện, từ đó, có phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Theo dõi bài viết sau đây từ BookingCare để cập nhật các thông tin cần thiết về bệnh lý thoái hóa khớp vai bạn nhé!

Thoái hóa khớp vai là gì?

Thoái hóa khớp vai là tình trạng bệnh lý thoái hóa ở phần sụn khớp tại bả vai. Vai của chúng ta vốn được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm phần xương nối với nhau bởi các khớp, bao quanh là các bó gân và cơ. Trong đó, ba bộ phận xương chính cấu tạo nên bả vai là: xương cánh tay, xương bả vai, xương đòn kết hợp với khớp ổ chảo - cánh tay và khớp cùng-đòn, tạo nên tổ hợp xương khớp linh hoạt nhất của cơ thể.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, có thể là do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, các bộ phận này ngày một suy yếu, bị tổn thương, bào mòn dẫn đến bị thoái hóa. Tình trạng thoái hóa khớp vai kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: hạn chế hoạt động phần bả vai - cánh tay, biến dạng xương, vôi hóa khớp vai,...

Triệu chứng thoái hóa khớp vai

Tùy thuộc vào từng nhóm nguyên nhân gây ra cũng như tùy vào từng cơ địa của mỗi người mà sẽ có những biểu hiện khác nhau với các mức độ từ nhẹ đến nặng. Bạn nên theo dõi những triệu chứng của mình hay của người thân đang gặp phải ở mức độ nào để có phương án điều trị phù hợp.

Nhóm triệu chứng nhẹ

  • Đau vùng vai: Vùng khớp vai thường xuyên có cảm giác đau nhức, đau âm ỉ, có thể lan sang vùng cánh tay hoặc cổ. Đau tăng lên khi vận động mạnh và giảm khi nghỉ ngơi
  • Hạn chế vận động: Khớp bị thoái hóa mất đi độ linh hoạt dẫn đến hoạt động thường ngày gặp khó khăn, không cử động được hết tầm vận động của khớp vai. Các giá trị tầm vận động khớp vai bình thường là: gấp trước 180°, duỗi sau 45°, dạng 180°, khép 45°, xoay ngoài 90°, xoay trong 70°. Bạn có thể dựa vào các giá trị này để tự kiểm tra xem khớp của bạn có vận động được bình thường hay không
  • Phát ra tiếng kêu khi cử động: Phần sụn khớp bị thoái hóa, hao mòn, không còn khả năng bảo vệ các khớp, dẫn đến các khớp va chạm vào nhau, tạo ma sát, gây ra tiếng khi cử động
  • Sưng nóng vai: Phản ứng viêm, tổn thương vùng khớp vai khiến các mô mềm ở xung quanh cũng bị liên lụy, gây ra tình trạng sưng, đỏ, nóng ran và sưng lên

Những triệu chứng thuộc nhóm này khá là phổ biến và thường xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh. Tuy nhiên bạn vẫn không nên chủ quan mà cần theo dõi thường xuyên và chủ động sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà an toàn, không dùng thuốc để cải thiện bệnh, tránh phát triển thành các triệu chứng nặng.

Thoái hóa khớp vai khiến vai sưng, đau âm ỉ - Ảnh: Natural Healthcare Center
Thoái hóa khớp vai khiến vai sưng, đau âm ỉ - Ảnh: Natural Healthcare Center

Nhóm triệu chứng nặng

  • Biến dạng xương: Tình trạng viêm và tổn thương khớp vai lâu ngày khiến vùng sụn khớp bị phá vỡ, từ đó, hình thành nên các gai xương tại các đầu khớp, chèn ép vào các mô và dây thần kinh, gây cảm giác đau dữ dội.
  • Teo cơ: Triệu chứng này xảy ra là do biến chứng hạn chế vận động gây nên, do không được vận động nhiều, khiến cơ yếu dần và teo đi. Theo đó, sức mạnh và chức năng vai cũng giảm dần

Những triệu chứng nghiêm trọng trên đều là những biến chứng do thoái hóa khớp vai gây nên, cần phải có các biện pháp điều trị, can thiệp phù hợp và kịp thời từ các bác sĩ Cơ Xương Khớp.

Nguyên nhân khiến khớp vai bị thoái hóa

Nguyên nhân chủ quan

Các nguyên nhân bên trong cơ thể khiến các sụn khớp vai dễ bị tổn thương dẫn đến thoái hóa khớp vai bao gồm:

  • Bẩm sinh: Do cơ địa xương khớp dễ bị tổn thương hoặc có trường hợp xương bị biến dạng hay vị trí xương không đúng theo giải phẫu sinh lý dẫn đến xương dễ bị thoái hóa
  • Di truyền: Một số trường hợp gia đình có bố hoặc mẹ bị thoái hóa khớp thì cũng có khả năng cao đứa con cũng sẽ mắc bệnh lý này
  • Cân nặng: Dù ở vị trí bả vai không chịu nhiều áp lực như thoái hóa tại khớp gối hay khớp háng nhưng với những người bị béo phì, tức có chỉ số BMI ≥ 30, có nguy cơ tăng các phản ứng viêm toàn thân, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với tỉ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp vai cao hơn.
  • Giới tính: Ở nữ giới, do cấu tạo hệ thống xương và hệ thống dây chằng yếu hơn nam giới, nên tỉ mắc các bệnh về thoái hóa cũng cao hơn. 
  • Tuổi tác: Các tế bào xương là các tế bào bị ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi vấn đề về tuổi tác, chính vì vậy, tuổi càng cao, xương càng yếu dần, đặc biệt, là ở vị trí khớp bả vai
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, hoặc viêm khớp nhiễm trùng cũng góp phần đẩy nhanh quá trình thoái hóa các loại khớp ở vai

Nguyên nhân khách quan

Ngoài những nguyên nhân chủ quan ở trên, một số yếu tố ngoại cảnh khác làm khớp vai bị yếu đi có thể kể đến như:

  • Do tai nạn, chấn thương bất chợt: Những va đập mạnh bất ngờ hoặc hoạt động thể dục thể thao quá mức gây áp lực mạnh nên phần bả vai. Theo đó, làm tăng nguy cơ tổn thương, viêm nhiễm cho vùng xương khớp tại bả vai và lâu dần sẽ dẫn tới bị thoái hóa
  • Do tính chất công việc kéo dài, thói quen lặp lại: Các nghề nghiệp đòi hỏi cần phải khuân vác nhiều các vật nặng trên vai hoặc các vận động viên tennis, cầu lông, cử tạ,.. do thường xuyên vận động khu vực vai - cánh tay khiến các khớp vai liên tục phải hoạt động, dần dần, sẽ trở nên kém linh hoạt và bị suy thoái. Ngoài ra, một số thói quen lặp lại hằng ngày như ngồi sai tư thế làm việc, ngủ sai tư thế, kê gối quá cao cũng khiến các khớp vai chịu áp lực bất thường, tăng khả năng bị thoái hóa. 

Các phương pháp chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp vai

Phương pháp chẩn đoán các loại bệnh thoái hóa phổ biến nhất, bao gồm cả thoái hóa khớp vai là thực hiện chụp X-quang. Từ hình ảnh X-quang nếu nhận thấy các hẹp khe khớp, xuất hiện các gai xương, mất sụn khớp đã có thể kết luận khớp vai bị thoái hóa. 

Với một số trường hợp khó phát hiện, bác sĩ sẽ cần chỉ định người bệnh chụp MRI để có thể quan sát rõ ràng các tổn thương của sụn khớp và các mô mềm, màng hoạt dịch bao quanh khớp.

Một số các xét nghiệm liên quan quan như xét nghiệm máu và sinh hóa hoặc xét nghiệm hút dịch tủy khớp cũng sẽ được tiến hành để loại bỏ các vấn đề sức khỏe khác như viêm đốt sống, nhiễm trùng hoặc ung thư.

Hình ảnh chụp X-quang vùng Cơ xương khớp ở vai
Hình ảnh chụp X-quang vùng Cơ xương khớp ở vai - Ảnh: iStock

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp vai

Điều trị không dùng thuốc

Trong trường hợp thoái hóa khớp vai ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống khoa học kết hợp với tập luyện thể dục thể thao đều đặn để rèn luyện sức khỏe xương khớp. Tuy nhiên, hãy tránh các bài tập hay môn thể thao phải sử dụng hoạt động vai mạnh như tennis, cầu lông, bóng rổ,.. và cần khởi động vai kĩ càng trước khi bước vào tập luyện.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thực hiện các biện pháp can thiệp không dùng thuốc và không phẫu thuật sau đây nhằm hỗ trợ quá trình điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn:

  • Tập vật lý trị liệu:
  • Châm cứu
  • Xoa bóp, massage
  • Chườm nóng, lạnh 

Sử dụng thuốc

Thuốc uống được khuyến cáo điều trị cho bệnh lý thoái hóa khớp vai là các loại thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid  thuộc nhóm NSAIDs như aspirin, ibuprofen, naproxen,... Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày nếu sử dụng lâu dài. Do đó, nếu người bệnh có tiền sử bệnh dạ dày cần cân nhắc khi sử dụng và có thể thay thế bằng phiên bản cái tiến NSAIDs chọn lọc COX-2 hoặc các loại gel bôi giảm đau tại chỗ.

Ngoài các loại thuốc uống giảm đau tại chỗ, bác sĩ cũng sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc tiêm nếu cần thiết. Hai loại thuốc tiêm phổ biến hiện nay là steroid giúp giảm đau nhanh chóng và axit hyaluronic giúp hỗ trợ, giảm ma sát tại các khớp vai.

Can thiệp phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh kéo dài và điều trị bằng các biện pháp trên không hiệu quả, sẽ cần nhờ đến can thiệp bằng phẫu thuật bao gồm thủ thuật thay khớp vai taị phần khớp bị biến dạng, mất chức năng hoặc tiến hành cắt bỏ phần sụn khớp bị hư tổn.

Chăm sóc điều trị người bệnh thoái hóa khớp vai hiệu quả tại nhà

Trong giai đoạn đầu của bệnh lý, khi mới chỉ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ của bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể điều trị an toàn và hiệu quả ngay tại nhà bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Tránh những hoạt động thể chất vùng vai - cánh tay quá mạnh gây đau và tăng cường phản ứng viêm ở những vị trí này. 
  • Dù làm bất cứ công việc gì, bạn cần đảm bảo có đủ thời gian để nghỉ ngơi, nên lựa chọn tư thế thoải mái nhất khi nghỉ ngơi, tránh các tư thế gây áp lực lên các khớp vai 
  • Massage nhẹ nhàng tại vùng vai bị đau hoặc vùng vai bị sưng nóng nhằm giúp tuần hoàn máu, giảm đau, giảm sưng
  • Thực hiện các bài tập tăng cường chức năng vai: Để phục hồi chức năng vai và tăng cường sức mạnh hoạt động cho vai, bạn nên áp dụng những bài tập đơn giản sau
  •  Bài tập nâng vai: Người bệnh thực hiện ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, tay buông thẳng theo cạnh cơ thể. Sau đó lặp lại động tác nâng vai lên - hạ vai xuống khoảng 10 - 15 lần
  • Bài tập xoay vai: Thực hiện với tư thế giống với bài tập nâng vai, tuy nhiên thay vì nâng lên hạ xuống thì thực hiện xoay trái, xoay phải khoảng 10-15 lần
  • Bài tập co duỗi khủy tay với tạ: Bài tập này cũng có thể tập ở tư thế ngồi hoặc đứng kết hợp sử dụng loại tạ khoảng 1-3 kg, tiến hành co duỗi khuỷu tay lên xuống nhịp nhàng

Sống chung cùng bệnh thoái hóa khớp vai 

Thoái hóa khớp vai gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường nhật của người bệnh, tuy nhiên, nếu biết cách rèn luyện hợp lý, khoa học sẽ giúp bạn cải thiện bệnh, dung hòa chúng với cuộc sống. Sau đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp bạn sống khỏe với bệnh thoái hóa khớp vai:

  • Thói quen sống lành mạnh: Duy trì các thói quen lành mạnh khi sinh hoạt để tránh làm tổn thương thêm phần cơ xương khớp ở vai, bao gồm: chú ý ngồi đúng tư thế khi học tập, làm việc; ngủ đúng tư thế;  sử dụng các dụng cụ bảo hộ cần thiết nếu công việc đòi hỏi hoạt động nhiều phần bả vai - cánh tay
  • Kiểm soát chỉ số cơ thể: Hãy cố gắng kiểm soát cân nặng, đường huyết ở mức ổn định, cân nặng quá lớn hoặc lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng các phản ứng viêm tại khớp 
  • Nạp các thực phẩm tăng cường xương khớp: Bổ sung thêm các sản phẩm thực phẩm giàu Canxi (sữa, trứng, bông cải xanh, rau bina, cải xoăn, cá hồi, cá mòi, đậu nành, đậu phụ,...) và thực phẩm giàu vitamin D (dầu cám, lòng đỏ trứng, sò, nấm,...) để tăng cường sức khỏe cơ xương khớp
  • Tập thể dục, thể thao đều đặn: Lựa chọn phương pháp tập thể dục hợp lý như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, nhảy dây,... tránh các bài tập thể dục hoặc bộ môn thể thao yêu cần sử dụng lực ở vai quá nhiều
  • Đi khám khi phát  hiện triệu chứng bất thường về bệnh: Tìm đến các cơ sở y tế về Cơ Xương Khớp để thăm khám thường xuyên nếu theo dõi thấy có biểu hiện của bệnh hoặc bản thân có tiền sử các bệnh về cơ xương khớp liên quan

Khớp vai là khớp hoạt động nhiều nhất cũng như linh hoạt nhất trong toàn bộ hệ thống khung xương khớp của cơ thể. Vì vậy, việc gặp phải thoái hóa khớp vai gây ra không ít khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày cũng như là trong công việc. Với những chia sẻ trên đây của BookingCare, hy vọng đã giúp bạn đọc nhận biết được các biểu hiện khi mắc phải thoái hóa khớp vai và có phương án đi khám, điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM
KHÁM TỪ XA