Để điều trị tràn dịch màng phổi, bác sĩ sẽ can thiệp hai mục tiêu bao gồm: can thiệp tình trạng dịch màng phổi và can thiệp điều trị bệnh lý nguyên nhân gây tràn dịch. Để can thiệp được hai mục tiêu, các thủ thuật hoặc có khi là phẫu thuật sẽ được bác sĩ tư vấn và thực hiện.
Sự lựa chọn các phương pháp can thiệp sẽ phụ thuộc vào dự đoán bệnh lý nguyên nhân gây tràn dịch và mức độ nghiêm trọng của dịch màng phổi tới hệ hô hấp của bệnh nhân.
Điều trị tràn dịch màng phổi
Để xác định chẩn đoán và giảm khó thở, chọc hút dịch màng phổi là một biện pháp quan trọng. Nó giúp bác sĩ lấy được dịch để xác định nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Đặc biệt, nếu lượng dịch tích tụ nhiều, việc này càng cần thiết để giảm áp lực lên phổi và giúp bệnh nhân nhanh chóng bớt khó thở.
Trong trường hợp tràn mủ màng phổi, bệnh nhân sẽ được thực hiện phẫu thuật gọi là dẫn lưu màng phổi. Qua đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một lỗ qua da tới khoang màng phổi để tiến hành rửa màng phổi và đặt ống dẫn lưu để tiếp tục thoát dịch mủ ra ngoài. Việc này giúp giảm áp lực lên phổi và tạo điều kiện cho quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn.
Đối với từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp. Ví dụ:
- Đối với viêm phổi, viêm màng phổi, sử dụng kháng sinh là cần thiết.
- Đối với bệnh lao, điều trị thuốc kháng lao được áp dụng.
- Đối với ung thư, bệnh nhân sẽ được tư vấn thực hiện các thủ thuật xâm lấn xác định loại tế bào ung thư nào, sau đó sẽ áp dụng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị tùy thuộc phân độ và loại tế bào ung thư.
- Đối với các bệnh như suy tim, xơ gan, suy thận, các biện pháp điều trị tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
Ngoài ra, có một số biện pháp hỗ trợ khác như nghỉ ngơi tại giường, ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, uống đủ nước, điều trị hỗ trợ triệu chứng,… Nếu có thể, tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ cũng rất hữu ích.
Cách chăm sóc người bệnh
Thời gian để phục hồi sau điều trị tràn dịch màng phổi phụ thuộc vào nguyên nhân và độ nặng nhẹ cùng triệu chứng. Sau khi điều trị tại viện, người bệnh sẽ có thời gian theo dõi hồi phục tại nhà. Dưới đây là một vài lưu ý giúp bạn dễ dàng hơn khi chăm sóc người mắc tràn dịch màng phổi:
Tại viện
Dưới đây là những biện pháp cần thiết để giúp bệnh nhân khi điều trị tràn dịch màng phổi tại bệnh viện:
- Theo dõi các triệu chứng trở nặng để báo bác sĩ hoặc điều dưỡng như: khó thở đột ngột, tím tái, kích thích vật vã, đau ngực dữ dội.
- Cung cấp oxy (nếu cần).
- Động viên, trấn an bệnh nhân khi chuẩn bị thực hiện thủ thuật chọc dịch màng phổi.
- Sử dụng thuốc giảm đau (nếu cần).
- Hướng dẫn người bệnh tập thở sâu và tập ho.
- Uống nước ấm, vỗ lưng khạc đàm để làm sạch đường hô hấp, tránh ứ đọng đàm thường xuyên.
- Di chuyển hoặc thay đổi tư thế cho người bệnh một cách nhẹ nhàng, đặc biệt là đối với người có ống dẫn lưu.
- Giữ tinh thần thoải mái, giảm bớt lo lắng về bệnh tình.
Tại nhà
Quá trình thực hiện đặt ống dẫn lưu hút dịch màng phổi sẽ tạo ra vết thương, cần thời gian từ 2-4 tuần để phục hồi. Vì vậy việc chăm sóc tại nhà là rất quan trọng, dưới đây là một vài lưu ý:
- Nằm ở tư thế đầu cao hơn hơn người khoảng 30 độ, có thể nghiêng về bên có đặt dẫn lưu dịch màng phổi.
- Vận động nhẹ nhàng, không hoạt động gắng sức, không bưng bê đồ vật ngay sau khi xuất viện.
- Tiếp tục tập hít thở sâu
- Uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng được bác sĩ kê đơn
- Chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất, hoa quả tươi, protein, đồ ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa
- Uống đủ nước, không ăn đồ quá mặn
- Nghỉ ngơi phòng yên tĩnh, thoải mái, thoáng khí
Để đạt được kết quả điều trị tốt, bệnh nhân cần được phát hiện bệnh sớm và đến bệnh viện ngay, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và các quy định y tế trong quá trình chẩn đoán và điều trị.