Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 07/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/01/2024
Trong bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về bệnh tràn dịch màng phổi và những lưu ý về bệnh. Mong rằng những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về tình trạng bệnh này.

Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch ở trong khoang màng phổi. Thông thường cơ thể khỏe mạnh sẽ có khoảng 10 - 20ml dịch nằm giữa hai lá màng phổi, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di động của phổi và lồng ngực. Dịch màng phổi luôn được lưu thông liên tục từ hệ thống mao mạch màng phổi thành vào khoang màng phổi rồi về tâm nhĩ phải.

Khi sự lưu thông dịch gặp vấn đề, tràn dịch màng phổi sẽ xảy ra. Tràn dịch màng phổi ít khi nào tự xảy ra mà luôn đi kèm với bệnh lý nguyên nhân. Nguyên nhân chính gây ra tràn dịch màng phổi có thể là do vi khuẩn, virus, hoặc do các yếu tố khác như chấn thương, viêm nhiễm, hay bệnh lý khác.

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi thường được phân loại:

  • Tràn dịch màng phổi dịch thấm: thường xảy ra khi tăng áp lực thủy tĩnh và giảm áp lực keo, nguyên nhân thường gặp nhất là suy tim, sau đó là xơ gan, hội chứng thận hư, các nguyên nhân gây giảm albumin máu.
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết: do các phản ứng xảy ra tại màng phổi dẫn đến tăng tính thấm mao mạch gây xuất tiết dịch, thường gặp trong viêm phổi, ung thư phổi, và một nguyên nhân cực kỳ quan trọng khác ở nước ta là lao phổi.

Các nguyên nhân khác gây ra tràn dịch màng phổi, ít phổ biến hơn, bao gồm:

  • Các bệnh lý tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, hội chứng Sjogren, viêm đa cơ,...
  • Chảy máu màng phổi: một tình trạng rất nặng, thường đi kèm với đa chấn thương cơ quan
  • Tràn dịch dưỡng chấp: tràn dịch đục có màu trắng sữa, thường do chấn thương hệ thống bạch huyết hoặc do các loại ung thư.
  • Tràn dịch màng phổi do tiếp xúc với amiăng
  • Hội chứng Meig (do u buồng trứng lành tính)
  • Hội chứng tăng kích thích buồng trứng

Một số loại thuốc, phẫu thuật ngực bụng, các liệu pháp xạ trị ung thư cũng có thể gây ra tràn dịch màng phổi. Tất cả các loại ung thư có di căn phổi đều có thể gây tràn dịch màng phổi. Trong một số trường hợp, dịch màng phổi vừa có thể là do ung thư và do kết quả của quá trình xạ trị.

Triệu chứng tràn dịch màng phổi

Phần lớn tràn dịch màng phổi không có triệu chứng và tình trạng này thường được phát hiện trong quá trình chụp X-quang ngực để kiểm tra lý do khác. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể có những triệu chứng không liên quan do bệnh hoặc tình trạng gây ra tràn dịch. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của tràn dịch màng phổi:

  • Đau ngực: Một cảm giác đau rất mơ hồ là triệu chứng đầu tiên phần lớn bệnh nhân cảm thấy, cảm giác nôn nao và nặng ngực, hoặc đau tăng lên khi hít vào, đau không có điểm đau chính xác, hoặc có khi đau hết cả ngực nếu nguyên nhân viêm tiến triển nặng.
  • Ho khan dữ dội: các nguyên nhân gây viêm tại phổi hoặc tại màng phổi làm kích thích phản ứng ho rất nhiều và ho thường kém đáp ứng với thuốc giảm ho thông thường.
  • Khó thở: Gặp trong tình trạng tràn dịch màng phổi lượng nhiều, quá nhiều dịch màng phổi sẽ tạo áp lực lên các cơ quan xung quanh, trong đó cơ quan đầu tiên bị đè ép là phổi, bệnh nhân sẽ khó thở cả hai thì hít vào lẫn thở ra.
Người bệnh có thể cảm thấy đau và khó chịu ở vùng ngực. - Ảnh: Canva

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi bao gồm chẩn đoán tình trạng dịch màng phổi và tìm nguyên nhân. Bác sĩ sẽ làm nhiều xét nghiệm khác nhau để xác định chẩn đoán và đánh giá can thiệp dịch màng phổi. Các xét nghiệm bao gồm:

  • X-quang ngực
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ngực hoặc có thể là chụp cộng hưởng từ (MRI) ngực.
  • Siêu âm ngực
  • Chọc dịch màng phổi (sử dụng một cây kim để lấy mẫu dịch hoặc tiến hành sinh thiết)
  • Phân tích dịch màng phổi (kiểm tra chất lỏng được lấy từ khoang màng phổi)

Trong một số trường hợp tràn dịch màng phổi khó xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện các thủ thuật xâm lấn như sinh thiết màng phổi qua da, nội soi lồng ngực, nội soi phế quản. Hội chẩn đa chuyên khoa có thể sẽ cần thiết nếu bệnh nhân có quá nhiều bệnh lý nền hoặc có những bệnh lý miễn dịch di truyền cần kiểm soát chặt chẽ.

Điều trị tràn dịch màng phổi

Để điều trị tràn dịch màng phổi, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tràn dịch và mức độ nghiêm trọng của hệ hô hấp bệnh nhân.

Điều trị nguyên nhân gây tràn dịch là điều trị chủ yếu

Trong tràn dịch màng phổi dịch thấm, bác sĩ sẽ can thiệp nguyên nhân do chủ yếu, khi bệnh lý nguyên nhân được kiểm soát, dịch màng phổi sẽ tự tái hấp thu mà không cần can thiệp.

Trong tràn dịch màng phổi dịch tiết, bác sĩ sẽ can thiệp cả hai yếu tố là kiểm soát tình trạng dịch và điều trị bệnh lý nguyên nhân. Lý do là vì điều trị nguyên nhân cũng không thể giải quyết được tình trạng dịch nếu tràn dịch màng phổi lượng nhiều, tuy nhiên nếu tràn dịch màng phổi do viêm phổi không biến chứng thì dịch sẽ tự tái hấp thu.

Một số loại tràn dịch màng phổi đặc biệt như tràn mủ màng phổi, tràn dịch dưỡng chấp, tràn dịch màng phổi ác tính cần phải có sự can thiệp của bác sĩ ngoại khoa và đặt dẫn lưu màng phổi.

Trong trường hợp bệnh nhân không kiểm soát được tràn dịch màng phổi hoặc tái phát nhiều lần do khối u ác tính sau khi đã được dẫn lưu, có thể tiêm chất gây xơ cứng vào khoang màng phổi thông qua ống dẫn lưu.

Phương pháp này gọi là xơ cứng màng phổi và được thực hiện bằng sử dụng các chất gây xơ cứng như talc, doxycycline và tetracycline. Tỷ lệ thành công của phương pháp này trong việc ngăn ngừa tái phát tràn dịch màng phổi là khoảng 50%.

Đặt ống dẫn lưu giúp hút dịch thừa ra khỏi khoang màng phổi. - Ảnh: Canva

Phẫu thuật

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi không thể kiểm soát bằng dẫn lưu hoặc xơ cứng màng phổi. Có hai loại phẫu thuật được sử dụng:

  • Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS): Đây là một phương pháp phẫu thuật tối thiểu xâm lấn, thực hiện thông qua một hoặc ba vết mổ nhỏ trên ngực. Phẫu thuật này hiệu quả trong việc kiểm soát tràn dịch màng phổi khó dẫn lưu hoặc tái phát do bệnh ác tính. Trong quá trình phẫu thuật, bột talc vô trùng hoặc thuốc kháng sinh có thể được tiêm vào để ngăn ngừa sự tích tụ chất lỏng tái phát.
  • Phẫu thuật cắt bỏ lồng ngực (hay còn gọi là phẫu thuật lồng ngực "mở" truyền thống): Phẫu thuật này được thực hiện thông qua một vết mổ từ 6 đến 8 inch trên ngực và thường được khuyến nghị nhiễm trùng không kiểm soát được. Qua quá trình này, tất cả các mô sợi bị loại bỏ và giúp loại bỏ nhiễm trùng khỏi khoang màng phổi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần đặt ống dẫn lưu ngực trong khoảng 2 ngày đến 2 tuần để tiếp tục dẫn lưu dịch. Hiện nay phương pháp điều trị này ít được sử dụng.

Tuy nhiên, điều trị tràn dịch màng phổi cũng có thể gây ra các biến chứng. Các biến chứng có thể thường gặp như đau hoặc ngứa vị trí chọc dịch màng phổi hoặc vị trí dẫn lưu dịch màng phổi cho đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Các biến chứng nguy hiểm hiện nay rất hiếm do các phương pháp can thiệp đã được cải tiến rất nhiều. Thông thường các biến chứng sẽ giảm đi theo thời gian và khi tình trạng dịch được giải quyết.

Các biến chứng tràn dịch màng phổi nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Tràn khí màng phổi: do đầu kim hoặc quá trình thao tác phẫu thuật chạm phải nhu mô phổi.
  • Xẹp phổi
  • Nhiễm trùng hoặc chảy máu
  • Viêm màng phổi, diễn tiến dày dính màng phổi

Những biến chứng này, mặc dù nghiêm trọng, nhưng rất hiếm. Bác sĩ điều trị sẽ đánh giá kỹ lưỡng tình trạng của bạn để xác định phương pháp điều trị an toàn nhất và sẽ thảo luận với bạn về các rủi ro và lợi ích có thể có từ mỗi phương pháp điều trị.

Phòng ngừa và sống chung với bệnh

Bệnh tràn dịch màng phổi là một bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời khiến bệnh trở nặng. Vậy nên bạn cần có biện pháp phòng tránh tốt để bảo vệ sức khỏe, không mắc phải căn bệnh này.

Đối với những người không may đã mắc phải bệnh, việc cần làm là tìm hiểu cách phòng ngừa bệnh tái phát và cách sống chung với bệnh tràn dịch màng phổi hiệu quả, hạn chế sự ảnh hưởng của bệnh đến đời sống hằng ngày. 

Phòng ngừa bệnh tràn dịch màng phổi

Dưới đây là một số cách để cải thiện môi trường sống và làm việc của bạn giúp phòng ngừa tràn dịch màng phổi:

  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm và cải thiện môi trường sống của mình. 
  • Ăn chín, uống sôi và tránh ăn các loại thực phẩm sống chưa được nấu chín.
  • Hạn chế tiếp xúc gần (dưới 2 mét) với người bị lao, sử dụng khẩu trang thường xuyên khi đi đường hoặc khi làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí.
  • Vệ sinh miệng họng hàng ngày, uống thêm nước cam hoặc nước chanh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Không hút thuốc lá, không tiếp xúc với khói thuốc lá.

Làm gì sau khi được điều trị tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý cần được điều trị dứt điểm. Sau khi được bác sĩ điều trị tràn dịch màng phổi và điều trị bệnh lý nguyên nhân, bài viết chia sẻ một số lời khuyên trong cuộc sống để cải thiện chất lượng sống sau khi điều trị:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc theo toa thuốc chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi sát sao các triệu chứng ho, tức ngực, khó thở
  • Không tự ý ngừng sử dụng thuốc điều trị duy trì hoặc uống các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc trước khi có sự đồng ý từ bác sĩ điều trị.
  • Kiên nhẫn và đều đặn thực hiện các bài tập phục hồi chức năng hô hấp, như thở sâu để làm co giãn phổi, thực hiện các động tác thổi bóng và giãn nở ngực.
  • Nằm nghỉ tại phòng yên tĩnh, thoáng khí, nghiêng người về bên hút dịch phổi, tốt nhất nên để đầu cao 30 độ.
  • Không vận động mạnh, quá sức.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và cân đối, đồ ăn mềm và dễ tiêu hóa.
  • Giữ tình thần thoải mái, lạc quan

Tràn dịch màng phổi là một căn bệnh nguy hiểm và cần được chú ý. Việc nhận biết triệu chứng sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự sống còn của bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết