Điều trị viêm gan B và những lưu ý cần biết
dieu-tri-viem-gan-b-nhu-the-nao
Người điều trị viêm gan B cần chú ý những điều gì? - Ảnh: BookingCare

Điều trị viêm gan B và những lưu ý cần biết

Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 24/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Viêm gan B là bệnh gây ra do virus và tồn tại ở hai dạng bệnh mãn tính và bệnh cấp tính. Mỗi dạng trường hợp bệnh sẽ có hướng điều trị và kiểm soát riêng.

Viêm gan B là bệnh lây truyền nguy hiểm, vì vậy điều trị viêm gan B chính là cách thức chống lại sự thâm nhập, phát triển và loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Đồng thời, điều trị viêm gan B sớm góp phần nâng cao tỷ lệ phục hồi cho người bệnh và giảm khả năng lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Các phương pháp điều trị viêm gan B

Viêm gan B là bệnh lý nhiễm trùng gan do virus gây ra. Hiện nay, có khá nhiều phương pháp điều trị viêm gan B hiện nay để kiểm soát sự lây lan và giảm tác động xấu lên gan áp dụng cho các trường hợp mắc viêm gan B cấp tính và mãn tính.

Điều trị viêm gan B cấp tính

Bệnh nhân nhiễm virus trường hợp cấp tính thường không có phương pháp điều trị cụ thể. Thông thường, những trường hợp nhiễm viêm gan B cấp tính thường xuát hiện các triệu chứng mắc bệnh viêm gan B trong khoảng thời gian thời gian ngắn và sẽ tự hồi phục chức năng gan nên người bệnh có thể không cần điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân viêm gan B cấp tính nên tập trung vào việc giúp người bệnh cảm thấy thoải mái. Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp các nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng và chống oxy hóa (như bưởi, nho, các loại rau lá xanh, cá, dầu oliu,...) uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn mửa và tiêu chảy.

Đối với các trường hợp có biến chứng nghiêm trọng hơn như nước tiểu đậm, phân đi ngoài nhạt màu, có các triệu chứng vàng da, vàng mắt, hoặc các biến chứng nặng hơn như rối loạn chức năng đông máu và rối loạn tri giác,... người bệnh có thể được chỉ định nhập viện để bác sĩ theo dõi ngăn ngừa biến chứng và xem xét kê đơn thuốc kháng virus trong giai đoạn cấp tính cho bệnh nhân.

Điều trị viêm gan B mãn tính

Những người mắc viêm gan B mãn tính cần được theo dõi và chỉ định điều trị lâu dài bằng thuốc bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan, mật để làm chậm sự phát triển xơ gan, giảm tỷ lệ lây nhiễm và chuyển biến thành ung thư cũng như kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Quyết định bắt đầu điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng virus gây viêm hoặc mức độ xơ hóa gan, nồng độ virus hiện diện trong máu, nguy cơ mắc viêm gan C, D hoặc HIV hoặc các bệnh hệ thống mà hệ miễn dịch bị ức chế bởi thuốc hoặc các chứng bệnh khác.

Người nhiễm viêm gan B mãn tính có thể được điều trị bằng một số phương pháp như:

  • Sử dụng thuốc kháng virus: các loại thuốc chứa thành phần như entecavir (Baraclude), tenofovir (Viread), lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera) và telbivudine hay một số thuốc mới nghiên cứu chống lại virus làm tổn thương gan.
  • Tiêm interferon: Interferon alfa-2b (Intron A) là chất được sản sinh trong cơ thể để chống nhiễm trùng. Phương pháp điều trị này phù hợp với những người trẻ muốn rút ngắn thời gian điều trị. Tuy nhiên, interferon có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, khó thở và trầm cảm. Bởi vậy, phương pháp này thường được cân nhắc trong nhiều trường hợp, đặc biệt được khuyến cáo không nên sử dụng cho phụ nữ đang mang thai.
  • Ghép gan: phương pháp này được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị tổn thương chức năng gan nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng. Điều kiện ghép gan là người bệnh cần tìm được toàn bộ hoặc một phần tạng hiến tương thích với cơ thể để tiến hành cấy ghép.

Điều trị dự phòng phơi nhiễm viêm gan B

Nếu từng tiếp xúc với virus viêm gan B, người nghi nhiễm cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán chính xác thời gian và mức độ phơi nhiễm. Những đối tượng này cần được tiêm globulin (một loại kháng thể miễn dịch HBIg) trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với virus để bảo vệ khỏi lây nhiễm viêm gan B.

Nếu trong trường hợp phơi nhiễm chưa tiêm vacxin trước đó, người nghi nhiễm nên tiêm ngay vacxin viêm gan B cùng lúc để tăng khả năng chống lại virus. Đồng thời, người nghi nhiễm cần được thực hiện các xét nghiệm viêm gan B phù hợp để chẩn đoán khả năng mắc bệnh.

Điều trị viêm gan B đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát và bảo vệ chức năng gan. Ngoài sự chủ động chăm sóc và theo dõi của bản thân, người bệnh cần đến gặp bác sĩ thường xuyên để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng viêm gan B khác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết