Nguyên nhân gây ra viêm tiểu phế quản ở trẻ chủ yếu là do virus, mà tỷ lệ hàng đầu là virus hợp bào hô hấp (RSV). Một số loại virus khác gây bệnh đều là virus gây viêm đường hô hấp.
Chính vì vậy viêm tiểu phế quản ở trẻ chủ yếu được điều trị tại nhà, các biện pháp chủ yếu là liệu pháp hỗ trợ, dinh dưỡng đầy đủ và tăng cường nghỉ ngơi. Dưới đây là chi tiết về phương pháp điều trị.
Điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em
Các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
- Cho trẻ uống nhiều nước để tránh trường hợp trẻ bị mất nước.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi hoặc xịt mũi để trị sổ mũi, nghẹt mũi. Các loại thuốc khác phải có sự tư vấn của bác sĩ.
- Có thể sử dụng các dụng cụ hút mũi cá nhân để làm sạch chất nhầy trong mũi cho trẻ. Phụ huynh có thể nhờ bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật hút mũi để thực hiện cho trẻ, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi
- Kê cao gối cho trẻ khi ngủ với trẻ trên 1 tuổi. Không để trẻ ngủ nằm sấp.
- Giữ cho trẻ nghỉ ngơi và giữ ấm. Không nên để trẻ lạnh hay tiếp xúc với các tác nhân kích thích như khói, bụi, thuốc lá, lông thú…
- Sử dụng máy tạo ẩm hoặc lọc không khí
- Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ có sốt theo hướng dẫn của bác sĩ
- Sử dụng thuốc ho an toàn cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ
Tránh tiếp xúc với người khác để ngăn viêm tiểu phế quản lây lan.
Các trường hợp cần nhập viện theo dõi
Những trường hợp có dấu hiệu viêm tiểu phế quản trở nặng dưới đây cần nhập viện theo dõi, phụ huynh nên lưu ý:
- Thở nhanh(Trên 60 lần/ phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi, Trên 50 lần/phút với trẻ 2 tháng - 12 tháng tuổi, trên 40 lần/phút với trẻ 1- 5 tuổi)
- Thở co lõm ngực
- Thở rên
- Dưới 3 tháng tuổi
- Trẻ có biểu hiện tím tái
- Trẻ tỏ ra mệt mỏi, bứt rứt, li bì, khó đánh thức
- Có cơn ngưng thở
- Giảm oxy máu (có thể dùng máy đo SpO2 để đo nồng độ oxy trong máu cho trẻ): Mức độ SpO2 từ 95-100% là bình thường, dưới 95% phụ huynh nên đưa trẻ nhập viện.
- Chán ăn hoặc bỏ ăn, bỏ bú, bú kém, không uống được
- Có dấu hiệu mất nước
- Co giật
Trẻ em có yếu tố nguy cơ như tiền căn sanh non, sanh nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc diễn tiến phức tạp, cũng cần được xem xét chỉ định nhập viện.
Ở trẻ nhập viện, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, có thể trẻ sẽ cần:
- Cung cấp đủ oxy: thở oxy, NCAP, giúp thở bằng máy thở…
- Cung cấp đủ nước - dinh dưỡng - điện giải cần được duy trì bằng cách cho ăn lượng nhỏ thường xuyên. Nuôi ăn qua sonde dạ dày hoặc truyền dịch đường tĩnh mạch tuỳ tình huống.
Thông thường, viêm tiểu phế quản sẽ được chỉ định kháng sinh khi cần thiết theo hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới và phác đồ điều trị tại bệnh viện.
Tóm lại, việc điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em chủ yếu ở việc theo dõi hỗ trợ tại nhà. Trẻ cần được tăng cường nghỉ ngơi, phụ huynh cần theo dõi con liên tục để đảm bảo phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng và đưa con nhâp viện khi cần thiết.