Điều trị vôi hoá cột sống như thế nào và lưu ý

Tác giả: - Xuất bản: 29/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 30/03/2024
Bài tập kéo giãn cơ vùng cột sống cổ
Bài tập vật lý trị liệu chữa vôi hóa cột sống - Ảnh: BookingCare
Vôi hóa cột sống chủ yếu điều trị bằng phương pháp nội khoa với thuốc và bài tập vật lý trị liệu. Chỉ định phẫu thuật được cân nhắc khi bệnh có biến chứng nặng.

Vôi hoá cột sống không chỉ là bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi trung niên mà đang có xu hướng gia tăng ở giới trẻ độ tuổi 20 - 30. Nếu không chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy phương pháp điều trị vôi hoá cột sống là gì? 

Phương pháp điều trị vôi hoá cột sống

Vôi hoá cột sống điều trị với mục đích giảm triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển nặng cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Hiện nay, vôi hoá cột sống có thể điều trị bằng thuốc, các bài tập vật lý trị liệu và phẫu thuật. Mỗi phương pháp sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng. Tùy theo tình trạng sức khoẻ, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Dưới đây là các phương pháp điều trị vôi hoá cột sống:  

Điều trị nội khoa với thuốc

Sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng là phương pháp điều trị chủ yếu của bệnh lý vôi hoá cột sống. Cách này giúp kiểm soát nhanh chóng các triệu chứng và cải thiện khả năng vận động của người bệnh. Một số các loại thuốc thường dùng như:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm như paracetamol, meloxicam, piroxicam,…
  • Thuốc giãn cơ có tác dụng tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, ức chế co thắt giúp giảm đau cực kỳ hiệu quả. Một số thuốc thường dùng như mydocalm, cyclobenzaprine, baclofen, metaxalone,…
  • Thuốc hỗ trợ sụn khớp không có chỉ định dùng phổ biến và chưa có các tài liệu nghiên cứu chính thức về vai trò cũng như hiệu quả điều trị của thuốc trong bệnh lý vôi hoá cột sống. Hiện nay, thuốc hỗ trợ sụn khớp thường được dùng như glucosamine, chondroitin,….
  • Tất cả các thuốc điều trị bệnh vôi hoá cột sống cần có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý dùng thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Bài tập vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị được ưa chuộng nhất hiện nay. Bởi sự an toàn, hiệu quả và chi phí phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh hoàn toàn có thể tự tập ở nhà mà không cần các dụng cụ phức tạp. Dưới đây là các bài tập vật lý trị liệu:  

  • Kéo giãn cột sống cổ là một động tác đơn giản, dễ thực hiện, có thể áp dụng bất kỳ lúc nào. Bài tập giúp kéo giãn cơ vùng cổ, giảm đau cực kỳ hiệu quả. Người bệnh chỉ cần thực hiện các cử động xoay sang trái và sang phải sau đó dùng tay đẩy tối đa, giữ ở vị trí này 5s sau đó thả lỏng.
  • Chiếu tia hồng ngoại sử dụng nguyên lý phương pháp nhiệt lượng. Sức nóng của đèn các tác dụng giảm đau, chống co cơ, giãn các mạch máu và tăng chuyển hoá tại chỗ.
  • Châm cứu, bấm huyệt là phương pháp sử dụng các ngón tay hoặc kim châm để tác động lên các huyệt đạo trên cơ thể. Phương pháp này giúp làm giảm đau, giãn cơ và tăng lưu thông máu ở vùng cơ cạnh cột sống.
  • Dùng máy xung điện với bước sóng ngắn. Các xung điện sẽ tác động trực tiếp lên các vùng tổn thương giúp làm giảm tình trạng đau nhức, tê mỏi và giúp thư giãn tinh thần.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật cột sống thường được chỉ định cho những trường hợp tổn thương nặng và có biến chứng chèn ép tuỷ sống. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ giải phóng chèn ép thần kinh bằng cách cắt bỏ vùng gai xương bị vôi hóa nặng ở ống sống và các lỗ liên hợp.

Hiện nay mổ nội soi và mổ mở là hai phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, điều kiện kinh tế bệnh nhân và hệ thống thiết bị y tế của bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Phẫu thuật giúp điều trị triệt để tình trạng vôi hoá, giảm nhanh các triệu chứng như đau, tê bì chân tay,… Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, phẫu thuật thất bại, chi phí cao…

Do đó đây là phương pháp cuối cùng được đặt ra khi bệnh nhân không đáp ứng với các điều trị khác.

Vôi hoá cột sống là bệnh lý thường gặp, tiến triển chậm và tăng từ từ về cấp độ. Bệnh gây đau nhức, hạn chế vận động và có thể dẫn tới biến chứng chèn ép tuỷ. Vì vậy, chúng ta nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần để đánh giá tình trạng cột sống và có phương pháp điều trị phù hợp.  

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết