Vôi hoá cột sống là bệnh lý như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 29/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 29/03/2024
Vôi hóa cột sống - bệnh lý thường gặp ở người già
Vôi hóa cột sống thường xảy ra ở người cao tuổi - Ảnh: BookingCare
Vôi hóa cột sống khiến người bệnh phải chịu nhiều cơn đau dai dẳng. Vậy vôi hóa cột sống là bệnh lý như thế nào? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vôi hoá cột sống là bệnh lý phổ biến, thường xảy ra ở những cao tuổi và đang có xu hướng trẻ tuổi hoá độ tuổi mắc. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra các di chứng nặng nề như chèn ép rễ thần kinh, hẹp ống tủy,… Vậy vôi hoá cột sống là bệnh lý như thế nào? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vôi hoá cột sống là gì?

Vôi hoá cột sống là tình trạng các dây chằng bám vào thân đốt sống hoặc các gai ngang của đốt sống bị thoái hóa và lắng đọng lượng lớn canxi. Quá trình này khiến cột sống mất dần đi cấu trúc và chức năng bình thường.

Toàn bộ cột sống được cấu tạo bởi 33 - 35 đốt sống chồng lên nhau. Trong đó vùng xương cùng là một trong những vị trí chịu tác động của trọng lực cơ thể lớn nhất. Bởi vậy đây cũng là bộ phận dễ bị vôi hoá nhất.

Triệu chứng của bệnh vôi hoá cột sống

Vôi hoá cột sống là hiện tượng lão hoá tự nhiên của cơ thể. Do đó, bệnh tiến triển từ từ và các triệu chứng thường không rõ ràng. Bệnh chủ yếu được phát hiện tình cơ khi đi khám hoặc làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như X quang cột sống, chụp CT scan,…

Tuy nhiên, trong một số trường hợp vôi hóa cột sống gây chèn ép vào ống sống hoặc đường ra của các rễ thần kinh thì có thể có các triệu chứng sau:

  • Cảm giác đau nhức, nặng nề ở vùng cột sống bị vôi hoá. Trong đó thường gặp ở vùng cổ và vùng cột sống lưng. Cảm giác đau mỏi thường xuất hiện khi người bệnh phải duy trì ở một tư thế quá lâu hoặc mang vác nặng. Tình trạng này kéo trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.
  • Tê bì chân tay là một biến chứng thường gặp do vôi hoá cột sống chèn ép dây thần kinh. Người bệnh có cảm giác châm chích, khó chịu, nóng rát ở các vùng đầu chi.
  • Yếu cơ các chi, thậm chí rối loạn đại tiểu tiện, là các triệu chứng do thần kinh bị chèn ép nếu vôi hóa mức độ nặng và gây hẹp ống sống
  • Ngoài ra, một số trường hợp vôi hoá cột sống cổ biến chứng chèn ép vào hệ mạch đốt sống cổ - là một trong những nguồn cấp máu cho não và có thể gây ra các triệu chứng thiếu máu não như: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, suy giảm trí nhớ…

Nguyên nhân bệnh vôi hoá cột sống

Vôi hoá cột sống là vấn đề thường gặp ở độ tuổi trung niên và phụ nữ tuổi mãn kinh bởi đây là hiện tượng lão hoá tự nhiên của cơ thể. Hiện nay bệnh có xu hướng giá tăng ở người trẻ tuổi.

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp của bệnh vôi hoá cột sống:

  • Tuổi tác: Độ tuổi trung niên là thời điểm mà cột sống dễ bị vôi hoá do quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể.
  • Phụ nữ tuổi mãn kinh do sự thay đổi nội tiết tố cũng thúc đẩy gia tăng quá trình vôi hoá cột sống.
  • Nghề nghiệp: Những công việc văn phòng phải ngồi làm việc liên tục một tư thế trong nhiều giờ khiến cột sống chịu áp lực lớn. Về lâu dài thường dẫn tới các biến chứng như vôi hóa, thoát vị đĩa đệm,… Bên cạnh đó, lao động nặng như bốc vác cũng khiến cột sống dễ bị vôi hoá.
  • Hoạt động sai tư thế: Những thói quen sinh hoạt, thể thao sai tư thế đều có thể gây ra các tổn thương ở vùng cột sống.
  • Béo phì: Khi cơ thể thừa cân quá mức sẽ gây chèn ép gia tăng sức nặng lên hệ thống xương khớp.

Biến chứng nguy hiểm của vôi hoá cột sống

Cột sống có vai trò chống đỡ trọng lực cơ thể, bảo vệ tuỷ sống. Do đó, khi cột sống bị vôi hoá có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Dưới đây là những biến chứng của bệnh vôi hóa cột sống:

  • Cong vẹo và biến dạng cột sống
  • Thoái hoá đĩa đệm
  • Chèn ép tuỷ sống
  • Hẹp ống sống
  • Rối loạn tiền đình khi chèn ép vào hệ mạch cấp máu cho não

Chẩn đoán bệnh vôi hoá cột sống

Phát hiện và chẩn đoán vôi hoá cột sống ở giai đoạn sớm không chỉ gia tăng tỷ lệ đáp ứng điều trị mà còn giảm thiểu tối đa các biến chứng nguy hiểm. Để chẩn đoán xác định bệnh vôi hoá cột sống cần:

  • Bước 1: Bác sĩ khai thác triệu chứng, tiền sử và thăm khám lâm sàng thực thể.
  • Bước 2: Chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Trong đó các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, MRI, CT Scan,… là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh vôi hoá cột sống.
  • Bước 3: Kiểm tra các biến chứng của bệnh nếu có

Phương pháp điều trị bệnh vôi hoá cột sống

Tuỳ theo mức độ nặng của bệnh mà áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh vôi hoá cột sống ở nước ta hiện nay.

  • Điều trị nội khoa: Phần lớn vôi hoá cột sống được điều trị nội khoa với thuốc, các bài tập vật lý trị liệu như:
    • Thuốc chống viêm, giảm đau được sử dụng để điều trị triệu chứng. Một số nhóm thuốc thường dùng như Meloxicam, Piroxicam, Diclofenac,…
    • Thuốc hỗ trợ làm giãn cơ nhằm hạn chế sự co thắt các vùng cơ bị đau. Tác dụng chính của thuốc cũng là điều trị triệu chứng đau, nhức mỏi,…
    • Thuốc hỗ trợ sụn khớp như Glucosamine, chondroitin.
    • Tất cả những loại thuốc này đều được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không tự ý dùng thuốc để tránh tác dụng phụ và nguy cơ đề kháng thuốc.
  • Vật lý trị liệu: là phương pháp được ưa chuộng nhất hiện nay bởi an toàn, có thể giảm đau và phục hồi các chức năng cột sống rất tốt. Một số các bài tập thường dùng trong y khoa như kéo dãn đốt sống cổ, châm cứu, bấm huyệt, dùng máy xung điện với bước sóng ngắn, chiếc các tia hồng ngoại,…
  • Điều trị phẫu thuật: được chỉ định trong các trường hợp nặng có biến chứng chèn ép tuỷ. Hiện nay có hai phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến là mổ mở và mổ nội soi. Lựa chọn phương pháp nào là do bác sĩ chuyên khoa chỉ định tùy theo mức độ bệnh, điều kiện kinh tế người bệnh và cơ sở vật chất của bệnh viện để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Bài tập kéo giãn cơ cổ điều trị vôi hoá cột sống - Ảnh: Freepik

Những biện pháp dự phòng vôi hoá cột sống

Mặc dù vôi hoá cột sống là quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chậm quá trình lão hoá này và dự phòng mắc sớm dựa vào những thói quen sinh hoạt khoa học dưới đây:

  • Tập thể dục thể thao thường xuyên. Tốt nhất nếu bận tập gym, yoga thì nên có huấn luyện viên đi kèm để tránh các tổn thương do sai tư thế.
  • Luôn hoạt động ở tư thế đúng.
  • Hạn chế ngồi một chỗ, ngồi giữ nguyên một tư thế quá lâu.
  • Duy trì cân nặng ở mức tiêu chuẩn, hạn chế tối đa tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều đường, chất lên men và chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có ga,…
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu collagen, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Vôi hoá cột sống không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó cần phát hiện, chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Chúng ta nên chủ động theo dõi sức khoẻ bằng cách đi tái khám định kỳ 6 tháng/lần và duy trì những thói quen sinh hoạt khoa học. Bạn có thể lựa chọn các cơ sở y tế chuyên sâu về các bệnh lý cột sống như bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai,...

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết