Dọa sinh non là biểu hiện của chuyển dạ sớm trong khoảng 22 tới 37 tuần thai kì, cảnh báo chị em có nguy cơ sinh non rất cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Dọa sinh non là gì?
Dọa sinh non được hiểu là tình trạng xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ, sắp sinh trong khoảng thời gian từ tuần thai 22 đến tuần thai thứ 37 nhưng cổ tử cung vẫn còn đóng hoặc bắt đầu có dấu hiệu mở.
Dọa sinh non có thể dẫn đến sinh non. Sinh non càng xảy ra sớm thì sức khỏe của bé càng có nhiều nguy cơ. Nhiều trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, nguy cơ mắc các bệnh về phổi, tim mạch, trí tuệ kém,... cũng cao hơn rất nhiều ở những trẻ bị sinh non.
Nguyên nhân gây dọa sinh non
Tất cả phụ nữ mang thai đều có nguy cơ bị dọa sinh non. Nguyên nhân cụ thể của vấn đề này thường không rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ nhất định có thể làm tăng nguy cơ dọa sinh non và sinh non, nhưng cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ mang thai không có yếu tố nguy cơ nào được biết đến.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây dọa sinh non phổ biến nhất:
- Phụ nữ có tiền sử sinh non
- Tử cung của người mẹ có vấn đề: Cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh, đa nhân xơ tử cung,...
- Mang thai khi độ tuổi quá nhỏ hoặc đã quá lớn tuổi
- Trong thai kỳ dinh dưỡng không đầy đủ, phải lao động nặng, làm việc trong môi trường độc hại,...
- Chị em mắc các bệnh phụ khoa như: viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu,...
- Thai có dị tật
- Đa thai
- Thai bị nhau tiền đạo, nhau bong non
- Nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non
- Thai phát triển chậm
- Thai hình thành nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
- ...
Xét nghiệm chẩn đoán phụ nữ bị dọa sinh non
Dọa sinh non có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, để có thể theo dõi chính xác hơn tình trạng của thai nhi, các bác sĩ có thể chỉ định thai phụ kiểm tra các chỉ số như:
- Siêu âm kiểm tra thai, nhau thai, ối,...
- Siêu âm kiểm tra chiều dài tử cung
- Đo cơn gò tử cung
- Kiểm tra tim thai
- Kiểm tra rỉ ối, vỡ ối, nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác.
Các dấu hiệu nhận biết phụ nữ bị dọa sinh non
Bất kì dấu hiệu bất thường nào xảy ra trong thai kỳ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một vấn đề nào đó. Chị em cần đặc biệt lưu ý để có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và em bé trong bụng.
Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng của dọa sinh non mà chị em cần nắm rõ:
- Xuất hiện các cơn đau âm ỉ, dai dẳng và liên tục theo chu kỳ
- Bụng dưới đau tức rõ rệt, các cơn đau bụng diễn ra từng cơn, có hoặc không kèm theo tiêu chảy.
- Âm đạo tăng tiết dịch, dịch loãng như nước do rò rỉ ối hoặc nhầy, dính, có lẫn máu.
- Xuất hiện các cơn co thắt tử cung theo chu kỳ đều đặn 2 cơn/ 10 phút, thời gian co cứng khoảng dưới 30 giây, cổ tử cung đóng/ mở dưới 2cm.
- Vỡ màng ối non – ở dạng chất lỏng tiết ra khỏi âm đạo, lượng dịch tiết ra có thể nhiều hoặc nhỏ giọt, biểu hiện đặc trưng sau khi màng ối bao quanh em bé bị vỡ hoặc rách
- Xuất hiện các triệu chứng giống cúm như: buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
- Cảm giác buồn rặn
Từ tháng thứ 4 trở đi, phụ nữ mang thai xuất hiện những cơn chuyển dạ giả cũng có biểu hiện là những cơn co thắt. Tuy nhiên, chúng xuất hiện thất thường, không theo một tần suất xác định và biến mất khi chị em di chuyển hoặc nghỉ ngơi.
Nếu không kèm bất cứ biểu hiện bất thường nào khác thì chị em hoàn toàn yên tâm vì đây là hiện tượng bình thường không đáng ngại. Tốt nhất là chị em nên đi khám trực tiếp để được các bác sĩ kiểm tra và tư vấn, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Điều trị dọa sinh non bằng cách nào?
Có tới 50% thai phụ bị dọa sinh non không rõ lý do, bởi vậy mà việc dự phòng cần được gia đình và mẹ bầu lưu tâm từ khi mang thai. Ngoài ra, hiểu rõ được các phương án điều trị hiện nay sẽ giúp cha mẹ sớm có chuẩn bị nếu không may thai phụ có các dấu hiệu của việc sinh non.
Vậy bị dọa sinh non phải làm sao? Chị em có thể tham khảo các phương pháp xử lý tình trạng dọa sinh non hiện nay đang được áp dụng phổ biến dưới đây:
- Nifedipin: Thuốc dùng đường uống, được sử dụng phổ biến với hiệu quả cao, tuy nhiên một số trường hợp thai phụ bị các bệnh về tim mạch, huyết áp thấp, tiền sản giật, suy thai, nhiễm trùng ối, xuất huyết trước sinh sẽ có giải pháp khác thay thế. Liều dùng theo chỉ định của bác sĩ.
- Salbutamol dùng qua đường truyền tĩnh mạch cũng được dùng để điều trị dọa sinh non, chống chỉ định dùng cho phụ nữ suy tim, tiểu đường, mắc bệnh về tuyến giáp, suy tim thai. Không dùng đồng thời với Nifedipin. Liều dùng theo chỉ định của bác sĩ.
- Liệu pháp Corticoid: Có tác dụng kích thích cơ thể tăng sản xuất surfactant - hỗ trợ chức năng của phổi, giảm nguy cơ bị suy hô hấp ở trẻ sinh non, dùng cho trường hợp mẹ bầu bị dọa sinh từ tuần 28 đến hết tuần thứ 34.
- Xử lý bảo vệ ối, cắt tầng sinh môn rộng ra hoặc mổ lấy thai.
Biến chứng của dọa sinh non
Không phải tất cả các trường hợp bị dọa sinh non đều sẽ bị sinh non. Tuy nhiên, khả năng này là rất lớn. Trẻ càng sinh non, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch, tiêu hóa,.. càng cao.
Nhiều trường hợp phổi của thai nhi chưa kịp hoàn thiện trước khi chào đời dẫn đến trường hợp bị suy hô hấp. Tỉ lệ tử vong lên đến 70%.
Bên cạnh đó, trẻ bị sinh non có thể gặp các vấn đề khác dưới đây:
- Trẻ sinh nhẹ cân, yếu hơn so với trẻ đủ tháng.
- Chức năng phổi chưa hoàn thiện, dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là suy hô hấp ở trẻ sinh non có thể gây tử vong.
- Có nguy cơ bị mắc các dị tật bẩm sinh như mù, câm, điếc hay các di chứng thần kinh về sau…
Các biện pháp phòng ngừa dọa sinh non hiệu quả
Trong quá trình mang thai, chị em nên thực hiện các khuyến nghị dưới đây để hạn chế khả năng bị dọa sinh non hoặc sinh non:
- Không làm các công việc nặng nhọc, tốn sức trong thai kì, lựa chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng như: tập thiền, yoga,...
- Ăn uống đủ chất, bổ sung thêm các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ.
- Sinh hoạt vợ chồng vừa phải, không quá mạnh bạo, một số người trong nguy cơ cao cần kiêng giao hợp vì sau khoái cảm thường xuất hiện cơn gò tử cung.
- Đi khám ngay nếu dịch âm đạo có bất thường.
- Nếu có các dấu hiệu dọa sinh non, thai phụ cần nhanh chóng nhập viện để theo dõi và xử lý kịp thời.
- Khi thay đổi tư thế nằm, ngồi hay vận động cần phải thực hiện nhẹ nhàng, chậm rãi, không quá mạnh và đột ngột.
- Nên đi lại bằng các loại giày dép đế bệt, tránh trơn trượt, không nên đi giày dép cao gót.
- Không nên vận động hay thể dục quá mạnh bạo, chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng.
- Bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng, thuốc an thai theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không ăn các loại thực phẩm chiên rán, đồ đóng hộp, rượu bia hay các chất kích thích khác.
- Luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress, ưu phiền, thức khuya,...
- Khám thai định kỳ, theo dõi liên tục để sớm phát hiện các nguy cơ về sức khỏe.
- Tuyệt đối không ăn các loại thực phẩm sau đây: Rau sam, rau ngót, đu đủ xanh, rau chùm ngây, rau răm, dứa, hải sản, thực phẩm lên men, thịt tái sống…
Dọa sinh non là một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Các mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, thăm khám định kì để có thể đảm bảo thai nhi được phát triển an toàn nhất. Truy cập Cẩm nang sống khỏe của BookingCare để xem thêm những bài viết y khoa hữu ích.