Đọc ngay: điều trị xuất huyết nội nhãn và biện pháp phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 22/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
dieu-tri-xuat-huyet-noi-nhan
Điều trị xuất huyết nội nhãn giúp cải thiện các triệu chứng và hồi phục thị lực cho người bệnh - ảnh: BookingCare
Tìm hiểu về các phương pháp điều trị xuất huyết nội nhãn và biện pháp phòng ngừa giúp người bệnh chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ mắt.

Xuất huyết nội nhãn là một bệnh nặng, nếu không điều trị kịp thời, theo dõi chặt chẽ có thể gây mù vĩnh viễn. Bệnh này cần phải được điều trị tại các cơ sở nhãn khoa. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị xuất huyết nội nhãn giúp cải thiện các triệu chứng và hồi phục thị lực cho người bệnh. 

Các phương pháp điều trị xuất huyết nội nhãn

Nguyên tắc điều trị xuất huyết nội nhãn bao gồm việc kiểm soát, ngăn ngừa chảy máu, tiêu máu và điều trị các biến chứng xảy ra.

Việc áp dụng các biện pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân và những triệu chứng cụ thể của xuất huyết nội nhãn. Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay gồm:

Đeo miếng che mắt

Với các trường hợp xuất hiện dấu hiệu xuất huyết nội nhãn do tự phát, người bệnh có thể đeo miếng che mắt bảo vệ mắt xuất huyết. Đây là biện pháp hỗ trợ điều trị, giúp cho mắt hạn chế vận động, được nghỉ ngơi tránh làm cho xuất huyết nặng thêm.

Điều trị bằng thuốc dự phòng

Đối với những người có nguy cơ cao xuất huyết nội nhãn, bác sĩ mắt có thể đưa ra đề xuất sử dụng thuốc dự phòng để giảm nguy cơ xuất hiện xuất huyết và kiểm soát tình trạng mạch máu.

Điều trị biến chứng bằng thuốc

Xuất huyết nội nhãn gây rất nhiều biến chứng, biến chứng sớm nhất là tăng nhãn áp, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến teo thị thần kinh và bệnh nhân bị mù vĩnh viễn. 

Ngoài ra, xuất huyết có thể gây phản ứng viêm, ngấm máu giác mạc, tổ chức hóa dịch kính lâu dài có thể gây co kéo bong võng mạc,...

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị, loại thuốc, liều lượng cho người bệnh. Thông thường các loại thuốc được sử dụng theo đường uống hoặc nhỏ trực tiếp vào mắt. 

Thuốc điều trị thường dùng gồm thuốc tiêu máu, hạn chế chảy máu, chống viêm… (như tam thất bột là một loại thuốc đông y có tác dụng tiêu máu rất tốt).

Một số trường hợp cần tiêm thuốc trực tiếp vào mắt để giảm thiểu xuất huyết và cải thiện tình trạng mạch máu hoặc phải tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật

Với những trường hợp điều trị nội khoa không tiêu hết máu, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật: rửa tiền phòng, cắt dịch kính qua pars plana để lấy máu xuất huyết trong nội nhãn. Đồng thời, phẫu thuật có thể xử lý sớm các tổn thương võng mạc kèm theo do chấn thương.

Tuy nhiên để thực hiện phẫu thuật, người bệnh phải có dấu hiệu bong dịch kính sau qua theo dõi định kỳ hoặc trên hình ảnh siêu âm để tránh biến chứng gây bong võng mạc, thông thường là sau 2 - 3 tháng.

Một số biện pháp phòng ngừa sau điều trị xuất huyết nội nhãn

Sau quá trình điều trị xuất huyết nội nhãn, người bệnh cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa giúp duy trì sức khỏe mắt và tránh tái phát, bao gồm:

  • Tuân thủ và sử dụng đúng liều thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vệ sinh mắt sạch sẽ, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng mắt.
  • Hạn chế tối đa mắt tiếp xúc với các chất gây kích ứng mắt như hóa chất, khói, bụi, hoặc ánh sáng mạnh.
  • Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính mắt hoặc mắt kính chống tia UV khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và axit béo omega-3.
  • Thực hiện kiểm tra mắt định kỳ để theo dõi hồi phục và đánh giá nguy cơ tái phát.

Việc điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách có thể giúp cải thiện và hồi phục thị lực. Vì vậy, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn điều trị xuất huyết nội nhãn an toàn và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết