Có nhiều người bệnh, người nhà có câu hỏi rằng đột quỵ và tai biến mạch máu não có khác nhau không? Bài viết sẽ giải đáp băn khoăn này cũng như đưa ra một số nguyên nhân, dấu hiệu của đột quỵ/tai biến mạch máu não.
Đột quỵ và tai biến mạch máu não có khác nhau?
Đột quỵ và tai biến mạch máu não là hai thuật ngữ chỉ cùng một bệnh lý.
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là một bệnh lý cấp tính, là tình trạng tổn thương não với các khiếm khuyết thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa, tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ, với căn nguyên là tổn thương mạch máu xảy ra tự phát (loại trừ nguyên nhân chấn thương sọ não).
Tên gọi tai biến mạch máu não chỉ ra nơi khởi phát bệnh là các mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị nứt vỡ. Còn tên gọi đột quỵ phản ảnh rõ hơn sự cấp tính của bệnh.
Tai biến mạch máu não có 2 loại:
- Nhồi máu não (thiếu máu cục bộ não): xảy ra khi mạch máu bị nghẽn hoặc lấp.
- Xuất huyết não (chảy máu não): Khi máu thoát khỏi thành mạch vào nhu mô não gọi là xuất huyết trong não, vào khoang dưới nhện gọi là xuất huyết khoang dưới nhện; còn phối hợp hai loại trên gọi là xuất huyết não - màng não.
Tai biến mạch máu não là nguyên nhân tử vong và tàn phế hàng đầu tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Tai biến mạch máu não chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, gần đây đối tượng người trẻ bị tai biến đang có tỉ lệ gia tăng.
Nguyên nhân tai biến mạch máu não
Có nhiều nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, bao gồm:
- Xơ vữa động mạch: tai biến mạch máu não xảy ra khi mảng xơ vữa ở động mạch cảnh và động mạch trong sọ bị nứt vỡ. Mảng xơ vữa nứt vỡ gây hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn lòng động mạch, không cung cấp đủ máu và oxy cho các tế bào não vùng mạch máu đó chi phối, dẫn đến các tế bào não chết dần đi.
- Tăng huyết áp: khoảng 80% các trường hợp bị tai biến mạch máu não có liên quan đến tăng huyết áp. Tăng huyết áp lâu ngày làm tăng xơ vữa động mạch dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não.
- Đái tháo đường: người đái tháo đường có tỷ lệ tăng huyết áp cao gấp 1,5 – 3 lần so với người bình thường. Mặt khác, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường thường kèm theo tăng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch, hẹp lòng mạch hoặc tắc hoàn toàn. Bởi vậy, đây là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân đái tháo đường dễ bị tai biến mạch máu não.
- Bệnh tim mạch:
- Nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não là do các bệnh lý tim mạch như: rung nhĩ, hẹp van hai lá có rung nhĩ, u nhầy ở nhĩ trái, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, thông liên nhĩ…
- Nguyên nhân là do cục máu đông hình thành trong buồng tim, van tim bị trôi theo dòng máu lên động mạch cảnh hoặc lên não. Nếu các cục máu đông đủ lớn hoặc gặp các đoạn tắc hẹp do xơ vữa sẽ chặn đột ngột dòng máu nuôi não, gây ra nhồi máu não.
- Dị dạng mạch máu não: sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình - với thành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não. Hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch - nhồi máu não.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây tai biến mạch máu não như: chế độ ăn uống không lành mạnh; sử dụng rượu, bia và thuốc lá; ít vận động, thừa cân, béo phì;...
Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não
Một cách dễ để nhớ các dấu hiệu đột quỵ là quy tắc F.A.S.T
- F (Face: mặt): gương mặt tự nhiên bị méo, nụ cười bị méo một bên, nhân trung bị lệch.
- A (Arms: tay): một cánh tay có thấp hơn hoặc rơi xuống khi cố gắng giơ cả 2 tay lên hoặc cầm đồ không chắc.
- S (Speech: nói): có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản? Có nói lắp hoặc nói kỳ lạ, khó hiểu.
- T (Time: thời gian): nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.
Trên đây là một sống thông tin giải đáp cho bạn đọc còn đang tìm kiếm thông tin về tai biến mạch máu não hay đột quỵ. Hy vọng bài viết đã cung cấp được thông tin hữu ích.