Đốt sóng cao tần trong điều trị u tuyến giáp
Đốt sóng cao tần trong điều trị u tuyến giáp
Đốt sóng cao tần trong điều trị u tuyến giáp - Ảnh: BookingCare

Đốt sóng cao tần trong điều trị u tuyến giáp

Tác giả: - Xuất bản: 30/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Đốt sóng cao tần điều trị u giáp hay ung thư giáp gần đây đang trở thành một phương pháp phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt là Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Vậy lý do gì mà nó lại trở nên phổ biến và sự thực là nó có tốt như những gì người ta nói và viết. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ lược qua bài viết này.

U lành tuyến giáp (nhân giáp) là bệnh có tỷ lệ cao trong các bệnh lý về tuyến giáp. Đối với tổn thương lành tính kích thước lớn, thường gây ảnh hưởng thẩm mỹ, chèn ép cấu trúc lân cận như khí quản, thực quản gây ra các triệu chứng cơ năng như ho kéo dài, hay nuốt vướng, nuốt nghẹn, thậm chí có thể gây đau.

Đốt sóng cao tần để điều trị u tuyến giáp đang dần phổ biến với nhiều ưu điểm về độ an toàn, tính thẩm mỹ. 

U tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết của cơ thể con người, nằm ở vùng cổ. Nó đảm bảo rất nhiều chức năng quan trọng đối với sự phát triển cơ thể người cũng như duy trì các hoạt động của nhiều cơ quan và toàn bộ cơ thể. Và nó cũng không tránh khỏi tình trạng biến đổi bất thường của tế bào giống như nhiều cơ quan khác dẫn đến kết quả là hình thành nên các khối u. 

các bệnh lý khối u lành tính của tuyến giáp thường gặp: u dạng nang, u dạng đặc, u hỗn hợp nang và đặc, nhân độc lành tính của tuyến giáp 

các bệnh lý khối u ác tính của tuyến giáp (ung thư tuyến giáp) thường gặp: ung thư thể nhú và thể nang chiếm trên 90%, ung thư thể không biệt hóa và thể tủy ít gặp.

U tuyến giáp - Ảnh: nutricare.com
U tuyến giáp - Ảnh: nutricare.com

Đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp được thực hiện như thế nào?

Đốt sóng cao tần trong điều trị u tuyến giáp là một phương pháp xâm lấn tối thiểu. Bản chất của nó là một phương pháp đốt nhiệt (tức sử dụng nhiệt độ để đốt tế bào u, kết quả là tế bào u bị đông vón và xơ hóa.)

Đốt sóng cao tần trong u tuyến giáp - Ảnh: BVĐK Hà Nội
Đốt sóng cao tần trong u tuyến giáp - Ảnh: BVĐK Hà Nội

Ưu - nhược điểm của phương pháp đốt sóng cao tần u tuyến giáp

Ưu điểm:

  • Phương pháp điều trị hiện đại, xâm lấn tối thiểu, gần như không để lại sẹo
  • Hầu hết bệnh nhân không cần nằm viện và được điều trị tại nhà. Hồi phục nhanh và trở lại với công việc sớm. 
  • Gây tê tại chỗ, mức độ an toàn cao.
  • Bảo toàn được nhiều mô giáp lành.
  • Thời gian thực hiện nhanh, từ vài chục phút tới 1-2 giờ
  • Biến chứng có thể có như chảy máu, phù nề, khàn tiếng… tuy nhiên tỉ lệ là rất thấp.

RFA có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có hạn chế như:

  • Chi phí cao, bệnh nhân thường phải trải qua nhiều lần điều trị (vì với các khối u lớn, điều trị một lần thường không tiêu diệt được hết tế bào u )
  • Kỹ thuật có thể triển khai tại nhiều cơ sở y tế, dễ trở nên phổ biến và do vậy dễ bị lạm dụng về chỉ định điều trị, cũng như gây ra các hiểu biết sai lầm về phía người bệnh..

Những khối u nào có thể thực hiện đốt sóng cao tần?

Không phải tất cả các trường hợp đều thích hợp cho quá trình điều trị đốt sóng cao tần. Dựa theo các bằng chứng y khoa hiện có từ nhiều nghiên cứu trên toàn thế giới, Hiệp hội đốt sóng cao tần tuyến giáp Hàn Quốc năm 2017 đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc điều trị đốt sóng cao tần tuyến giáp. 

Cùng với sự tham khảo từ Hội tuyến giáp Châu Âu (ETA) và các hiệp hội khác trên thế giới, chúng tôi xin tóm lược chỉ định điều trị u tuyến giáp như sau:  

  • U lành tuyến giáp gây ảnh hưởng đến chức năng ( u gây ho kéo dài, gây đau, gây nuốt vướng…) và thẩm mỹ.
  • nhân độc tuyến giáp: đốt sóng cao tần là biện pháp hiệu quả hơn so với phương pháp xạ trị cổ điển.
  • Vi ung thư tuyến giáp thể nhú (u < 1cm), ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở người cao tuổi, người không có chỉ định phẫu thuật do các bệnh lý phối hợp: Ung thư tái phát tại chỗ, tại hạch, hoặc tại cơ quan khác: điều trị phẫu thuật vẫn là lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên khi nguy cơ rủi ro từ phẫu thuật là quá lớn, hoặc bệnh nhân không muốn thực hiện phẫu thuật thì đốt sóng cao tần là một lựa chọn phù hợp.: với các di căn của ung thư tuyến giáp tới các cơ quan khác thì bên cạnh i ốt phóng xạ, phẫu thuật, thì đốt sóng cao tần cũng là một lựa chọn

Để tối ưu hóa kết quả điều trị cho mỗi bệnh nhân, các chuyên gia sẽ cần xét đến rất nhiều yếu tố từ chẩn đoán, các khả năng điều trị, các nguy cơ rủi ro, các bệnh lý phối hợp, và mong muốn của người bệnh …chứ không chỉ là một chỉ định điều trị đơn thuần. 

Quy trình thực hiện đốt sóng cao tần u tuyến giáp như thế nào?

Quy trình thực hiện đốt sóng cao tần cho u tuyến giáp thường bao gồm nhiều bước, từ chuẩn bị ban đầu đến theo dõi sau quá trình điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Đánh giá ban đầu

Bệnh nhân vào viện cần được khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng trước khi thực hiện thủ thuật như: 

  • Các xét nghiệm đông máu cơ bản, công thức máu và các xét nghiệm chức năng tuyến giáp trong giới hạn bình thường (bệnh nhân cần được điều trị nội khoa về bình giáp trước điều trị), kết quả xạ hình tuyến giáp trước điều trị. 
  • Kết quả chọc tế bào khối tuyến giáp ít nhất 2 lần có kết quả lành tính. Bệnh nhân được giải thích về tác dụng cũng như nguy cơ của kỹ thuật. Đây là kỹ thuật được thực hiện khá an toàn, tỉ lệ biến chứng rất thấp.

Tiến hành kỹ thuật

Bệnh nhân thường được yêu cầu không ăn hoặc uống gì từ đêm hôm trước để giảm sự co bóp từ dạ dày và tạo điều kiện tốt nhất cho sóng âm truyền

  • Bệnh nhân được đặt tư thế nằm ngửa với phần cổ mở rộng
  • Sát trùng vị trí chọc, phủ toan vô trùng có lỗ
  • Gây tê tại chỗ bằng lidocain 1% x 02 ống, tịnh tiến từng lớp đến bao tuyến giáp
  • Tiến hành đốt sóng cao tần tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm.
  • Thời gian đốt phụ thuộc và kích thước của khối u và khả năng chịu đựng của bệnh nhân
  • Kết thúc thủ thuật khi tổn thương nhân tuyến giáp được đốt hoàn toàn.
  • Kết thúc thủ thuật – rút kim đốt sóng.
  • Sát trùng da tại điểm chọc, băng vô khuẩn
  • Bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại giường, theo dõi và phát hiện các biến chứng sớm sau đốt sóng cao tần.

Theo dõi và đánh giá sau quá trình điều trị

Sau khi hoàn thành quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra để đánh giá hiệu quả của điều trị và theo dõi các biến đổi trong u tuyến giáp.

Tốc độ giảm thể tích u giáp sau đốt sóng cao tần RFA: 

  • Sau 1 – 2 tuần: kích thước tăng nhẹ do phản ứng viêm
  • Sau 1 tháng: giảm 50% thể tích bướu
  • Sau 3 tháng: giảm 50-70% thể tích bướu
  • Sau 6 tháng: giảm 70-95% thể tích bướu
  • Sau 12 tháng: chỉ còn là mô sẹo

Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ khoa học, ngày càng có nhiều các thế hệ máy đốt sóng cao tần mới với nhiều cải tiến để mang lại hiệu quả cao trong điều trị. tuy nhiên, đốt sóng cao tần cho dù có hiện đại tới đâu đi chăng nữa thì nó vẫn là một công cụ trong tay người sử dụng, và vì thế sử dụng như thế nào và hiệu quả làm sao sẽ phụ thuộc và người thầy thuốc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết