Đừng bỏ qua những dấu hiệu của u tuyến nước bọt
Sưng đau vùng góc hàm có thể là dấu hiệu của u tuyến nước bọt
Sưng đau vùng góc hàm có thể là dấu hiệu của u tuyến nước bọt - Ảnh: BookingCare

Đừng bỏ qua những dấu hiệu của u tuyến nước bọt

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/12/2023
U tuyến nước bọt là bệnh ít gặp và thường là lành tính. Tuy nhiên theo các nghiên có vẫn có một tỉ lệ nhất định khối u chuyển dạng ác tính. Đừng bỏ qua các dấu hiệu của u tuyến nước bọt để có thăm khám, điều trị kịp thời.

Tuyến nước bọt có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hoá chịu trách nhiệm sản xuất nước bọt giúp quá trình tiêu hoá thức ăn. U tuyến nước bọt là khi những tế bào trong tuyến phát triển một cách bất thường. Khi tuyến nước bọt bắt đầu có vấn đề một số dấu hiệu có thể cần chú ý trong bài viết dưới đây.

Những dấu hiệu của u tuyến nước bọt 

Dấu hiệu nhận biết u tuyến nước bọt có rất nhiều tuy nhiên lại chưa thực sự đặc hiệu, các triệu chứng có thể dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh của tuyến nước bọt hoặc các bệnh vùng miệng họng. 

  • Kích thước tuyến nước bọt: tuyến nước bọt có thể lớn hơn bình thường, người bệnh sờ thấy có khối to lên ở vị trí gần hàm, ở cổ hoặc ở miệng, bất kì vị trí nào trên đường đi của tuyến nước bọt. Đôi khi kích thước tăng không quá rõ ràng và tình cờ phát hiện khi siêu âm.
  • Đau hoặc khó chịu ở khu vực tuyến, kèm đỏ da vùng xung quanh.
  • Thay đổi trong tính chất nước bọt: số lượng nước bọt thay đổi, đôi khi màu sắc có thể lẫn máu hoặc đổi màu vàng đậm.
  • Khó khăn khi nuốt: khó mở miệng, nuốt vướng hoặc khó ăn do sự áp lực của u tuyến nước bọt tăng lên, chèn ép.
  • Thay đổi giọng nói cũng là dấu hiệu cần chú ý.
  • Tê một phần khuôn mặt, yếu cơ một bên mặt là những dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại.
  • Ngoài ra còn một số dấu hiệu toàn thân cũng có thể gặp như sụt cân, mệt mỏi kéo dài.

Một số dấu hiệu gợi ý tình trạng lành tính và ác tính của khối u tuyến nước bọt:

  • Đối với u lành tính: biểu hiện u tròn, ranh giới rõ, mật độ chắc, di động; khi u ở sâu, viêm xơ hóa thì di động hạn chế, không có dấu hiệu thần kinh hoặc xâm lấn da.
  • Đối với u ác tính: u cứng, chắc, ranh giới không rõ, di động hạn chế hoặc cố định khi u xâm lấn vào cơ hoặc xương hàm dưới, có thể gây liệt nhẹ môi dưới, xâm lấn da hoặc loét mặt da, có thể di căn hạch cổ hoặc di căn phổi, xương.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hãy hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng ngay khi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào để có phương pháp điều trị u tuyến nước bọt kịp thời.

Rất nhiều người thắc mắc rằng họ nên đến khám chuyên khoa nào khi có dấu hiệu bất thường về tuyến nước bọt. Trên thực tế người bệnh có thể đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt hoặc Ung bướu đều được, khi có các vấn đề các bác sĩ có thể trao đổi hỗ trợ nhau trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào từ những dấu hiệu u tuyến nước bọt kể trên, việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế chuyên sâu từ bác sĩ là quan trọng. Đánh giá và điều trị sớm có thể ngăn chặn sự phát triển của các vấn đề nặng nề và đảm bảo sức khỏe.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết