Đừng bỏ qua triệu chứng của bệnh hạt xơ dây thanh quản

Tác giả: - Xuất bản: 12/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 14/12/2023
Nói nhiều nói to là nguyên nhân dẫn đến bệnh hạt xơ dây thanh
Nói nhiều nói to là nguyên nhân dẫn đến bệnh hạt xơ dây thanh - Ảnh: BookingCare
Hạt xơ dây thanh quản là một trong những bệnh hay gặp ở người thường xuyên sử dụng giọng nói. Bệnh thường lành tính nhưng lại gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

Khàn tiếng thường bị người bệnh chủ quan bỏ qua mà không biết rằng đó có thể là triệu chứng của bệnh hạt xơ dây thanh. Cùng tìm hiểu các triệu chứng của bệnh hạt xơ dây thanh quản trong bài viết dưới đây.

Triệu chứng của bệnh hạt xơ dây thanh quản

Hầu hết các bệnh tại vùng họng đều có những triệu chứng giống nhau, dễ gây nhầm lẫn tuy vậy vẫn có những triệu chứng đặc biệt cho từng bệnh lý. Một vài triệu chứng điển hình của bệnh hạt xơ dây thanh quản có thể kể đến như:

1. Khàn tiếng thay đổi giọng nói:

  • Khàn tiếng: là biểu hiện hay gặp nhất của bệnh hạt xơ dây thanh. Khàn tiếng cũng có thể gặp trong các bệnh lý về họng như viêm họng, viêm dây thanh. Tuy nhiên trong trường hợp viêm ngoài khàn tiếng người bệnh thường kèm theo đau rát khi nói, còn hạt xơ dây thanh có xu hướng khàn tiếng từng đợt khi nói nhiều và thường không gây đau. Thời gian đầu khàn tiếng chỉ xảy ra khi nói nhiều, do dây thanh vẫn còn khả năng đàn hồi, khi bệnh nặng lên dây thanh kém đàn hồi, khàn tiếng tăng lên, thậm chí có thể sưng đau do viêm hoặc có thể có ho khan kèm theo.
  • Thay đổi giọng nói: giọng nói trầm, bớt trong trẻo và thanh, giọng nói thô, không lên được các nốt cao thậm chí mất tiếng.
  • Hụt hơi: nói câu dài hoặc các âm cao hay bị hụt hơi do thanh môn mở rộng hơn khi nói, giọng nói dễ mệt, phải nói ngắt quãng.
  • Triệu chứng ít gặp có thể có: ho khan, đau tai, cảm giác vướng nghẹn cổ họng.

2. Hạt xơ tại dây thanh:

  • Hình thành các hạt xơ với tính chất nhỏ, màu giống màu niêm mạc, thường đối xứng hai bên, hay gặp ở vị trí 1/3 trước dây thanh.
  • Quan sát được qua quá trình nội soi họng thanh quản, trong quá trình soi các bác sĩ sẽ dùng bô nội soi của chuyên khoa tai mũi họng, đưa một ống nhỏ vào quan sát họng và dây thanh để đánh giá vị trí hạt xơ, tính chất và kích thước của hạt xơ.
  • Trong quá trình yêu cầu người bệnh phát âm có thể thấy các dây thanh môn khép không kín, hai dây thanh có hình chữ V hoặc hình thoi. Niêm mạc thanh môn dính dịch nhầy.

Khi nào cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng?

Khi có các triệu chứng của bệnh hạt xơ dây thanh kể trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Tránh để tình trạng khàn tiếng kéo dài quá lâu mới đi khám, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Ngoài ra khi có các triệu chứng của các bệnh lý tai mũi họng nói chung như đau họng, ù tai… cũng nên đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị, tránh các bệnh dai dẳng và thành mãn tính, sẽ là nguy cơ gây các bệnh về họng.

Các bác sĩ cũng khuyên rằng đối với những người làm nghề cần sử dụng nhiều giọng nói, nên đi khám định kỳ sáu tháng đến một năm để theo dõi phát hiện bệnh sớm và phòng tránh bệnh u xơ dây thanh.

Khi có các triệu chứng khàn tiếng, thay đổi giọng nói người bệnh thường chủ quan và bỏ qua. Tìm hiểu về bệnh hạt xơ dây thanh giúp có cái nhìn đúng về bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện. Ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh hạt xơ dây thanh hãy tìm gặp và nghe tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết