Tìm hiểu về bệnh hạt xơ dây thanh quản
Tìm hiểu về bệnh hạt xơ dây thanh quản
Bệnh hạt xơ dây thanh hay gặp ở những người sử dụng giọng nói nhiều
Bệnh hạt xơ dây thanh hay gặp ở những người sử dụng giọng nói nhiều - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu về bệnh hạt xơ dây thanh quản

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 12/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/01/2024
Hạt xơ dây thanh quản là bệnh tai mũi họng hay gặp nhất ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói nhiều. Nguyên nhân do đâu, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh ra sao, cùng BookingCare tìm hiểu về bệnh hạt xơ dây thanh quản trong bài viết dưới đây. 

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị hạt xơ dây thanh quản, gây ra tình trạng khàn tiếng kéo dài, ảnh hưởng đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống, tìm hiểu về bệnh hạt xơ dây thanh để có biện pháp phòng tránh an toàn.

Hạt xơ dây thanh quản là bệnh gì?

Hạt xơ dây thanh hay còn gọi là u xơ thanh quản là tình trạng tổn thương mạn tính tại thanh quản, xuất hiện các hạt nhỏ tại dây thanh, thường nằm đối xứng và nằm ở 1/3 trước dây thanh, kích thước tương tự nhau, hình tròn hoặc nhọn.

Hạt xơ dây thanh được hiểu đến như một bệnh lành tính, tuy nhiên có một phần rất nhỏ trường hợp khối u có thể phát triển thành ác tính. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai, tuy nhiên theo thống kê bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, đặc biệt hay gặp hơn ở những người thường xuyên sử dụng giọng nói như giáo viên, ca sĩ, MC, người bán hàng…

Các triệu chứng của hạt xơ dây thanh quản

Bệnh hạt xơ dây thanh gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh và dễ dàng nhận biết qua các triệu chứng như:

  • Khàn tiếng và thay đổi giọng nói
    • Khàn tiếng: khàn tiếng là biểu hiện hay gặp nhất của bệnh hạt xơ dây thanh. Khàn tiếng cũng có thể gặp trong các bệnh lý về họng như viêm họng, viêm dây thanh. Tuy nhiên trong trường hợp viêm ngoài khàn tiếng người bệnh thường kèm theo đau rát khi nói, còn hạt xơ dây thanh có xu hướng khàn tiếng từng đợt khi nói nhiều và thường không gây đau.
    • Hụt hơi, nói nhanh mệt, cảm giác mắc nghẹn ở họng.
    • Giọng nói thô, trầm.
    • Một vài triệu chứng ít gặp có thể có: ho khan, đau tai, cảm giác vướng nghẹn cổ họng.
  • Xuất hiện hạt nhỏ tại dây thanh
    • Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng thực hiện thăm khám nội soi vùng hạ họng thanh quản sẽ dễ dàng quan sát thấy hạt xơ trên dây thanh. Kích thước có thể nhỏ li ti đến bằng nửa hạt gạo.
    • Quan sát phát âm thấy dây thanh di động kém, khép không kín.

Nguyên nhân của hạt xơ dây thanh

Hầu hết các nguyên nhân gây bệnh hạt xơ dây thanh gây tác động liên tục đến dây thanh trong thời gian dài khiến cho dây thanh mất khả năng đàn hồi, các tế bào tăng sinh làm xuất hiện các hạt u xơ.

Một vài yếu tố được cho là nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Sử dụng dây thanh nhiều, sử dụng giọng nói không đúng cách, những người thường ngày phải nói nhiều như giáo viên, MC, ca sĩ, người bán hàng…
  • Mắc các bệnh lý tai mũi họng nhưng không điều trị hiệu quả như viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản dẫn đến tình trạng tổn thương họng thanh quản mạn tính.
  • Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Một số ít trường hợp người bệnh phải dùng máy thở hoặc ống thông dạ dày quá lâu trước đó cũng có thể gây hạt xơ dây thanh.

Chẩn đoán bệnh hạt xơ dây thanh

Kết hợp hỏi bệnh và các triệu chứng điển hình của bệnh hạt xơ dây thanh với quá trình nội soi họng có hình ảnh hạt xơ, quá trình này cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Khi thăm khám các bác sĩ sẽ đánh giá chính xác mức độ tổn thương để có phương pháp điều trị bệnh phù hợp.

Hình ảnh nội soi hạt xơ dây thanh quản
Hình ảnh nội soi hạt xơ dây thanh quản - Ảnh: BV NTP

Điều trị hạt xơ dây thanh

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ hạt xơ của dây thanh, bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa

  • Nội khoa: sử dụng các thuốc kháng sinh và chống viêm giúp tiêu diệt ổ viêm và kìm hãm sự phát triển của các hạt xơ trong trường hợp các hạt nhân xơ có kích thước nhỏ. Hạn chế của phương pháp này là không lấy đi tận gốc các hạt xơ.
  • Ngoại khoa: phương pháp phẫu thuật nhằm loại bỏ các hạt xơ, sau phẫu thuật người bệnh cần kiêng nói, tuy nhiên phẫu thuật chỉ có thể giải quyết các hạt xơ kích thước lớn còn các hạt kích thước rất nhỏ, ẩn trong dây thanh lại không giải quyết được. Vì thế cần phối hợp cả nội khoa và ngoại khoa.
  • Ngoài ra, sau khi điều trị bằng những phương pháp trên, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn tập phát âm để có cách nói chuẩn xác và ít gây tổn hại đến dây thanh, đây gọi là phương pháp trị liệu giọng nói.

Phòng tránh bệnh hạt xơ dây thanh quản an toàn

Bệnh hạt xơ dây thanh hiện nay gặp ngày càng nhiều, đặc biệt theo các nghiên cứu trong tạp chí Y học Việt Nam, tỉ lệ gia tăng ở đối tượng trẻ em trong độ tuổi đi học gây trở ngại trong việc giao tiếp và học tập. Việc phòng tránh an toàn là rất cần thiết. Một vài gợi ý dưới đây có thể mang lại hiệu quả trong việc phòng tránh bệnh hạt xơ dây thanh:

  • Hạn chế sử dụng giọng nói với tần suất cao và cường độ lớn, nếu phải nói to nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như loa, micro.
  • Nói rõ ràng, không nói thầm hoặc cố gắng thay đổi giọng, cần phát âm chuẩn.
  • Sử dụng nước ấm, mật ong, trà gừng giúp phục hồi và bảo vệ giọng nói.
  • Thường xuyên vệ sinh mũi họng sạch.
  • Ngay khi gặp các bệnh về tai mũi họng cần điều trị dứt điểm. Tránh để các tình trạng kéo dài trở thành mãn tính gây ảnh hưởng đến thanh quản.

Hạt xơ dây thanh quản là bệnh lành tính nhưng lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh, việc tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh hạt xơ dây thanh giúp bạn đọc có được thông tin cần thiết và hành động kịp thời khi gặp phải tình trạng bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết