Đừng chủ quan với các triệu chứng lao cột sống bạn cần biết
Đừng chủ quan với các triệu chứng lao cột sống bạn cần biết
Những triệu chứng lao cột sống bạn cần biết
Những triệu chứng lao cột sống bạn cần biết - Ảnh: BookingCare

Đừng chủ quan với các triệu chứng lao cột sống bạn cần biết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 16/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 04/04/2024
Triệu chứng lao cột sống thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu của người bệnh và thường dễ nhầm lẫn với một số tổn thương cột sống khác. Lao cột sống chỉ được biểu hiện rõ ràng khi đến giai đoạn toàn phát của bệnh.

Lao cột sống là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh và gia đình. Bệnh được biểu hiện qua những dấu hiệu và triệu chứng phức tạp. 

Cùng BookingCare tìm hiểu về các triệu chứng của lao cột sống để nhận biết và có phương án điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với người bệnh và gia đình.

7 triệu chứng của lao cột sống

Triệu chứng của lao cột sống có thể âm ỉ và không đặc hiệu, khiến bệnh khó chẩn đoán. Một số dấu hiệu có thể nhận biết bệnh lý lao cột sống qua những triệu chứng sau

Đau và hạn chế vận động tại đốt sống tổn thương

Một trong những triệu chứng đầu tiên của lao cột sống là đau ở vùng đốt sống tổn thương, hay gặp nhất là vùng lưng và thắt lưng. Đau trong lao cột sống có đặc điểm là ít đáp ứng với các thuốc điều trị thông thường.

Trong lao cột sống, đau kiểu viêm có thể kèm đau kiểu rễ như viêm dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh hông to... nguyên nhân là do các rễ thần kinh bị kích thích vì phản ứng viêm hoặc vì lỗ ghép bị hẹp lại do tổn thương lao đè vào. 

Khi khám có điểm đau chói tại đốt sống kèm lồi gai sống, biến dạng cột sống. 

Sự tổn thương của cột sống có thể dẫn đến giảm linh hoạt và khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động thường ngày. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc cử động, ngồi, đứng lên hay thậm chí là trong những hoạt động đơn giản như xoay, vặn người.

Biểu hiện lâm sàng nặng nề, đau ở đốt sống bị tổn thương tăng lên, đau liên tục, kèm theo các rễ thần kinh, có hội chứng chèn ép tủy hoặc đuôi ngựa. Đốt sống bị tổn thương lồi ra phía sau, cột sống có thể bị lệch vẹo, vận động bị hạn chế.

Đau tại cột sống là một trong những dấu hiệu của lao cột sống - Ảnh: Freepik
Đau tại cột sống là một trong những dấu hiệu của lao cột sống - Ảnh: Freepik

Hội chứng chèn ép tủy sống

Hội chứng chèn ép tủy sống được biểu hiện khi người bệnh trong giai đoạn toàn phát:

  • Dấu hiệu tại cột sống: Cứng cột sống: thường khó xác định trong chèn ép tuỷ sống vùng ngực; Đau khi ấn vào mỏm gai hoặc các cơ cạnh sống, dấu hiệu này thường thấy nếu sự chèn ép khởi phát tại xương.
  • Liệt hai chi dưới: Liệt xuất hiện do sự chèn ép trực tiếp vào sừng trước tủy sống hoặc vào các rễ vận động. Tùy theo vị trí tổn thương, bệnh nhân có thể có triệu chứng khác nhau. Tổn thương ở vùng ngực và thắt lưng cao thường gây liệt hai chi dưới. Tổn thương ở đoạn thắt lưng thấp thường gây hội chứng đuôi ngựa. Liệt trong giai đoạn đầu, chưa có tổn thương thực thể tại tủy sống có thể hồi phục nếu được can thiệp đúng, kịp thời. 

Theo Seddon (1956), hy vọng phục hồi của biến chứng liệt hoàn toàn sau 6 tháng rất mong manh. Liệt sau 2 năm hoàn toàn không thể hồi phục dù có can thiệp phẫu thuật. Theo Kasab (1982), liệt kéo dài trên 12 tháng khó có hy vọng hồi phục

Sốt về chiều

Sốt có thể ở nhiều dạng như sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều. Người bệnh không sốt cao nhưng cơn sốt nhẹ kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đặc biệt sốt về chiều là dấu hiệu điển hình nhiễm trực khuẩn lao.

Đổ mồ hôi về đêm

Bệnh lao cột sống thường xuất hiện với chu kỳ sốt và sốt thường gia tăng vào buổi tối. Sự tăng nhiệt độ cơ thể có thể kích thích các tuyến mồ hôi, dẫn đến việc người bệnh đổ mồ hôi nhiều.

Nguyên nhân gây đổ mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm nhiều về ban đêm.

Mệt mỏi, chán ăn

Mệt mỏi, chán ăn là dấu hiệu rất phổ biến của người mắc lao trong đó có lao cột sống. Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ, không muốn ăn uống, lúc nào cũng cảm thấy không còn năng lượng, chỉ muốn nằm cả ngày.

Gầy, sụt cân

Gầy kèm sụt cân là triệu chứng thường gặp ở số đông người bệnh lao trong đó có lao cột sống. Người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS... dù đã bồi dưỡng nhiều cách nhưng trọng lượng vẫn không cải thiện.

Việc nhận biết sớm và chẩn đoán chính xác đóng vai trò quyết định trong việc theo dõi và điều trị lao cột sống. Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường cần tới ngay các cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn của lao cột sống gây ra.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare