Lao cột sống: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 16/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 06/04/2024
Những điều bạn cần biết về lao cột sống
Những điều bạn cần biết về lao cột sống - Ảnh: BookingCare
Bệnh lao cột sống ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe người bệnh và toàn cộng đồng xã hội. Hiện nay dưới sự phát triển của nền y học hiện đại đã tìm ra phương pháp chữa khỏi khi được phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Lao cột sống là bệnh lao thứ phát, bệnh tiến triển âm thầm, thường được chẩn đoán muộn do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cột sống khác. Đặc điểm lâm sàng của lao cột sống rất đa dạng tùy theo từng thể bệnh, giai đoạn bệnh và biểu hiện trên từng trường hợp khác nhau.

Cùng BookingCare tìm hiểu về bệnh lý lao cột sống qua bài viết dưới đây để thấy được sự nguy hiểm của tình trạng này.

Bệnh lao cột sống là gì?

Lao cột sống là tình trạng nhiễm khuẩn ở đĩa đệm và đốt sống, căn nguyên do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Bệnh còn được biết đến dưới tên gọi bệnh Pott (Mal de Pott) hoặc viêm đĩa đệm đốt sống do lao, đây được coi là một trong những bệnh nhiễm khuẩn xương khớp nguy hiểm nhất. 

Lao cột sống chiếm một nửa tổng số ca lao xương khớp, bệnh thường chiếm đến 90% trường hợp tập trung chủ yếu ở vùng lưng và thắt lưng. Vi khuẩn lao thường tạo ra tổn thương ở hai đốt sống liền kề và đĩa đệm ở giữa.

Triệu chứng lao cột sống biểu hiện như thế nào?

Các dấu hiệu của bệnh lao cột sống được biểu hiện ở các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong việc thăm khám và điều trị.

Giai đoạn khởi phát

Trung bình 4-11 tháng. Dấu hiệu sớm nhất của lao cột sống là đau và hạn chế vận động ở khu vực tổn thương.

Giai đoạn toàn phát

Các triệu chứng lao cột sống giai đoạn toàn phát gồm:

  • Đau cột sống.
  • Lồi cột sống ra phía sau (gù cột sống).
  • Áp xe cạnh sống
  • Hội chứng chèn ép tủy sống:
    • Dấu hiệu tại cột sống:  Cứng cột sống thường khó xác định trong chèn ép tuỷ sống vùng ngực; Đau khi ấn vào mỏm gai hoặc các cơ cạnh sống, dấu hiệu này thường thấy nếu sự chèn ép khởi phát tại xương.
    • Liệt hai chi dưới: Liệt xuất hiện do sự chèn ép trực tiếp vào sừng trước tủy sống hoặc vào các rễ vận động. Tùy theo vị trí tổn thương, bệnh nhân có thể có triệu chứng khác nhau. 

Tổn thương ở vùng ngực và thắt lưng cao thường gây liệt hai chi dưới. Tổn thương ở đoạn thắt lưng thấp thường gây hội chứng đuôi ngựa. Liệt trong giai đoạn đầu, chưa có tổn thương thực thể tại tủy sống có thể hồi phục nếu được can thiệp đúng, kịp thời. 

Các dấu hiệu toàn thân

Các dấu hiệu chung của bệnh lao như sốt nhẹ về chiều, ăn kém, gầy sút, suy mòn. Có thể có loét do nằm lâu. Có thể thấy tổn thương lao ở các cơ quan khác như phổi, hạch, các màng.

Nguyên nhân gây lao cột sống là gì?

Lao cột sống là  bệnh nhiễm khuẩn gây tổn thương đĩa đệm và đốt sống do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Nguyên nhân chính của lao cột sống liên quan chủ yếu đến sự nhiễm khuẩn bởi trực khuẩn lao và các yếu tố liên quan đến người bệnh:

  • Lây truyền qua đường hô hấp: Vi khuẩn lao thường lây truyền qua đường hô hấp khi hít thở không khí chứa vi khuẩn từ môi trường xung quanh, đặc biệt là khi có người mang mầm bệnh tại nơi đông người.
  • Yếu tố môi trường và điều kiện sống: Môi trường có độ ẩm cao, ít ánh sáng và nhiệt độ thấp tạo điều kiện lý tưởng cho sự sống sót và phát triển của trực khuẩn lao.
  • Hệ thống miễn dịch suy giảm: Những người có hệ thống miễn dịch suy giảm, như người nhiễm HIV, người dùng chất kích thích, hoặc người bị các bệnh lý liên quan đến suy giảm miễn dịch, có khả năng cao hơn để nhiễm khuẩn lao và phát triển của bệnh.
Trực khuẩn lao trên tiêu bản nhuộm Ziehl Neelsen - Ảnh: researchgate.net
Trực khuẩn lao trên tiêu bản nhuộm Ziehl Neelsen - Ảnh: researchgate.net

Chẩn đoán lao cột sống như thế nào?

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định lao cột sống dựa vào có một trong ba tiêu chuẩn chính sau:

  • Bằng chứng về vi sinh: AFB hoặc nuôi cấy trực khuẩn lao dương tính trong mủ áp xe cột sống hoặc mảnh tổ chức sinh thiết.
  • Bằng chứng về gen: Genxpert hoặc LPA dương tính trong mủ áp xe cột sống hoặc mảnh sinh thiết.
  • Giải phẫu bệnh: Hình ảnh viêm lao điển hình

Chẩn đoán lâm sàng

Vị trí tổn thương: thường là một đĩa đệm ở giữa hai đốt sống liền kề. Tại vị trí tổn thương người bệnh có triệu chứng đau, hạn chế vận động tại đốt sống tổn thương. Khám có điểm đau chói tại đốt sống, lồi gai sống; biến dạng cột sống. 

Các triệu chứng toàn thân có thể gặp như sốt về chiều, thiếu máu, gầy sút, mệt mỏi, chán ăn, ra mồ hôi trộm,...

Chẩn đoán hình ảnh

Cần chụp X-Quang, cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) đoạn cột sống tổn thương. Có thể phát hiện hình ảnh viêm đĩa đệm đốt sống do lao như hẹp khe liên đốt, hủy xương về hai phía của thân đốt sống (hình ảnh soi gương qua khe đĩa đệm), có thể có hình ảnh áp xe lạnh. 

Siêu âm phát hiện tổn thương khối cơ thắt lưng chậu trong trường hợp viêm hay áp xe cơ thắt lưng chậu.

Đánh giá tổn thương mô mềm, ổ áp xe xâm lấn, chèn ép thần kinh trên MRI - Ảnh: bvcdn.org.vn
Đánh giá tổn thương mô mềm, ổ áp xe xâm lấn, chèn ép thần kinh trên MRI - Ảnh: bvcdn.org.vn

Xét nghiệm

Xét nghiệm máu: tốc độ máu lắng cao, số lượng bạch cầu lympho tăng.

Sinh thiết đốt sống đĩa đệm bị tổn thương dưới CT để lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, soi, nuôi cấy tìm vi khuẩn lao và làm xét nghiệm PCR lao.

Chẩn đoán nguyên nhân

Phát hiện được vi khuẩn lao bằng các phương pháp PCR, nuôi cấy có trong bệnh phẩm lấy tại đốt sống tổn thương. Mô bệnh học có thể phát hiện được tổn thương viêm lao.

Chẩn đoán phân biệt 

Cần phân biệt lao cột sống với các tổn thương khác tại cột sống bao gồm:

  • Viêm đốt sống do vi khuẩn khác 
  • Viêm cột sống dính khớp 
  • Các tổn thương u: Ung thư cột sống, ung thư nơi khác di căn vào cột sống, u máu, u tế bào khổng lồ tủy xương, u lympho, u hạt... 
  • Các dị dạng bẩm sinh của cột sống
  • Các di chứng ở cột sống do chấn thương 
  • Các bệnh khác ở đốt sống: bệnh hẹp đốt sống thoái hóa, viêm khớp mạn tính thiếu niên, bệnh viêm đầu xương đốt sống ở trẻ em…

Điều trị lao cột sống như thế nào?

Hiện nay với sự phát hiện của nền y học hiện đại đã đưa ra phác đồ điều trị lao cột sống theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể với nhiều phương pháp giúp tối ưu hóa việc điều trị cho người bệnh.

Phác đồ điều trị lao cột sống gồm 2 phần: Điều trị nguyên nhân và điều trị những bệnh liên quan đến cột sống:

Điều trị căn nguyên do lao

Phác đồ điều trị bệnh lao cột sống bao gồm việc sử dụng thuốc chống lao, thường được áp dụng theo phương thức uống hoặc tiêm. Sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc, đòi hỏi nghỉ ngơi trên giường cứng trong khoảng 4-5 tuần. Điều này giúp thuốc có thời gian tối ưu để tiêu diệt vi khuẩn lao và hỗ trợ quá trình hồi phục.

Điều trị biến chứng cột sống

Lao có thể dẫn tới mất vững cột sống vì vậy một số trường hợp cần phẫu thuật cố định cột sống

Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc bao gồm: tránh mang vác vật nặng, duy trì chế độ nghỉ ngơi phù hợp, sử dụng thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau, và có thể sử dụng nẹp để cố định trong trường hợp bị gù cột sống mà chưa gặp phải tình trạng yếu và liệt chi.

Bằng cách này, phác đồ điều trị lao cột sống không chỉ tập trung vào việc loại bỏ vi khuẩn lao mà còn đảm bảo sự chăm sóc và phục hồi toàn diện cho cột sống và hệ thống xương khớp.

Lao cột sống để lại những hậu quả nặng nề về thần kinh và cột sống, có thể dẫn đến tình trạng liệt, tàn phế, thậm chí là tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời và chính xác. Những di chứng này ảnh hưởng đến khả năng lao động, sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đặt ra một thách thức nặng nề trong quá trình quản lý và điều trị căn bệnh này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết