Đừng chủ quan với dấu hiệu sụt cân nhanh
Đừng chủ quan với dấu hiệu sụt cân nhanh
Sụt cân nhanh có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư
Sụt cân nhanh có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư - Ảnh: BookingCare

Đừng chủ quan với dấu hiệu sụt cân nhanh

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 02/03/2024
Sụt cân nhanh là tình trạng sụt cân bất thường, xảy ra không do chủ đích của người bệnh. Đừng chủ quan với dấu hiệu sụt cân nhanh bất thường vì có thể là triệu chứng cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Trong trường hợp người thừa cân béo phì, việc giảm cân là điều tốt cho sức khỏe, thế nhưng tình trạng trọng lượng cơ thể giảm nhanh, xảy ra ngay cả khi người đó không có ý định giảm cân lại là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Bài viết dưới đây, BookingCare sẽ chia sẻ thông tin về sụt cân nhanh từ nguyên nhân đến chẩn đoán và điều trị.

Sụt cân nhanh là gì?

Sụt cân nhanh là tình trạng cân nặng sụt giảm đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn. Bình thường cơ thể cũng có thể sụt cân do thay đổi chế độ ăn, do tập luyện hoặc stress, tuy nhiên trường hợp này cân nặng giảm không quá nhiều và thường không nghiêm trọng. Trong bài viết này, các thông tin đề cập đến sự sụt cân nhanh bất thường mà không phải do các vấn đề sụt cân sinh lý.

Sụt cân nhanh bất thường xảy ra khi tình trạng sụt cân không giải thích được, trọng lượng cơ thể giảm đáng kể, xảy ra ngay cả khi người đó không cố gắng giảm cân. Đó là khi cân nặng của bạn sụt khoảng 5 - 10% tổng trọng lượng cơ thể trong thời gian chỉ từ 3 - 6 tháng mà không xảy ra do chế độ ăn uống, tập thể dục.

Sụt cân nhanh bất thường có thể xảy ra ở bất cứ ai. Tuy nhiên, tình trạng này phổ biến và nghiêm trọng hơn ở những người trên 65 tuổi.

Sụt cân nhanh có nguy hiểm không?

Nhiều người thường chủ quan bỏ qua dấu hiệu giảm cân nặng nhanh không có chủ đích, mà không biết rằng đằng sau dấu hiệu sụt cân nhanh có thể là các bệnh lý nguy hiểm bao gồm các khối u ác tính.

Trên thực tế, việc sụt cân do các nguyên nhân, dù là lành tính hay ác tính, cũng gây ra những thay đổi bất thường trong cơ thể. Thiếu năng lượng và ảnh hưởng đến chuyển hóa, mất cân bằng và gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống. 

Nguyên nhân gây sụt cân nhanh bất thường

Tình trạng sụt cân nhanh trên cơ thể khỏe mạnh chưa phát hiện bệnh lý trước đó, cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa và tìm ra nguyên nhân gây tình trạng sụt cân nhanh bất thường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các bệnh lý  ung thư (chiếm 15 – 37%), rối loạn tiêu hóa (10 – 20%) và các rối loạn tâm thần (10 – 23%) là nguyên nhân phổ biến gây sụt cân. Ngoài ra, có khoảng 25% trường hợp sụt cân không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng gây bệnh. Một số nguyên nhân cụ thể bao gồm:

  • Bệnh lý ung thư: đây là nguyên nhân nguy hiểm nhất gây tình trạng sụt cân bất thường
  • Các bệnh lý về hệ thống tiêu hoá: trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, viêm loét đại tràng, hội chứng kém hấp thu ở ruột… 
  • Vấn đề nha khoa
  • Trầm cảm (rối loạn trầm cảm nặng) hoặc rối loạn tâm trạng khác
  • Bệnh đái tháo đường
  • Tăng canxi máu (mức canxi trong máu cao)
  • Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
  • Hạ natri máu (nồng độ natri trong máu thấp)
  • Bệnh thận mạn
  • Các loại thuốc, lạm dụng chất gây nghiện như rượu, amphetamines, cocaine, opioid, thuốc lá,…
  • Bệnh Parkinson
  • Đột quỵ hoặc rối loạn thần kinh trước đó

Các tình trạng ít phổ biến hơn có thể gây sụt cân là:

  • Bệnh Addison (suy thượng thận)
  • Rối loạn sử dụng rượu
  • Bệnh amyloidosis (tích tụ các protein bất thường trong các cơ quan)
  • Bệnh celiac
  • COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính)
  • Bệnh Crohn
  • Nghiện ma túy (rối loạn sử dụng chất gây nghiện)
  • Suy tim
  • HIV/AIDS
  • Lạm dụng thuốc theo toa
  • Bệnh lao
  • Các bệnh nhiễm ký sinh trùng: giun sán... nhóm bệnh này hay gây ra tình trạng sụt cân, chậm lớn chủ yếu trên đối tượng trẻ em.
Sụt cân nhanh gây ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh: Freepik

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Thông thường sụt cân nhanh không gây ra điều gì nghiêm trọng, tuy nhiên người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi sụt cân nhanh:  

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt.
  • Giảm 5-15% trọng lượng cơ thể trong thời gian ngắn.
  • Có các biểu hiện bất thường khác kèm theo.
  • Giảm cân nhanh trên đối tượng người cao tuổi, có các bệnh lý nền.

Quá trình chẩn đoán sụt cân nhanh nên được cụ thể hoá trên từng người bệnh. Trước tiên cần chẩn đoán chính xác có tình trạng sụt cân nhanh thật sự. Dựa vào quá trình bệnh lý và các triệu chứng mà người bệnh có, các bác sĩ sẽ định hướng nguyên nhân gây bệnh.

  • Trong trường hợp sụt cân <5% cân nặng bình thường có thể được theo dõi, khoảng cách theo dõi có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và bệnh lý đi kèm của người bệnh. 
  • Trường hợp sụt cân ≥5% cân nặng bình thường và có các bất thường khi hỏi tiền sử bệnh hoặc thăm khám cần được chỉ định cận lâm sàng để xác định chẩn đoán nghi ngờ.

Bên cạnh thăm khám và hỏi bệnh các bác sĩ có thể cho làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp X-Q, nội soi tiêu hoá … phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.

Phương pháp điều trị sụt cân nhanh

Tình trạng sụt cân nhanh không nên chủ quan bỏ qua, quá trình điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mỗi nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị hoàn toàn khác nhau. Vì thế người bệnh cần đến thăm khám trực tiếp với các bác sĩ để được điều trị.

Điều trị sụt cân nhân là điều trị nguyên nhân, nhằm cải thiện triệu chứng, kiểm soát biến chứng và kết hợp chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt. Người bệnh cũng có thể được giới thiệu đến một chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng.

  • Nguyên nhân do các vấn đề tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm người bệnh cần được điều trị bởi bác sĩ tâm thần, kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và các thuốc.
  • Sụt cân do rối loạn tiêu hóa như mắc bệnh viêm ruột điều trị bao gồm sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị chế độ ăn kiêng được cung cấp qua ống dinh dưỡng hoặc các dưỡng chất sẽ được tiêm vào tĩnh mạch giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Sụt cân do rối loạn nội tiết như bệnh cường giáp, đái tháo đường,… bác sĩ kê toa thuốc, khi các bệnh lý ổn định cân nặng có thể tăng trở lại.
  • Chẩn đoán sụt cân do mắc bệnh ung thư, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh, vị trí tế bào ung thư, tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị hay điều trị chăm sóc giảm nhẹ.

Có nhiều người không nhận ra tình trạng sụt cân cho đến khi cân nặng sụt giảm quá nhiều khiến cơ thể có thêm các triệu chứng bất thường khác. Người bệnh thường lo lắng, đến khám bởi các triệu chứng bất thường này mà không phải vì sụt cân. Điều này khiến bỏ qua thời gian điều trị hiệu quả. Ngay khi có dấu hiệu sụt cân nhanh không thể giải thích, người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết