Chăm sóc bệnh nhân ung thư đặc biệt là bệnh nhân ung thư tụy cần có kế hoạch và chế độ chăm sóc cụ thể vì thể chất lẫn tinh thần họ không giống người khỏe mạnh, dễ nhạy cảm, buồn rầu có khi dẫn đến trầm cảm khi biết tình trạng bệnh của mình.
Vì vậy việc chăm sóc bệnh nhân cần hết sức lưu ý, không để cho bệnh nhân mặc cảm và tổn thương. Cùng BookingCare tìm hiểu những phương pháp chăm sóc trong bài viết dưới đây.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
Người bệnh ung thư tụy nên cố gắng uống đủ mỗi ngày từ 2 – 2,5 lít nước. Đặc biệt, nên chú ý bổ sung thêm các đồ uống giàu dinh dưỡng và chứa nhiều calo. Đồng thời nên hạn chế các thức uống có cồn hay các chất kích thích.
Bệnh nhân ung thư thường xuyên trải qua sự mất nước do nôn mửa, tiêu chảy, hoặc mệt mỏi. Việc uống nhiều nước giúp duy trì sự cân bằng nước cần thiết cho cơ thể.Nước là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi sau khi thực hiện các phương pháp điều trị như phẫu thuật hoặc hóa trị liệu.
Bệnh nhân ung thư thường trải qua tình trạng mệt mỏi và việc ăn nhiều bữa nhỏ thay vì một bữa lớn có thể giúp giảm áp lực trên hệ tiêu hóa và duy trì năng lượng cần thiết.
Đồng thời, chia nhỏ khẩu phần ăn như vậy sẽ giúp cho việc hấp thụ thức ăn được tốt hơn từ đó đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể.
Bệnh nhân ung thư tụy thường trải qua cảm giác nôn do tác động của hóa trị liệu hoặc do tình trạng sức khỏe tổng thể. Việc ăn ít mà thường xuyên có thể giúp giảm cảm giác nôn hơn so với việc ăn một khẩu phần lớn mỗi lần.
Theo đó, bệnh nhân nên chia nhỏ thành 5 – 6 bữa trong ngày và khoảng cách giữa các bữa ăn là khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ.
Protein là một yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi và xây dựng cơ. Bệnh nhân ung thư tụy thường trải qua mất cân và suy giảm cơ và việc tăng cường protein có thể giúp duy trì hoặc tăng cường khối lượng cơ.
Protein cũng đóng vai trò trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và tăng cường sức khỏe tổng thể. Vì vậy, trong khẩu phần ăn hàng ngày của bệnh nhân ung thư tuyến tụy nên tăng cường các thực phẩm giàu protein như trứng, sữa ít béo, thịt nạc, các loại đậu,…
Khi bị ung thư tuyến tụy thì chức năng sản xuất hormone insulin và glucagon của tuyến tụy bị ảnh hưởng dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn chứa nhiều đường sẽ không được đảm bảo.
Mặt khác, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện có thể tăng nguy cơ tăng mỡ máu, một yếu tố rủi ro cho sức khỏe tim mạch. Điều này có thể làm tăng tình trạng rủi ro cho bệnh nhân ung thư tụy.
Do đó, bệnh nhân nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện cũng như đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, đồ tráng miệng,…
Chăm sóc cho bệnh nhân ung thư tụy về mặt thể chất cần chú ý một số điều sau:
Ở giai đoạn cuối của bệnh, người bệnh thường điều chỉ định điều trị ung thư tụy bằng hóa trị. Phương pháp điều trị này có thể giúp thu nhỏ và kiểm soát khối u trong một thời gian. Và tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị hóa trị bằng cách dùng đường uống hay đường tiêm truyền tĩnh mạch.
Việc chăm sóc cho bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối thì cần phải đảm bảo người bệnh thực hiện hóa trị liệu đúng giờ cũng như tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Người nhà bệnh nhân cần báo ngay với bác sĩ nếu phát hiện ra bất cứ tác dụng phụ nào đặc biệt khi nghi ngờ xảy ra nhiễm trùng. Từ đó, các bác sĩ sẽ có phương án xử lý kịp thời cũng như cân nhắc điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh ung thư tụy có thể sẽ phải chịu những cơn đau đớn dữ dội khi khối u chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh. Khi đó, liệu pháp xạ trị hay hóa trị vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị vừa giúp kiểm soát khối u và góp phần giảm đau hiệu quả.
Sức khỏe của người bệnh ung thư tụy giai đoạn cuối sẽ bị giảm sút đi nhiều. Vì vậy trong các hoạt động hàng ngày, bệnh nhân có thể không thể tự làm được mà cần có người giúp đỡ như tắm rửa, đi vệ sinh, ăn uống, chải đầu…
Giảm thiếu những yếu tố nguy cơ gây ung thư tụy: khói thuốc lá, tiêu thụ thức ăn nhiều chất béo,…Đây là các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát, vì vậy cần tránh những yếu tố này tác động làm tình trạng bệnh xấu đi.
Ngoài ra, người nhà của bệnh nhân cũng nên thường xuyên thay đổi vị trí nằm để người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Đồng thời cần phải hỗ trợ người bệnh di chuyển nhẹ nhàng trong phòng để nhằm hạn chế sự mệt mỏi cũng như tình trạng loét tỳ đè.
Chăm sóc tinh thần là một phần quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân ung thư tụy. Bất cứ ai khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy giai đoạn cuối chắc hẳn đều hết cảm thấy sợ hãi, lo lắng đồng thời tinh thần sẽ bị suy sụp nghiêm trọng. Do đó, nguy cơ mắc trầm cảm ở người bệnh càng cao hơn.
Bệnh nhân ung thư tụy thường phải đối mặt với nhiều áp lực và stress từ chẩn đoán, điều trị, và các thay đổi trong cuộc sống hàng ngày. Hỗ trợ tinh thần có thể giúp họ quản lý stress hiệu quả hơn.
Chăm sóc tinh thần không chỉ giúp giảm cảm giác khó chịu và lo lắng mà còn có thể tăng cường chất lượng cuộc sống bằng cách giúp bệnh nhân tận hưởng những khoảnh khắc tích cực và tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày.
Chính vì vậy, người nhà bệnh nhân cần luôn ở bên cạnh để động viên tinh thần cho người bệnh. Người nhà nên chia sẻ cho bệnh nhân các điều tích cực để người bệnh cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn.
Có như vậy, người bệnh mới có tinh thần cũng như tâm lý tốt để có thể chiến đấu với căn bệnh ung thư. Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có thể chỉ định cho người bệnh thuốc chống trầm cảm.
Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy cần có một kế hoạch rõ ràng và cụ thể để nâng cao tình trạng sức khỏe cho người bệnh, bớt đau đớn, lạc quan hơn và tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Hy vọng những lưu ý vừa rồi giúp những người chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy lập được kế hoạch chăm sóc hiệu quả và phù hợp cho người bệnh.