Ung thư tụy: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 11/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Ung thư tụy: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh
Ung thư tụy: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh - Ảnh: BookingCare
Ung thư tụy là bệnh lý ác tính đe dọa mạng sống của người bệnh. Tỷ lệ mắc ở hai giới nam và nữ ngay nhau và thường gặp sau độ tuổi 45.

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ hóa ung thư tụy đang có xu hướng gia tăng làm giảm chất lượng cuộc sống thậm chí nguy hiểm tính mạng người bệnh. 

Để phát hiện sớm cùng tìm hiểu các thông tin xoay quanh bệnh ung thư tụy cũng như cách điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Ung thư tụy là gì?

Tuyến tụy (dân gian còn gọi là lá mía) dài khoảng 15cm, rộng khoảng 3,5cm giống như trái chuối dẹp, nằm vắt ngang từ đầu ruột non đến lá lách, núp sau dạ dày, nằm sâu trong bụng. 

Tụy vừa là tuyến nội tiết vừa là tuyến ngoại tiết. Tụy nội tiết điều hòa lượng đường trong máu (đường huyết) bằng các hormon như glucagon và insulin. Tụy ngoại tiết chế tạo các enzym đỏ vào tá tràng làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn như: Amylase, lipase, các protease,...

Ung thư được xếp theo tụy ngoại tiết và tụy nội tiết. Ung thư mọc từ tụy ngoại tiết có loại thường gặp nhất gọi là ung thư tuyến (carcinoma tuyến) chiếm đến 95%. Ung thư mọc từ tụy nội tiết gọi là các bướu thần kinh nội tiết.

Các khối u cũng có thể hình thành trong tuyến tụy nội tiết, nhưng đây là những trường hợp không phổ biến và thường lành tính (không phải ung thư).

Triệu chứng thường gặp khi mắc ung thư tụy là gì?

Ung thư tuyến tụy là căn bệnh thầm lặng bởi nó tấn công và phát triển rất lặng lẽ, đa phần người bệnh không phát hiện sớm vì dấu hiệu ung thư tụy giai đoạn đầu thường không rõ rệt. 

Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường thì bệnh đã tới giai đoạn muộn. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng như: 

  • Đau bụng và lưng dưới
  • Vàng da và vàng mắt 
  • Ngứa da lòng bàn tay, bàn chân 
  • Thường xuyên buồn nôn và nôn
  • Túi mật phình to 
  • Phân lỏng, có mùi 
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu 
  • Sụt giảm cân đột ngột. Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, trầm cảm. 

….

Tuy nhiên những dấu hiệu trên thường không đặc hiệu đối với với bệnh lý ung thư tụy nên người bệnh thường chủ quan. Thường khi bệnh diễn tiến tới giai đoạn nặng mới phát hiện ra gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Ung thư tụy có nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân gây ung thư tụy hiện nay chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra một số yếu tố nguy cơ có mối liên hệ với bệnh lý ác tính này như:

  • Tuổi: Người già hơn thường có nguy cơ cao hơn so với những người trẻ.
  • Hút thuốc lá: Sự phơi nhiễm với nicotine trong khói thuốc lá có mối liên hệ với nhiều loại ung thư bao gồm cả ung thư tụy. Người không hút thuốc lá nhưng tiếp xúc với khói thuốc lá môi trường cũng có rủi ro tăng cao.
  • Người có bệnh nền: Các bệnh lý khác như viêm đường ruột, viêm nội tạng, béo phì và tiểu đường có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tụy.
  • Tiền sử gia đình và yếu tố di truyền ( chửa trứng, u sắc tố da, ung thư buồng trứng, ung thư vú, đa u tuyến gia đình): Có yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy, đặc biệt là nếu có người trong gia đình đã từng mắc bệnh này.
  • Tiêu thụ thức ăn chứa nhiều chất béo: Chế độ ăn giàu chất béo, đặc biệt là chất béo có nguồn gốc từ động vật, có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy.
  • Tiếp xúc với hóa chất kim loại nặng và môi trường độc hại: Các nguyên tố như niken và crom có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy. Các chất ô nhiễm môi trường, như benzen và polychlorinated biphenyls (PCBs), cũng có thể đóng vai trò trong việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy.
  • Các bệnh lý về tụy: Viêm tụy là một trong những bệnh lý phổ biến về tụy. Nó có thể gây ra sưng và tổn thương cho tụy. Các trạng thái viêm nhiễm kéo dài có thể tăng nguy cơ biến đổi các tế bào tụy thành tế bào ung thư.

Chẩn đoán ung thư tụy như thế nào?

Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tụy: 

  • Khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh: Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư tuyến tụy, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác. 
  • Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư: CA 19-9 (Xét nghiệm chỉ được dùng để theo dõi, không dùng để sàng lọc), Phosphatase kiềm, Bilirubin,...
  • Siêu âm bụng: Giúp quan sát hình ảnh, kích thước và vị trí khối u tuyến tụy.
Ung thư tụy trên hình ảnh MRI - Ảnh: BV ung bướu Nghệ An
Ung thư tụy trên hình ảnh MRI - Ảnh: BV ung bướu Nghệ An
  • Chụp CT/ MRI: Có thể phát hiện khối u tuyến tụy, vị trí, tình trạng di căn của bệnh sang các vị trí khác trong cơ thể.
  • Sinh thiết tụy: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư tụy.

Ung thư tụy có điều trị được không?

Hiện nay, Bộ y tế đã đưa ra phác đồ điều trị ung thư tụy tương ứng với từng giai đoạn và loại ung thư tụy. Vì vậy tùy thuộc vào tình trạng người bệnh và giai đoạn của bệnh sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp như điều trị riêng lẻ từng phương pháp hay điều trị kết hợp như: Phẫu-xạ-hóa trị liệu.

Tuy nhiên đa số bệnh nhân khi được phát hiện bệnh thì đã tiến triển đến giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị. 

Vì vậy trong điều trị bệnh lý này thì điều trị triệu chứng là chủ yếu kết hợp với chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy  nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong ung thư tụy, chăm sóc giảm nhẹ bao gồm điều trị đau, điều trị tâm lý, xử trí tình trạng nặng khác.

Phòng ngừa ung thư tụy như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, hiện nay ung thư tụy chưa được xác định rõ vì vậy chưa có cách phòng ngừa đặc hiệu đối với bệnh lý ác tính này. Tuy nhiên ta có thể thực hiện kiểm soát các yếu tố nguy cơ để giảm thiểu tỷ lệ bệnh như:

  • Không hút thuốc lá: Việc giảm thiểu sự ảnh hưởng của nicotine trong khói thuốc lá được có thể giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư tụy. Việc ngừng hút thuốc là một bước quan trọng trong việc giảm nguy cơ này.
  • Thực hiện điều trị khi có viêm tụy hay đau tụy: Nếu bạn có các triệu chứng của viêm tụy hoặc đau tụy, hãy liên hệ bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời tránh để bệnh diễn tiến nặng.
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại: Việc tránh làm việc trong môi trường có chứa các chất độc hại hoặc sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động khi buộc phải tiếp xúc với hóa chất… cũng là cách phòng ngừa ung thư tuyến tụy hiệu quả.
  • Đảm bảo chế độ ăn cân đối 
    • Một chế độ ăn uống cân đối với nhiều loại rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh có thể giúp duy trì sức khỏe cho bản thân nói chung và tránh gây áp lực cho tụy nói riêng. 
    • Bên cạnh đó việc kiểm soát cân nặng đúng đóng vai trò quan trọng. Duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống cân đối và hoạt động thể chất đều đặn có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tụy.
    • Việc giảm lượng rượu uống hoặc kiểm soát việc tiêu thụ rượu có thể giảm nguy cơ mắc ung thư tụy.
  • Kiểm tra y tế định kỳ 
    • Thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ và thăm bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe tụy và nhận sự hỗ trợ và tư vấn khi cần thiết. 
    • Nếu bạn có yếu tố nguy cơ cao, như gia đình có người mắc ung thư tụy thì không được chủ quan. hãy thực hiện các phương pháp sàng lọc sớm để không bỏ qua thời điểm vàng trong điều trị bệnh.

Ung thư tụy vẫn là một vấn đề lớn được đặt ra với nền y học nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung. Hãy chú ý tới sức khỏe của mình khi có những dấu hiệu bất thường cần tới ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời. Điều trị ung thư tụy trong giai đoạn càng sớm thì hiệu quả càng cao.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết