Đứt dây chằng chéo trước khớp gối: Dấu hiệu, có tự lành không và cách điều trị
Đứt dây chằng chéo trước khớp gối: Dấu hiệu, có tự lành không và cách điều trị
Đứt dây chằng chéo trước khớp gối
Tìm hiểu về đứt dây chằng chéo trước khớp gối - Ảnh: BookingCare

Đứt dây chằng chéo trước khớp gối: Dấu hiệu, có tự lành không và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Khớp gối là một trong những khớp lớn và đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong sinh hoạt, lao động và thể thao nên thường gặp nhiều chấn thương, trong đó đứt dây chằng chéo trước khớp gối là tổn thương hay gặp nhất.

Đứt dây chằng chéo trước khớp gối là một trong những chấn thương đầu gối phổ biến nhất. Đứt dây chằng chéo trước thường xảy ra ở những vận động viên, người chơi các bộ môn thể thao có chuyển động dừng đột ngột hoặc chuyển hướng nhanh chóng, nhảy và tiếp đất - chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ,... Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, việc điều trị có thể khác nhau. 

Tìm hiểu các thông tin về dấu hiệu đứt dây chằng chéo trước khớp gối và cách điều trị, thời gian hồi phục trong nội dung dưới đây. 

Tìm hiểu về dây chằng chéo trước đầu gối

Khớp gối có 4 hệ thống dây chằng chính là: dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên ngoài và dây chằng bên trong.

Trong đó, các dây chằng chéo bắt chéo nhau tạo thành một chữ "X" với dây chằng chéo trước ở phía trước và dây chằng chéo sau ở phía sau. Các hệ thống dây chằng này phối hợp với nhau và kiểm soát vận động trượt lên nhau và xoay lắc giữa xương đùi, xương cẳng chân và xương bánh chè của khớp gối.

Dây chằng chéo trước kết nối xương đùi với xương cẳng chân (xương chày), ngăn xương chày trượt ra phía trước xương đùi, cũng như giúp khớp gối ổn định khi xương chày xoay so với xương đùi.

Vận động của khớp gối khá phức tạp và đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng nên thường gặp nhiều chấn thương, trong đó đứt dây chằng chéo trước khớp gối là tổn thương hay gặp nhất.

Dấu hiệu đứt dây chằng chéo trước khớp gối

  • Nghe thấy tiếng "rắc" ở vị trí tổn thương ngay khi bị chấn thương
  • Đau và sưng, trong vòng 24 giờ, đầu gối sẽ đau và sưng.
  • Sau một thời gian nghỉ ngơi có thể hết đau, sưng tự đi lại bình thường, tuy nhiên người bệnh đứt dây chằng chéo trước khớp có hiện tượng lỏng khớp (mất độ vững khớp gối), cảm giác chân yếu, đau khi đi, dễ té ngã mà không có va chạm.
  • Khi có kèm theo rách sụn chêm hoặc cứng khớp gối do bất động sai cách có thể khiến khớp gối mất hoặc giảm biên độ vận động, không thoải mái khi đi lại.

Đứt dây chằng chéo trước khớp gối có tự lành không?

Dây chằng chéo bị tổn thương không thể tự lành nhưng người bệnh có thể sống chung với nó, đặc biệt là trong trường hợp đứt bán phần mức độ thấp dây chằng.

Nhưng nếu bạn là một vận động viên, người chơi thể thao muốn quay trở lại hoạt động thể chất có thể cần phẫu thuật điều trị tổn thương đứt dây chằng.

Điều trị đứt dây chằng chéo trước khớp gối

Các phương pháp điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ đứt dây chằng và các tổn thương khác bên trong đầu gối (nếu có):

  • Đứt bán phần dây chằng: Thực hiện theo phương pháp RICE giai đoạn đầu và điều trị bảo tồn khi chức năng khớp gối vẫn đảm bảo.
  • Đứt hoàn toàn dây chằng: Điều trị phẫu thuật

Phương pháp RICE sơ cứu chấn thương thể thao

Thực hiện theo phương pháp RICE ngay khi nhận thấy cơn đau hoặc các triệu chứng khác:

  • R - Rest: Nghỉ ngơi, dừng chơi thể thao hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào có thể gây thêm căng thẳng cho đầu gối. Đi kèm với đó cần đeo nẹp duỗi gối sẽ giúp tổn thương của dây chằng và khớp hồi phục nhanh hơn.
  • I - Ice: Chườm đá: Chườm đá lạnh hoặc túi nước đá bọc trong một chiếc khăn mỏng lên đầu gối trong 15 - 20 phút mỗi lần, vài lần một ngày.
  • C - Compression: Băng ép: Dùng băng vải hoặc băng thun để cố định vùng đầu gối chấn thương.
  • E - Elevation: Kê cao vị trí chấn thương: Kê cao chân ở tư thế nằm, nhất là vào ban đêm. Nên kê vào gót chân, hạn chế tối đa kê vào sau khớp gối vì có thể khiến khớp bị co rút ở tư thế xấu, gây khó khăn cho việc tập phục hồi chức năng ở giai đoạn sau.

Điều trị bảo tồn

  • Thuốc giảm đau không kê đơn như NSAID (thuốc chống viêm không steroid) hoặc acetaminophen.
  • Tập vật lý trị liệu tăng sức mạnh cơ tứ đầu đùi.
  • Tập phục hồi chức năng.

Điều trị ngoại khoa - phẫu thuật

Trong một số trường hợp người bệnh có thể cần thiết thực hiện phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước. Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là sau 3 tuần kể từ khi bị chấn thương.

Nếu thăm khám và thực hiện việc điều trị, hầu hết những người bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối đều hồi phục hoàn toàn và tiếp tục chơi thể thao mà không để lại ảnh hưởng lâu dài. Thời gian phục hồi thường là 6 - 9 tháng.

Các vận động viên có thể cần nhiều thời gian hơn để hồi phục hoàn toàn trước khi trở lại tập luyện, thi đấu. Lưu ý quan trọng, phục hồi chức năng sau phẫu thuật là cách tốt nhất để giúp dây chằng liền tốt cũng như khôi phục sức mạnh và sự linh hoạt của khớp gối.

Cấu trúc cũng như vận động của khớp gối tương đối phức tạp, gồm xương, dây chằng, gân và các mô khác hoạt động cùng nhau. Điều quan trọng là phải chẩn đoán nhanh chóng và chính xác để xác định mức độ nghiêm trọng của chấn thương và điều trị thích hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết