Giải đáp: Cúm A có lây không
Cúm A dễ lây lan và trở thành dịch
Cúm A dễ lây lan và trở thành dịch - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Cúm A có lây không

Tác giả: - Xuất bản: 13/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng của vi rút cúm A như H1N1, H5N1, H3N2, H7N9. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết giao mùa. Với đặc điểm khí hậu ở nước ta, cúm A rất dễ gây bệnh và trở thành đợt dịch trong cộng đồng. Bài viết dưới đây giải thích cách thức lây truyền của cúm A trong cộng đồng, từ đó giúp mọi người có cách thức phòng tránh lây nhiễm cúm A hiệu quả.

Bệnh cúm A có các triệu chứng giống cảm cúm thông thường nên rất dễ chủ quan và bỏ qua. Các triệu chứng phổ biến của cúm A bao gồm sốt, đau mỏi cơ, đau đầu, mệt mỏi, ngạt mũi,ho. Bất kỳ ai đều có thể mắc cúm, đặc biệt trẻ nhỏ,người già và người suy giảm miễn dịch nguy cơ mắc sẽ cao hơn và bệnh có thể nghiêm trọng hơn. Cúm được coi là một bệnh cộng đồng vì tính lây truyền. Cùng BookingCare giải đáp cúm A có lây không dưới đây.

Cúm A có lây không?

Cúm A là bệnh có khả năng lây nhiễm cao, dễ tạo thành các ổ dịch trong cộng đồng.

Đặc điểm của vi rút cúm A là tốc độ lây lan nhanh, dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Vi rút cúm A có đặc điểm tồn tại và sống sót tại nhiều môi trường khác nhau, trong không khí, bề mặt các dụng cụ, quần áo và đồ dùng cá nhân trong thời gian tương đối dài.

Thời gian một người mắc cúm có thể lây sang người khác thường là thời điểm 1 ngày trước khi có triệu chứng và kéo dài 5-7 ngày sau đó. Một người bị nhiễm cúm A có thể dễ dàng lây cho 1 hoặc 2 người khác. 

Thời gian một người mắc cúm có thể lây sang người khác thường là thời điểm 1 ngày trước khi có triệu chứng và kéo dài 5-7 ngày sau đó.

Vi rút cúm A H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào vùng có virus sau đó cho tay lên mắt mũi miệng.

Con đường lây nhiễm cúm A là gì?

Những nơi tập trung đông đúc sẽ là khu vực có tốc độ lây nhiễm cao, như trường học, nhà trẻ, chợ, trung tâm thương mại, bệnh viện…Bệnh cúm A có thể lây nhiễm thông qua các con đường sau:

  • Đường hô hấp: khi người bệnh mắc cúm, virus có trong dịch tiết mũi họng của họ và có thể lây cho người khác bằng giọt bắn khi nói chuyện hắt hơi,… mà không có sự che chắn mũi miệng, khiến cho những người gần đó tiếp xúc dịch bắn và nhiễm bệnh. Đây còn gọi là phương thức lây qua giọt bắn.
  • Đường tiếp xúc: do virus tồn tại lâu trên bề mặt dụng cụ vì thế khi dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, quần áo, bàn chải, cốc, bát, đũa, cũng có nguy cơ lây cúm. Khi người bệnh ho, hắt hơi, vô tình làm phát tán ra không khí và các vật xung quanh. Nếu chạm phải và  sau đó cho tay lên mắt mũi miệng thì nguy cơ virus sẽ tấn công và gây bệnh. Con đường lây lan này rất phổ biến đối với trẻ nhỏ đang đi học khi các bé thường xuyên dùng chung đồ chơi với nhau.

Bệnh cúm là bệnh phổ biến tại Việt Nam, hằng năm đều có những cảnh báo từ các chuyên gia y tế về tính lây lan và mức độ nguy hiểm của bệnh. Bệnh cúm dễ dàng lây lan và tạo thành dịch trong cộng đồng, cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh dịch là nâng cao ý thức người dân, tự có ý thức bảo vệ và phòng tránh lây lan.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết