Giải đáp: Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không
Giải đáp: Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không
Đi bộ nuôi dưỡng khớp gối
Đi bộ giúp tăng cường nuôi dưỡng khớp gối - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 14/06/2024 | Cập nhật lần cuối: 16/06/2024
Đi bộ là môn thể thao phù hợp với nhiều người, đơn giản, dễ thực hiện và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhiều người thắc mắc rằng thoái hoá khớp gối có nên đi bộ không, cùng BookingCare giải đáp dưới đây.

Thoái hoá khớp gối là bệnh cơ xương khớp phổ biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Các cơn đau nhức gây ra bởi thoái hoá khớp gối có xu hướng trở nặng khi vận động. Điều này khiến cho nhiều người bị thoái hóa khớp gối lo ngại và né tránh tập thể dục trong đó có đi bộ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đi bộ cũng gây hại cho khớp gối. Vận động phù hợp và đúng cách có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.

Người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp - bộ phận bao bọc tận cùng đầu xương ở các khớp có chức năng bảo vệ và giảm ma sát trong khớp bị bào mòn, phá vỡ cấu trúc, tạo áp lực lên các khớp, khiến các xương có thể cọ xát trực tiếp với nhau. 

Khi thoái hóa khớp, tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và dịch khớp. 

Khớp gối là một trong những khớp lớn của cơ thể, thực hiện nhiều chức năng trong việc nâng đỡ cơ thể, điều khiển các cử động đi, đứng, gập, duỗi,... Do đó, đây là một khớp thường xuyên gặp tổn thương và thoái hóa nhanh hơn so với các vị trí khác.

Người bệnh bị thoái hóa khớp gối sẽ gặp khó khăn trong đi lại, hoạt động, có triệu chứng điển hình nhất là đau kiểu cơ học, nghĩa là đau khi đứng lên ngồi xuống, khi leo cầu thang,...

Đau trong thoái hóa khớp là đau kiểu cơ học, đau tăng khi vận động nhiều. Vì vậy người bị đau khớp gối thường đặt câu hỏi có nên đi bộ hay không? Câu trả lời là đi bộ đúng cách không làm nặng thêm tình trạng khớp gối và với người bị thoái hoá khớp gối vẫn có thể đi bộ với cường độ và tần suất vừa phải.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia y tế, việc tránh vận động hoàn toàn có thể khiến khớp gối mất dần độ linh hoạt, lưu thông máu kém hiệu quả và làm co cứng nhiều bộ phận khác như cơ, gân, dây chằng. Điều này không những làm tăng cảm giác đau nhức mà còn làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

Sụn khớp gối là một trong số rất ít các mô không được dinh dưỡng bởi máu của cơ thể. Tế bào sụn khớp được nuôi dưỡng bằng chính dịch khớp được tiết ra từ màng bao khớp.

Khi chúng ta vận động, dịch khớp được lớp sụn hút vào hay đẩy ra khỏi chất sụn, giúp nuôi dưỡng sụn và các thành phần của khớp gối. Do đó duy trì thói quen đi bộ có thể coi là một trong những phương pháp hữu ích đối với người bị thoái hoá khớp gối.

Những lợi ích của thói quen đi bộ

Đối với những người thoái hoá khớp gối, đi bộ vẫn đem lại những lợi ích hiệu quả như:

  • Đi bộ giúp tăng cường dịch khớp, tăng cường nuôi dưỡng và bảo vệ khớp gối.
  • Giảm ma sát giúp giảm quá trình thoái hoá.
  • Duy trì chức năng và vận động linh hoạt cho khớp gối.
  • Tăng cường cơ bắp. Bất kỳ cơ bắp nào trên cơ thể bạn đều trở nên khỏe hơn khi sử dụng nhiều lần.
  • Đi bộ là một hình thức tập tim mạch giúp tim đập mạnh và đó là một cách tuyệt vời để củng cố tất cả các bộ phận ở phần dưới cơ thể.
  • Hỗ trợ cân nặng khỏe mạnh. Duy trì cân nặng là vô cùng quan trọng khi bạn cần kiểm soát bệnh thoái hoá khớp. 
  • Bên cạnh những lợi ích sức khỏe trên, thói quen đi bộ còn giúp bệnh nhân có khớp gối bị thoái hóa:
    • Tốt cho giấc ngủ
    • Giảm căng thẳng và lo âu
    • Tăng cường lưu thông máu
    • Cải thiện khả năng giữ thăng bằng
    • Hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng tim mạch liên quan đến thoái hóa khớp

Không chỉ mang lại lợi ích cho khớp gối, đi bộ còn là bài tập “vàng” mang lại nhiều hữu ích cho sức khỏe. Đối với những người bị thoái hoá khớp gối, các chuyên gia vẫn khuyên rằng họ nên vận động nhẹ nhàng thay vì ngồi yên một chỗ.

Lưu ý cách đi bộ cho người thoái hoá khớp gối

Đi bộ mang lại nhiều lợi ích, thế nhưng không phải ai cũng biết cách đi bộ an toàn cho người thoái hoá khớp gối. Một số lưu ý về cách đi bộ cho người thoái hoá khớp gối:

  • Khởi động trước khi bắt đầu đi bộ: nên thực hiện một số động tác khởi động, chẳng hạn như vung chân về phía trước và phía sau hoặc vòng xương chậu, để giúp thả lỏng chân tay và lưu thông máu.
  • Lựa chọn tuyến đường đi bộ an toàn: lựa chọn tuyến đường phù hợp với bạn. Nếu bề mặt thông thường mà bạn đi bộ thực sự khiến đầu gối của bạn đau nhức, bạn có thể cân nhắc tìm một tuyến đường mới.
  • Lựa chọn giày với trang phục thích hợp: người bệnh nên lựa chọn một đôi giày và trang phục thoải mái, thoáng mát dễ vận động.
  • Chọn thời điểm đi bộ: thông thường thời gian buổi sáng sáng và cuối giờ chiều là thời điểm thích hợp cho tập luyện thể dục thể thao ngoài trời.
  • Thời gian và tần suất đi bộ phù hợp: thời gian đi bộ tuỳ thuộc vào thể trạng của từng người, hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Khi bạn đi mà cảm thấy gối không còn nhẹ nhàng, không còn thấy thoải mái, đôi khi bạn cảm thấy mỏi và đau gối thì có nghĩa là đầu gối của bạn đã bị quá tải và cần được nghỉ ngơi. Thông thường, người có khớp gối bị thoái hóa nên đi bộ khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày. 

Thoái hoá khớp gối có nên đi bộ không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Đi bộ mang lại nhiều lợi ích cho khớp gối và sức khoẻ nếu được thực hiện an toàn. Ngay khi quyết định đi bộ hay tham khảo ý kiến từ bác sĩ của bạn để được hướng dẫn giúp mang lại hiệu quả. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết