Giải đáp Y học: Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không? - Ảnh: BookingCare

Giải đáp Y học: Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Tác giả: - Xuất bản: 21/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Cùng tham khảo ý kiến của chuyên gia về các vấn đề xoay quanh câu hỏi: Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày thực quản là căn bệnh về tiêu hóa phổ biến. Bệnh xuất hiện khi cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả khiến cho dịch bên trong dạ dày bị đẩy ngược lên vào thực quản gây nóng, đau hoặc bỏng rát. 

Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Để trả lời câu hỏi trào ngược dạ dày có nguy hiểm không thì theo các chuyên gia đây là bệnh mạn tính không quá nguy hiểm, hoàn toàn có thể chữa khỏi được.

Nếu trào ngược dạ dày thực quản được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn đầu – khi bệnh chưa gây ra các biến chứng, thì người bệnh có thể không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, mắc bệnh quá lâu mà không được chẩn đoán trào ngược dạ dày hoặc điều trị phù hợp, bệnh có thể dẫn đến nhiều dạng bệnh lý khác khó điều trị và tốn kém hơn rất nhiều như viêm loét, Barrett thực quản, chít hẹp thực quản, thậm chí là ung thư.

Kể cả khi đã điều trị khỏi bệnh, bạn đọc vẫn cần tuân theo chế độ ăn uống, sinh hoạt cùng các phương án điều trị dự phòng hợp lý bởi 68% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản bị tái phát trong vòng  1 năm.

Biến chứng của trào ngược dạ dày

Dưới đây là những biến chứng có thể xuất hiện ở bệnh trào ngược dạ dày:

1. Viêm loét, chảy máu thực quản

Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm loét. Vết loét có thể gây ra đau và có thể gây chảy máu.

Viêm loét, chảy máu thực quản có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng như: khó nuốt, nuốt đau, đau ngực. Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.

2. Hẹp thực quản

Xơ hóa thực quản do viêm sẽ làm co rút thực quản, hẹp thực quản. Theo số liệu thống kê của Thư viện Y Khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2021, 70-80% các trường hợp hẹp thực quản ở người lớn có nguyên nhân lành tính bắt nguồn từ bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

3. Các vấn đề đường hô hấp

Khi các thành phẩm trong dạ dày trào ngược lên thực quản vào đường hô hấp gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, ho kéo dài dẫn đến hen mãn tính và các bệnh lý đường hô hấp khác. Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường.

Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp…

4. Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản)

Đây là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày.

Chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thành Barrett thực quản.

5. Ung thư thực quản

Trào ngược dạ dày dẫn đến Barrett thực quản và gây ra ung thư thực quản là biến chứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Các triệu chứng thường gặp như: nuốt nghẹn, trớ, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực. Đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên.

Sau một thời gian mắc bệnh thì toàn thân bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút > 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng, da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ, mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy nhất.

Như vậy trên đây là những biến chứng có thể gặp của trào ngược dạ dày, thực quản. Mặc dù trào ngược dạ dày không phải là một căn bệnh nguy hiểm ngay lập tức nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong ngắn hạn và gây ra những biến chứng nguy hiểm về lâu về dài.

Nếu bạn gặp các triệu chứng của trào ngược dạ dày, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá và nhận hướng dẫn điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết