Giải mã nguyên nhân viêm đại tràng
Giải mã nguyên nhân viêm đại tràng
Nguyên nhân viêm đại tràng là gì?
Nguyên nhân viêm đại tràng là gì? - Ảnh: BookingCare

Giải mã nguyên nhân viêm đại tràng

Sản phẩm của: BookingCare
Cố vấn y khoa:
Xuất bản: 04/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 31/12/2023
Cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng thông qua bài viết dưới đây của BookingCare.

Bệnh viêm đại tràng là một tình trạng viêm lớp niêm mạc đại tràng. Bệnh đang ngày càng gia tăng và gây ra nhiều bất tiện cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về cơ chế phát triển của bệnh, từ đó có cơ sở để đề xuất các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn.

Nguyên nhân viêm đại tràng 

Viêm đại tràng có thể gọi là “bệnh từ miệng mà ra”. Nguyên nhân từ bệnh có thể từ tác nhân bên ngoài như thức ăn, nước uống gây nhiễm trùng, ngộ độc hoặc dị ứng thức ăn; các loại thuốc điều trị hoặc kim loại nặng; có thể là nguyên nhân bên trong như bệnh lý tự miễn.…

Hầu hết trường hợp viêm đại tràng là do nhiễm trùng. Lây nhiễm bệnh có thể từ nước, thức ăn gây, lây truyền từ người sang người qua đường phân - miệng, hoặc đôi khi lây truyền từ động vật.

Về tác nhân nhiễm trùng, có thể gặp là do siêu vi, vi khuẩn và ký sinh trùng. Tác nhân siêu vi chủ yếu tấn công ở ruột non, ít khi tấn công niêm mạc ở đại tràng. Tác nhân vi khuẩn gây viêm bằng một số cơ chế: độc tố ruột, ngoại độc tố, và xâm nhập niêm mạc.

  • Độc tố ruột được sản xuất bởi một số vi khuẩn nhất định (Vibrio cholerae, Clostridium difficile…). Những độc tố này bám vào niêm mạc ruột nhưng không xâm lấn, gây suy giảm hấp thu và tăng bài tiết nước và điện giải trong lòng ruột, gây tiêu phân nước ồ ạt.
  • Ngoại độc tố do một số vi khuẩn sản xuất trong thức ăn không được bảo đảm an toàn. Những độc tố này thường gây triệu chứng buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy trong vòng 12 giờ, giảm sau 36 giờ nhiễm.
  • Một số vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc, như Shigella, Salmonella, Campylobacter, C. difficile, một số phân nhóm E. coli, gây loét, xuất huyết, tiết dịch phân giàu protein, giàu nước và điện giải.
  • Tác nhân ký sinh trùng thường gặp ở một số nước đang phát triển, lây lan từ người sang người, hoặc lây qua nước hoặc thức ăn nhiễm bẩn, thường gặp như Giardia, cryptosporidium… Các tác nhân này xâm nhập vào niêm mạc ruột gây buồn nôn, nôn ói, tiêu phân nhầy máu…

Bên cạnh đó, viêm đại tràng có thể do tự miễn, khi cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể tấn công các tế bào niêm mạc đại tràng lành gây ra viêm loét.

Ngoài ra bệnh còn là hệ quả của việc sử dụng thuốc như thuốc kháng acid chứa magnesium, thuốc kháng sinh, thuốc diệt ký sinh trùng, thuốc độc tế bào trong điều trị ung thư, colchicine, digoxin, thuốc nhuận trường, thuốc ức chế miễn dịch, hoặc liệu pháp xạ trị…

Lạm dụng thuốc kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm “chết” lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa, dẫn đến loạn khuẩn ruột, quá trình hấp thụ dinh dưỡng bị ảnh hưởng, cùng với sự phát triển, sản sinh quá mức của vi khuẩn có hại, thường gặp là tiêu chảy do vi khuẩn tạo màng giả trên đường tiêu hóa Clostridium difficile.

Trên đây chủ yếu là nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng cấp tính. Thông thường ở Việt Nam thường gặp 2 dạng viêm đại tràng cấp tính là: Viêm đại tràng cấp tính do lỵ trực tràng Shigella và viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip.

Đối với viêm đại tràng mãn tính, nguyên nhân có thể phức tạp hơn. Viêm đại tràng mãn tính được chia làm 2 nhóm, nhóm có nguyên nhân và nhóm không rõ nguyên nhân.

  • Viêm đại tràng mãn tính nhóm có nguyên nhân là tình trạng xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính không điều trị dứt điểm. thường do lỵ amip. Trường hợp khác có thể do nhiễm các vi khuẩn đặc hiệu như lao, hoặc viêm đại tràng sau xạ trị.
  • Viêm đại tràng mãn tính nhóm không rõ nguyên nhân bao gồm Bệnh Crohn’s hoặc Viêm loét đại tràng chảy máu, đôi khi có thể do tình trạng viêm do dị ứng như viêm dạ dày – ruột – đại tràng do tăng bạch cầu ái toan. 

Như vậy, viêm đại tràng là một bệnh phức tạp bắt nguồn từ sự tương tác của nhiều yếu tố khác nhau. Yếu tố di truyền, hệ miễn dịch, vi khuẩn đường ruột, thói quen ăn uống và lối sống đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra tình trạng viêm nhiễm trong đại tràng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết