- Xuất bản: 27/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Viêm đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Viêm đại tràng là bệnh lý về đại tràng hay ruột già bị tổn thương ở niêm mạc đại tràng với các mức độ tổn thương khu trú hay lan tỏa khác nhau. Tìm hiểu chi tiết về các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của viêm đại tràng trong bài viết dưới đây.
Đại tràng có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ nước và chất dinh dưỡng từ phân, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong quá trình duy trì cân bằng nước và điều chỉnh chất thải trong cơ thể. Chính vì vậy, bệnh viêm đại tràng sẽ khiến các chức năng này bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng cuộc sống sụt giảm.
Viêm đại tràng được chia thành 2 loại chính, mỗi loại đều có những đặc tính và cách điều trị khác nhau.
Viêm đại tràng cấp tính: là tình trạng đại tràng bị viêm nhiễm cấp tính bởi các tác nhân gây nhiễm như vi khuẩn, siêu vi,... lớp niêm mạc đại tràng có sự xuất hiện của các tổn thương viêm, sung huyết và loét.
Viêm đại tràng mạn tính: là tình trạng viêm đại tràng đã kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và tổn thương có thể ở mức độ nghiêm trọng, nặng nề và ở nhiều đoạn đại tràng hơn. Có thể do tác nhân gây nhiễm (lao, ký sinh trùng) hoặc không nhiễm (bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu, hội chứng ruột kích)
Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng
Tuỳ vào tình trạng viêm đại tràng là cấp hay mạn mà triệu chứng ở người bệnh có thể biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung viêm đại tràng có các triệu chứng phổ biến bao gồm:
Đau bụng âm ỉ hoặc quặn thắt từng cơn vùng bụng dưới hoặc dọc theo khung đại tràng, đây là triệu chứng điển hình của bệnh lý đại tràng
Chướng bụng, căng tức, nặng bụng, táo bón, cảm giác đi tiêu không hết phân, có thể giảm sau khi đi đại tiện
Tiêu chảy, phân có mùi hôi tanh kèm chất nhầy hoặc máu, phân có thể lỏng hoặc sệt, đi tiêu nhiều lần,, đau rát hậu môn sau khi đại tiện,
Có thể có những đợt tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
Có thể sốt nếu viêm đại tràng do tác nhân vi khuẩn, lao hoặc bệnh Crohn.
Sụt cân do tiêu chảy nhiều lần, không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Suy nhược cơ thể, xanh xao, nhức đầu, mệt mỏi, khó thở nếu tiêu chảy quá nhiều...
Nếu đại tràng có tình trạng xuất huyết dai dẳng, lượng nhiều thì có thể dẫn đến thiếu máu gây nên chóng mặt, tim đập nhanh, tay chân bủn rủn.
Nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuỳ theo tình trạng viêm đại tràng là cấp tính hoặc mạn tính. Một số nguyên nhân phổ biến là:
Viêm đại tràng cấp tính:
Viêm đại tràng nhiễm trùng do Ăn phải thực phẩm bẩn chứa các tác nhân gây bệnh như: Salmonella typhi – vi khuẩn thương hàn, Shigella – lỵ trực khuẩn, lỵ amip, ký sinh trùng, giun, nấm Candida,…
Ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn có nhiễm vi sinh vật sản xuất độc tố có hại
Lạm dụng hoặc sử dụng thuốc kháng sinh: có thể gây rối loạn hệ vi khuẩn thường trú đường ruột, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại phát triển và gây viêm đại tràng.
Viêm đại tràng mạn tính
Hội chứng ruột kích thích: thường đau bụng, tiêu chảy, hoặc táo bón, tiêu chảy xen kẽ táo bón, xuất hiện vào buổi sáng. Bệnh thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam, <45 tuổi.
Viên loét đại trực tràng chảy máu: đau bụng, tiêu phân ra máu lượng nhiều, bệnh thường xuất hiện ở người trẻ <30 tuổi
Bệnh Crohn: đau bụng, tiêu phân máu hoặc mủ, có thể kèm sốt, đau khớp, bệnh thường xuất hiện ở người trẻ <30 tuổi
Lao đại tràng: đau vùng bụng dưới, tiêu chảy kéo dài, sốt kéo dài, ăn uống kém, sụt cân. Thường có tiền sử lao ở vị trí khác hoặc đang có lao ở vị trí khác kèm theo (lao phổi).
Xét nghiệm chẩn đoán viêm đại tràng
Hỏi bệnh và khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ trực tiếp hỏi han bệnh nhân về những vấn đề người bệnh gặp phải trong quá trình bị bệnh như: Chế độ ăn uống/ sinh hoạt, biểu hiện triệu chứng, tiền sử bệnh lý, lịch trình làm việc, nghỉ ngơi….
Làm xét nghiệm phân: Dựa theo biện pháp này, bác sĩ sẽ xác định được trong phân có nhiễm khuẩn, virus, máu ẩn trong phân … giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh dễ dàng hơn.
Nội soi đại tràng: Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ,cần thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu để xác định bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp chẩn đoán này. Thủ thuật được bác sĩ thực hiện bằng cách luồn ống nội soi mềm, dẻo, linh hoạt, có camera giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh tổng thể của đại tràng. Từ đó xác định được bệnh lý, mức độ nặng nhẹ. Đây cũng là biện pháp có thể xác định chính xác nhất.
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thủ thuật này chụp được các tạng trong bụng và đường ruột, bác sĩ dễ dàng đánh giá tình trạng bệnh và chẩn đoán bệnh hiệu quả hơn.
Phương pháp điều trị viêm đại tràng
Tùy theo tình trạng cấp tính hay mạn tính và nguyên nhân gây ra viêm đại tràng, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Dưới đây là một số thuốc thông dụng, thường được sử dụng:
Nhóm thuốc kháng sinh: trong trường hợp nhiễm vi khuẩn đường ruột
Nhóm thuốc chống ký sinh trùng: trong trường hợp nhiễm ký sinh trùng đường ruột
Nhóm thuốc điều hoà nhu động ruột: chống táo bón, chống tiêu chảy, cải thiện nhu động ruột, giảm triệu chứng khó tiêu, đầy bụng
Khi sử dụng thuốc Tây bệnh nhân nên thận trọng, không tự ý sử dụng thuốc nếu chưa tham vấn ý kiến bác sĩ. Nếu sử dụng sai cách, lạm dụng có thể gặp các tác dụng phụ ngoài mong muốn: Buồn nôn, tiêu chảy,... thậm chí mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
Phương pháp điều trị viêm đại tràng ít phổ biến hơn là điều trị ngoại khoa - biện pháp xâm lấn/ phẫu thuật. Phương pháp này áp dụng với những bệnh nhân sử dụng thuốc không hiệu quả, bệnh quá nặng hoặc bị ung thư đại tràng.
Chăm sóc viêm đại tràng hiệu quả tại nhà
Chăm sóc tại nhà có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và làm giảm triệu chứng của bệnh viêm đại tràng. Dưới đây là một số gợi ý để chăm sóc bệnh viêm đại tràng tại nhà hiệu quả:
Sử dụng thuốc đúng liều và thời gian như đã được hướng dẫn. Đồng thời theo dõi các triệu chứng hằng ngày để xem tình trạng bệnh có được cải thiện hay không.
Áp dụng massage để giảm đau do viêm đại tràng:
Xoa bụng ở tư thế đứng thẳng: Người bệnh đứng thẳng, tay trái chống vào eo sao cho ngón cái nằm phía trước và các ngón còn lại nằm sau eo. Đồng thời tay phải đặt úp lên vùng rốn và xoa tròn theo chiều kim đồng hồ. Xoa từ rốn lan dần xung quanh rồi xoa dọc theo khung đại tràng.
Xoa bụng khi nằm ngửa: Người bệnh nằm thả lỏng người, đặt hai tay chồng lên nhau và xoa quanh ổ bụng theo chiều kim đồng hồ dọc theo khung đại tràng.
Đại tràng hấp thụ nước từ thức ăn và di chuyển chất thải rắn ra khỏi cơ thể. Khi bị viêm, đại tràng không hấp thụ nước đúng cách có thể dẫn đến tiêu chảy và mất nước.. Bạn nên uống từng ngụm đồ uống ấm hoặc mát và chia đều trong ngày.
Tránh tự ý dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen vì những thuốc này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm đại tràng hoặc gây ra các triệu chứng khác.
Sống chung với bệnh viêm đại tràng
Chế độ ăn uống lành mạnh: Người bệnh viêm đại tràng hãy ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và thịt gà hoặc cá. Tránh thực phẩm gây kích thích như thức ăn cay, chua, đồ uống có ga và đồ ăn nhanh, thức ăn có nhiều dầu mỡ.
Kiểm soát stress: Stress có thể làm tăng triệu chứng viêm đại tràng. Thực hiện các biện pháp giảm stress như thiền, yoga, tập thể dục, hay các hoạt động thư giãn để giảm căng thẳng tinh thần.
Điều chỉnh lối sống: Thay đổi lối sống để có giấc ngủ đủ và thường xuyên, duy trì hoạt động thể chất hợp lý và tránh các thói quen không tốt như hút thuốc và uống rượu quá mức.
Uống đủ nước: Duy trì cân bằng nước trong cơ thể bằng cách uống đủ nước hàng ngày. Điều này giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm triệu chứng táo bón.
Những triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm đại tràng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Việc tuân thủ đúng chế độ ăn uống, sử dụng thuốc và thực hiện các biện pháp quản lý stress là những cách đơn giản giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và phục hồi sức khỏe.