Giải thích về chỉ số RBC trong xét nghiệm máu

Tác giả: - Xuất bản: 14/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
chi-so-rbc-xet-nghiem-mau
Chỉ số RBC trong xét nghiệm máu đo lượng tế bào hồng cầu - ảnh: BookingCare
Chỉ số RBC cung cấp thông tin về khả năng sản xuất và tự hủy hồng cầu trong máu để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát. Tìm hiểu chi tiết ý nghĩa và cách duy trì chỉ số ổn định cho sức khỏe trong bài viết.

Chỉ số RBC là một thông số quan trọng đo lường số lượng hồng cầu có trong một đơn vị máu. Dựa vào số lượng hồng cầu, bác sĩ có thể đánh giá, chẩn đoán sớm giúp người làm xét nghiệm thực hiện điều trị ngay trước khi xuất hiện triệu chứng để tăng cơ hội chữa trị thành công.

Chỉ số RBC là gì?

Chỉ số RBC là chỉ số thống kê lượng tế bào hồng cầu trong máu. Các tế bào hồng cầu (RBC) sinh ra từ tủy, chứa hemoglobin có chức năng mang oxy từ phổi đến mọi tế bào trong cơ thể để duy trì hoạt động sống và phát triển. Xét nghiệm RBC hầu hết được thực hiện như một phần của xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) hoặc xét nghiệm các tế bào máu khác.

Chỉ số RBC có thể đếm và đánh giá số lượng hồng cầu trong máu là bình thường hay bất thường, từ đó hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh về máu. Ngoài ra, chỉ số này còn được sử dụng để chẩn đoán, đánh giá các tình trạng khác ảnh hưởng đến tế bào hồng cầu: các bệnh lý về thận, tủy xương hoặc các loại ung thư bạch cầu.

Mức chỉ số RBC bình thường

Chỉ số RBC được đo bằng số tế bào trên mỗi microlit (µL). Phạm vi bình thường của RBC khác nhau tùy theo độ tuổi và giới tính khi sinh. Dưới đây là một số phạm vi chỉ số RBC bình thường theo độ tuổi:

Nhóm tuổi Phạm vi hồng cầu bình thường (triệu tế bào/µL)
Trẻ mới sinh 4.8 – 7.1
Trẻ từ 0 - 2 tháng tuổi 4.0 – 6.0
Trẻ từ 2- 6 tháng tuổi 3.5 – 5.5
Trẻ từ 6 - 12 tháng 3.5 – 5.2
Trẻ từ 1 - 18 tuổi 4.0 – 5.5
Nam giới trưởng thành 4.7 – 6.1
Nữ giới trưởng thành 4.2 - 5.4

Các chỉ số này có thể chênh lệch tùy thuộc vào quy định tại cơ sở thực hiện xét nghiệm hoặc tình trạng sức khỏe. Người làm kiểm tra có thể tham khảo trước với bác sĩ để biết thêm chi tiết về tình trạng của mình.

Chỉ số RBC bất thường liên quan đến bệnh lý nào?

Chỉ số RBC bất thường có thể cao hoặc thấp hơn mức phạm vi tiêu chuẩn. Số lượng RBC bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo một số loại bệnh lý của cơ thể.

Các bệnh lý liên quan đến chỉ số RBC thấp

  • Thiếu máu do thiếu sắt và vitamin B12.
  • Bệnh bạch cầu (ung thư máu).
  • Bệnh thận mãn tính.
  • Bệnh gan: xơ gan, viêm gan mạn tính.
  • Viêm loét dạ dày, bệnh viêm ruột (IBD).
  • Suy giáp, ung thư tuyến giáp.
  • Ung thư hạch Hodgkin, ung thư tủy sống.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Suy tuỷ, rối loạn sinh tuỷ.

Các bệnh lý liên quan đến chỉ số RBC cao

  • Suy tim, bệnh tim bẩm sinh.
  • Bệnh đa hồng cầu nguyên phát.
  • U thận hoặc ung thư thận.
  • Các bệnh về phổi: viêm phổi, xơ phổi, ung thư phổi.

Nguyên nhân thay đổi bất thường chỉ số RBC

Có rất nhiều nguyên nhân tác động làm thay đổi chỉ số RBC trong cơ thể. Một số nguyên nhân có thể kể đến bao gồm:

  • Thiếu sắt, vitamin B12 để tổng hợp trong quá trình sản sinh tế bào hồng cầu
  • Thói quen hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chất kích thích
  • Cơ thể mất nước do tiêu chảy hoặc các lý do khác
  • Các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và sản sinh của tế bào hồng cầu
  • Vị trí địa lý: người sống ở vùng núi cao thường có chỉ số RBC cao hơn
  • Sử dụng các loại thuốc như testosterone tổng hợp hoặc erythropoietin ảnh hưởng đến lượng RBC.

Các biện pháp duy trì RBC ổn định

Chăm sóc sức khỏe tổng quát đóng vai trò quan trọng trong duy trì mức RBC bình thường. Dưới đây là một số biện pháp bạn đọc có thể tham khảo thực hiện:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết (sắt, axit folic và vitamin B12) để duy trì sản xuất RBC.
  • Uống đủ nước giúp duy trì lưu thông máu tốt.
  • Tập thể dục và vận động thường xuyên để tăng cường tuần hoàn máu và khả năng vận chuyển oxy của RBC.
  • Tránh căng thẳng, hạn chế tiếp xúc với chất độc, chất kích thích, hóa học công nghiệp, thuốc nhuộm… có thể làm giảm số lượng RBC.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và điều trị đúng cách bệnh lý ảnh hưởng đến chỉ số RBC.

Chỉ số RBC là có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc đánh giá chất lượng máu và chức năng tuần hoàn của cơ thể. Lượng RBC không ổn định có thể dẫn tới nhiều hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn đọc nên thực hiện xét nghiệm RBC định kỳ để theo dõi, đồng thời thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để duy trì trạng thái sức khỏe ổn định.