Hen phế quản: nguyên nhân và điều trị theo đông y

Tác giả: - Xuất bản: 30/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/02/2024
điều trị hen phế quản theo đông y
Tìm hiểu điều trị hen phế quản theo y học cổ truyền - Ảnh: BookingCare
Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp thường gặp với triệu chứng điển hình là cơn khó thở và các trận ho dài. Vậy theo y học cổ truyền hen phế quản do những nguyên nhân nào? Cách điều trị bệnh theo đông y là gì?

Người mắc hen phế quản thường phải đối mặt với những triệu chứng khó chịu như khó thở, sổ mũi, ho khan, đau ngực, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. 

Vậy theo y học cổ truyền hen phế quản được xếp vào nhóm bệnh nào? Những nguyên nhân gây hen phế quản là gì? Cách phòng và điều trị bệnh theo đông y như thế nào? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thế nào là hen phế quản theo y học cổ truyền? 

Theo y học hiện đại, hen phế quản là một hội chứng biểu hiện bằng những cơn khó thở kịch phát, xuất hiện đột ngột, khó thở thì thở ra, thường về ban đêm, kèm theo tiếng thở rít do co thắt phế quản, ho và khạc đờm dính; cơ chế xuất phát từ tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của đường thở khi tiếp xúc với tác nhân kích thích, mức độ co thắt phế quản thay đổi nhưng có thể tự hồi phục hoặc hồi phục sau khi dùng thuốc giãn phế quản.

Theo y học cổ truyền, hen phế quản thuộc phạm vi chứng háo suyễn. Vậy háo suyễn là gì? Tương tự với các triệu chứng khó thở ở thì thở ra, thì Háo đặc trưng cho việc hô hấp gấp gáp trong họng có tiếng khò khè (đôi khi như sáo thổi hoặc gà rít); nhưng nếu không có tiếng khò khè khi hô hấp vẫn gấp gáp thì lại gọi là Suyễn. Ngoài ra, còn có nhiều tên gọi khác như Khí Suyễn, Suyễn Tức, Suyễn xúc, Thượng Khí,…

Nếu y học hiện đại chủ yếu điều trị hen bằng thuốc corticoides và thuốc giãn phế quản, thì đông y lại tùy theo từng nguyên nhân được chia làm các thể bệnh tương ứng khác nhau, do đó cách điều trị từng thế bệnh cũng có sự khác biệt. 

Hen phế quản theo y học cổ truyền do nguyên nhân nào?

Theo y học hiện đại, nguyên nhân gây hen phế quản rất đa dạng và thường kết hợp với nhau. Các nhóm yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến Hen phế quản, bao gồm:

  • Dị ứng
  • Hệ vi sinh thường trú
  • Nhiễm virus đường hô hấp
  • Ô nhiễm không khí
  • Các yếu tố nguy cơ khác giai đoạn đầu đời (chế độ dinh dưỡng kém, sinh non/cân nặng khi sinh thấp, thời gian bú sữa mẹ ngắn,…)
  • Tiếp xúc nghề nghiệp
  • Stress

Thay đổi thời tiết và nhiễm virus đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng rõ rệt đến Hen phế quản. Yếu tố di truyền cũng cần được kể đến, với những người có người thân mắc hen phế quản có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Các nguyên nhân của chứng háo suyễn trong y học cổ truyền cũng có nhiều điểm khá tương đồng với các nguyên nhân hen phế quản được nhắc đến trong y học hiện đại, có thể kể đến các nguyên nhân sau: 

  • Ngoại tà xâm nhập: Thường gặp nhất là phong hàn và phong nhiệt. Phong hàn xâm phạm vào phế làm phế khí mất tuyên thông, nước và tân dịch không phân bố thông suốt nên thấy ngực khó chịu, khạc ra đàm trong loãng. Còn với phong nhiệt xâm phạm theo bì mao, nhiệt thịnh hun đốt tân dịch thành đờm mà uất kết, suyến khái khạc đàm vàng dính.  
  • Đàm thấp ở bên trong: nguyên nhân từ Phế mất sự phân bố tân dịch mà tụ đàm hoặc Tỳ không được mất sự vận chuyển, tích thấp lại sinh đàm, đàm từ trung tiêu đưa lên phế làm phế khí không tuyên thông được mà dần hình thành chứng háo suyễn.
  • Phế thận hư suy: Phế chủ về Khí, Thận là gốc rễ của Khí. Khi 2 tạng Phế, Thận hư yếu đều biểu hiện khí Suyễn, đặc trưng là khí Suyễn kéo dài, hễ vận động làm việc là khó thở càng tăng.
  • Lao nhọc thái quá, mắc bệnh lâu ngày mà tà khí vẫn còn tiềm ẩn.

Điều trị hen phế quản theo y học cổ truyền

Điều trị cơn hen phế quản cấp chủ yếu dùng thuốc y học hiện đại để nhanh chóng cắt cơn, giảm tình trạng khó thở cho người bệnh.

Chỉ định điều trị hen trong dài hạn thường gồm 3 loại chính: Thuốc kiểm soát (dự phòng hen), Thuốc cắt cơn và thuốc phối hợp điều trị cộng thêm.

Tuy nhiên các thuốc này có nhiều tác dụng phụ, điển hình với thuốc Corticoids gây ra hội chứng Cushing (điển hình bao gồm mặt tròn và bệnh béo kiểu béo thân, dễ bị bầm tím, cơ chân tay gầy yếu, giữ nước, tăng huyết áp, loãng xương, rối loạn nội tiết) hoặc thậm chí ảnh hưởng đến tâm thần kinh khi dùng nhóm Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (Montelukast - tên biệt dược Singulair).

Dù Y học hiện đại hiểu rõ các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây tăng nặng bệnh lý hen và cơ chế xuất hiện các cơn hen phế quản nhưng cho tới hiện tại vẫn chưa có phương pháp để đẩy lùi dứt điểm hen suyễn.

Hen không có cách gì chữa khỏi mà chỉ có thể khắc phục bằng cách phòng tránh bệnh biến chứng nặng hơn. Vì vậy, tốt nhất nên dùng kết hợp với y học cổ truyền để tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng, giảm nhẹ và dự phòng các cơn hen tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Một nghiên cứu tại Trung Quốc, khi so sánh điều trị với Salbutamol và Montelukast, các bài thuốc Y học cổ truyền được thử nghiệm tốt hơn trong việc kiểm soát triệu chứng ở trẻ bị hen suyễn.

Bên cạnh đó, một phân tích tổng hợp lấy dữ liệu đến tháng 01 năm 2021, đã làm rõ sự hiệu quả của Y học cổ truyền trong điều trị Hen phế quản, giảm phản ứng kích thích Hen và cải thiện tốt chất lượng cuộc sống.

thảo dược điều trị hen phế quản
Nhiều thảo dược điều trị hen phế quản theo đông y - Ảnh: Canva

Thực tế lâm sàng và qua các công trình nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy việc điều trị hen phế quản bằng các phương pháp y học cổ truyền cho nhiều kết quả tốt.

Các bài thuốc

Tùy vào từng thể bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm hợp lý. 

Các bài thuốc thường được sử dụng và có hiệu quả điều trị tốt có thể kể đến: Tiểu thanh long thang có tác dụng ôn phế tán hàn dùng cho thể hen hàn đàm trọc trở phế, Ma hạch thạch cam thang có tác dụng thanh nhiệt tuyên phế dùng cho thể hen phong nhiệt đàm bế phế, bệnh nhân đờm nhiều có thể thêm bài thuốc kết hợp với Nhị trần thang để trừ đàm. 

Ngoài ra, khi bệnh tổn hại đến tạng phế có thể dùng bài Sinh mạch tán, thận âm hư dùng bài Lục vị hoàn, thận dương hư dùng Bát vị quế phụ,...

Bên cạnh dùng các bài thuốc Y học cổ truyền cổ phương, trong dân gian hay lưu truyền các vị thuốc bài thuốc gần gũi dễ tìm cũng góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị cũng như phòng ngừa các đợt cấp Hen phế quản. Một số vị thuốc kể đến như: húng chanh, hạt củ cải, cây si,…

Các phương pháp không dùng thuốc

Ngoài dùng thuốc, y học cổ truyền còn có thể hỗ trợ điều trị hen phế quản bằng các phương pháp như châm cứu, nhĩ châm (châm huyệt ở tai), thủy châm (đưa thuốc vào huyệt), cấy chỉ (lưu chỉ tại huyệt với mục tiêu kích thích huyệt lâu dài), xoa bóp bấm huyệt, luyện tập dưỡng sinh khí công.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập thở có thể có tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống, triệu chứng giảm thông khí và chức năng phổi ở người lớn mắc bệnh hen suyễn nhẹ đến trung bình. Sau đây Bookingcare sẽ hướng dẫn cho các bạn phương pháp thở 4 thời của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống khi mắc các bệnh hen suyễn.

Tư thế tập luyện là nằm ngửa trên mặt phẳng nệm giường cứng gối mỏng, không tập trên nệm lò xo dày, đệm quá lún; hoặc dùng chiếc mền gấp lại. Kê một gối ngỏ hoặc khăn mỏng vào vùng mông cho cao lên. Khi đã có cảm giác thoải mái rồi tay trái đặt lên phần rốn, tay phải đặt lên phần ngực. 

Các bước tiến hành:

  • Hít vào ngực bụng cùng gò vươn lên, hít vào vừa đủ căng
  • Sau khi hít vào tối đa các bạn không được nín thở mà bằng cách làm động tác hít thêm từng chút một liên tục trong 2-3 giây, lúc này các bạn có thể giơ một chân lên lung lay nhẹ.
  • Thở ra bằng mũi chậm rãi, từ từ hạ chân xuống.
  • Sau khi thở ra hết ngưng trong vòng 2 - 3 giây trước khi lặp lại quá trình.

Tóm lại, đông y có rất nhiều các vị thuốc và phương pháp để hỗ trợ điều trị hen phế quản hiệu quả cùng với y học hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta không nên tự ý điều trị vì có thể không mang lại hiệu quả mà đôi khi còn khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, không chỉ riêng hen phế quản mà với tất cả các bệnh lý khác. Người bệnh vẫn cần đến gặp các chuyên gia y tế để được thăm khám kiểm tra và tư vấn chính xác về tình trạng sức khỏe của bản thân.