Phù chân ở người bệnh tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, gây đau đớn, khó chịu mà còn là một biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Cùng tìm hiểu những nguyên nhân, triệu chứng cũng như các phương pháp phòng ngừa, điều trị bệnh phù chân ở người tiểu đường trong bài viết dưới đây.
Tham gia cộng động "Sống khỏe cùng bệnh tiểu đường" để nâng cao kiến thức về bệnh từ các bác sĩ chuyên khoa, giúp điều trị, kiểm soát bệnh tiểu đường ngay tại nhà.
Nguyên nhân gây phù chân ở người bệnh tiểu đường
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phù chân ở người bệnh tiểu đường. Dưới đây là một số nguyên nhân chính người bệnh có thể tham khảo:
Lượng máu ở chân bị suy giảm do tuần hoàn máu kém, ít lưu thông
Đường huyết tăng cao có thể dẫn đến sự dày lên của các động mạch. Khi các động mạch dày lên, chúng co lại và mất tính đàn hồi, điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến bàn chân. Khi máu lưu thông đến chân kém, chất lỏng sẽ tích tụ và tạo ra hiện tượng sưng tấy.
Tim bị xung huyết
Khi lượng đường trong máu quá cao, quá trình bơm máu của tim cũng bị ảnh hưởng, trì trệ dẫn đến lượng máu lưu thông kém. Riêng các mạch máu ở chân khá xa tim. Do đó, máu sẽ càng dễ bị ứ trệ tại chân làm cho bộ phận này phù lên.
Biến chứng thận
Người bệnh tiểu đường bị phù chân còn do biến chứng của thận gây ra. Thận cũng sẽ bị tổn thương và khả năng đào thải natri ra khỏi hệ thống tuần hoàn máu suy yếu dần.
Cùng với đó, lượng nước dư thừa không được thận loại bỏ kịp thời sẽ gây áp lực lên thành mạch máu, gây nên tình trạng chân phù nề. Đây là một trong những triệu chứng phù chân nguy hiểm bởi biến chứng thận có tỉ lệ tử vong rất cao.
Bệnh thần kinh
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát cũng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, đặc biệt là ở chi dưới. Sự thoái hóa thần kinh do tích tụ các sorbitol dẫn đến các vấn đề về mất hoặc giảm cảm giác ở bàn chân. Khi bàn chân mất cảm giác hoặc tê liệt, rất khó để nhận ra vết thương. Và một số chấn thương, như bong gân, gãy xương hoặc nhiễm trùng, có thể dẫn đến sưng ở bàn chân và mắt cá chân.
Sử dụng một số loại thuốc dẫn tới phù chân
Nhiều loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cho người mắc bệnh tiểu đường, bao gồm một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống viêm và một số loại thuốc dùng để kiểm soát cơn đau thần kinh, có tác dụng phụ bao gồm phù nề.
Các triệu chứng phù chân của người bệnh tiểu đường
- Da căng hoặc bóng
- Mắt bị sưng
- Da bị lõm khi ấn vào
- Da sưng nhưng vẫn chắc, không bị lõm khi ấn vào
Biện pháp giảm sưng chân ở người bệnh tiểu đường
- Sử dụng vớ nén y khoa: Vớ nén chặt hơn so với vớ thông thường, giúp kích thích tuần hoàn và lưu lượng máu ở chân bằng cách bóp nhẹ vào bàn chân và cẳng chân. Bạn đầu nên chọn loại vớ có độ nén nhẹ và tăng dần độ nén nếu cần. Nên cởi ra khi đi ngủ, không mang vớ khi chân có vết thương lở loét.
- Kê cao chân: Khi nâng cao chân, chất lỏng sẽ trở về các vị trí khác trong cơ thể thay vì dồn lại và tích tụ ở chân. Bạn có thể giảm sưng bằng cách kê chân cao hơn tim. Điều này cải thiện lưu thông và lưu lượng máu đến chân. Có thể dùng gối hoặc ghế đẩu để kê chân khi ngồi hoặc nằm.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm cân cũng như cải thiện lưu thông máu đến phần dưới cơ thể. Nếu bạn bị sưng chân mà không chịu hoạt động, chân sẽ ngày càng sưng và chuyển biến nặng hơn. Người bệnh tiểu đường có thể lựa chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng, tốn ít năng lượng nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả.
- Lập kế hoạch ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ăn nhiều loại rau, trái cây, chất béo lành mạnh và protein có thể giúp bạn nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể
- Giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày: Chế độ ăn nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước và hại thận rất nhiều vì chúng sẽ phải hoạt động liên tục. Hạn chế muối trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm giữ nước và tích tụ chất lỏng.
- Đứng lên đi lại sau thời gian dài ngồi một chỗ: Ngồi trong thời gian dài có thể dẫn đến sưng ở các chi dưới. Nếu bạn có một công việc mà bạn phải ngồi gần như cả ngày hoặc đang trên một chuyến bay dài, hãy đứng dậy và đi lại sau mỗi một đến hai giờ để tăng cường lưu thông máu ở chân
Phù chân là hiện tượng khá phổ biến ở người bệnh tiểu đường. Nếu bạn thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, chân bị sưng tấy, phù nề, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.