Hướng dẫn cách đọc 6 chỉ số xét nghiệm nội tiết tố nữ
Cách đọc chỉ số xét nghiệm nội tiết tố nữ
Cách đọc chỉ số xét nghiệm nội tiết tố nữ - Ảnh: BookingCare

Hướng dẫn cách đọc 6 chỉ số xét nghiệm nội tiết tố nữ

Tác giả: - Xuất bản: 10/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 05/07/2024
Có rất nhiều xét nghiệm nội tiết tố nữ khác nhau, tuy nhiên trong phạm vi bài viết dưới đây, BookingCare sẽ tập trung vào cách đọc chỉ số một số xét nghiệm nội tiết tố nữ chính, bao gồm: Estrogen, Progesteron, FSH, Testosterone, AMH và LH.

Xét nghiệm nội tiết tố nữ có thể tiết lộ những thông tin quan trọng về sức khỏe, ví dụ như các vấn đề về khả năng sinh sản, rối loạn nội tiết tố, xác định giai đoạn tiền mãn kinh,... Xét nghiệm nội tiết tố cũng có thể đóng vai trò trong chẩn đoán, theo dõi các tình trạng bệnh lý như bệnh tuyến giáp hoặc tiểu đường.

Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào cách đọc chỉ số nội tiết tố nữ để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm và chi tiết hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Cách đọc chỉ số xét nghiệm nội tiết tố nữ

Một số xét nghiệm nội tiết tố nữ chính thường được thực hiện phổ biến bao gồm:

  • Estrogen
  • Progesteron
  • Hormon kích thích nang trứng (FSH)
  • Testosterone 
  • AMH
  • Hormone hoàng thể hóa (LH)

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kết hợp kết quả xét nghiệm hormone với các yếu tố khác, chẳng hạn như triệu chứng, tiền sử bệnh,... để đưa ra chẩn đoán.

1. Xét nghiệm Estrogen

Estrogen là một nhóm steroid hormone được sản xuất bởi vỏ thượng thận, buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới. Được biết đến với vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và chức năng như là các hormone giới tính nữ chính. Các dạng phổ biến nhất của Estrogen bao gồm Estrone (E1), Estradiol (E2), và Estriol (E3).

Trong đó, E2 - Estradiol( hay estradiol 17 beta) là chỉ số xét nghiệm hay được chỉ định nhất. E2 rất quan trọng trong sự phát triển của hệ thống sinh sản nữ như tử cung, vòi trứng, âm đạo và vú…

Chỉ số bình thường có thể phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt (giai đoạn nang trứng, rụng trứng, hoàng thể) và tuổi tác.... 

Thời gian kiểm tra E2 Phạm vi (pg/mL)
Giai đoạn nang trứng 19,5-144,2
Giai đoạn quanh trứng 64,9-356,7 
Giai đoạn hoàng thể 55,8-214,2 
Hậu mãn kinh 32,2 hoặc thấp hơn

Nguồn: University of North Carolina Medical Center

2. Xét nghiệm Progesterone

Progesterone là một loại hormone sinh dục nữ, được tiết ra ở tuyến thượng thận, rau thai và ở buồng trứng nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, có vai trò quan trọng trong điều hòa cơ thể phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt và cả sự phát triển của thai nhi.

Nếu nồng độ progesterone thấp khi mang thai, đó có thể là dấu hiệu cho nguy cơ bị sảy thai hoặc chuyển dạ sớm. Mức progesterone cao kéo dài có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư vú.

Giống như Estrogen, chỉ số xét nghiệm  progesterone phụ thuộc vào thời gian xét nghiệm. Giữa chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ progesterone bắt đầu tăng lên. Từ 6 đến 10 ngày sau, nếu trứng không được thụ tinh, nồng độ sẽ giảm xuống.

Nếu trứng được thụ tinh, nồng độ sẽ tăng lên trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Thời điểm kiểm tra progesterone Phạm vi (ng/mL) Phạm vi (nmol/L)
Giai đoạn nang trứng 1 hoặc thấp hơn 3,18 hoặc thấp hơn
Giữa chu kỳ 5-20 15,9-63,6
tam cá nguyệt thứ nhất 11.2-90 35,62-286,2
tam cá nguyệt thứ 2 25,6-89,4 81,41-284,29
tam cá nguyệt thứ 3 48-trên 300 152,64-trên 954
Hậu mãn kinh 1 hoặc thấp hơn 3,18 hoặc thấp hơn

Nguồn: University of North Carolina Medical Center

3. Hormon kích thích nang trứng (FSH-Follicle Stimulating Hormone)

Hormon kích thích nang trứng (FSH) được sản xuất bởi tuyến yên. FSH kích thích sự phát triển của nang trứng trong buồng trứng, trong đó có 1 nang trưởng thành nhanh nhất, chín và xảy ra hiện tượng rụng trứng để sẵn sàng thụ tinh.

Tuyến yên sản xuất nhiều FSH hơn khi nồng độ estrogen và các hormone khác bắt đầu giảm trước thời kỳ mãn kinh, khi buồng trứng mất đi khả năng sinh sản.

FSH dư thừa có thể cho thấy khả năng dự trữ buồng trứng kém và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Hormon này cũng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt và theo tuổi tác,...

Thời gian kiểm tra FSH  Phạm vi giới hạn (mIU/mL)
Giai đoạn nang trứng 3,5-12,5
Giai đoạn rụng trứng 4,7-21,5
Giai đoạn hoàng thể 1,7-7,7
Hậu mãn kinh 25,8-134,8

Nguồn: Laboratory Corporation of America

Xét nghiệm FSH
FSH sẽ kích thích tế bào noãn phát triển và bài tiết Estrogen - Ảnh: Canva

4. Testosterone

Testosterone không chỉ là nội tiết tố nam mà còn tồn tại trong cơ thể của phụ nữ. Với chị em nói chung và đặc biệt những người trong thời kỳ mãn kinh nói riêng, nồng độ testosterone tăng quá cao sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe như:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • U buồng trứng hoặc thượng thận, rối loạn chuyển hóa tuyến yên
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
  • Khó thụ thai
  • Da dầu và dễ bị sạm nám
  • Các vấn đề khác như kháng insulin, tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp cao, bệnh tim mạch.

 Testosterone được đo bằng  ng/dL hoặc nmol/L.

  • Giới hạn bình thường: 15 – 70 ng/dL.
  • Giới hạn bình thường: 0.5 – 2.4 nmol/L.

Nguồn: Icahn School of Medicine at Mount Sinai

5. AMH ( Anti- Mullerian Hormone)

Đây là chỉ số có giá trị cao nhất và chính xác nhất trong chẩn đoán và điều trị hiếm muộn ở phụ nữ. 

AMH liên quan mật thiết với số lượng nang noãn nguyên thủy và khả năng sinh trứng của buồng trứng.

Những ai có chỉ số AMH thấp có nghĩa là người đó sẽ ít phản ứng với thuốc hơn khi thụ tinh ống nghiệm và ngược lại. Nếu chỉ số AMH quá cao cũng có thể làm buồng trứng bị kích thích quá mức dẫn đến vô sinh.

Nồng độ AMH không thay đổi đáng kể trong suốt chu kỳ kinh và giảm dần theo tuổi. Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2,2 – 6,8 ng/ml (15,7 – 48,5 pmol/L) - Theo quyết định 7034/QĐ-BYT ngày 21 tháng 11 năm 2018.

Ngoài ra, nồng độ AMH cao hơn giá trị trên cũng quan sát thấy ở những phụ nữ buồng trứng đa nang.

6. Hormone hoàng thể hóa (LH-Luteinizing Hormone)

Tuyến yên của bạn tạo ra hormone LH, giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Hormone này chịu trách nhiệm kích hoạt sự rụng trứng hoặc giải phóng trứng bởi sự tăng đột ngột gấp 6-8 lần của LH và tăng gấp đôi FSH và ngày thứ 14 của chu kỳ kinh. 

Hormone LH tăng cao có thể khiến bạn khó mang thai và các vấn đề về kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều.

Hormone LH thấp có thể liên quan tới tình trạng rối loạn ăn uống, suy dinh dưỡng hoặc các vấn đề về tuyến yên.

Thời gian kiểm tra LH Khoảng (IU/mL)
Giai đoạn nang trứng 1,68 đến 15 IU/mL
Đỉnh giữa chu kỳ 21,9 đến 56,6 IU/mL
Giai đoạn hoàng thể 0,61 đến 16,3 IU/mL
Hậu mãn kinh  14,2 đến 52,3 IU/mL 

Nguồn: University of Rochester Medical Center

Việc đọc và hiểu chỉ số nội tiết tố nữ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ. Bằng cách theo dõi và hiểu rõ các chỉ số này, chúng ta có thể phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, từ đó đưa ra những điều chỉnh, can thiệp kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết