Liệu pháp Insulin đóng vai trò quan trọng trong điều trị đái tháo đường. Insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa các biến chứng đái tháo đường. Cụ thể hơn để hiểu về Insulin là gì, vai trò của Insulin trong cơ thể, mục tiêu của điều trị Insulin ở người bệnh,... được chia sẻ trong nội dung dưới đây.
Insulin là gì?
Insulin là một loại hormone tự nhiên do tế bào đảo tụy của tuyến tụy tiết ra giúp cơ thể sử dụng đường để tạo năng lượng. Insulin là tác nhân duy nhất trong có thể có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu.
Vai trò của Insulin trong cơ thể
- Kiểm soát lượng đường trong máu:
- Sau khi ăn, cơ thể sẽ phân hủy các chất dinh dưỡng gọi là carbohydrate thành một loại đường gọi là glucose. Glucose (đường huyết) là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Lượng đường trong máu tăng lên sau khi ăn.
- Khi Glucose trong máu tăng cao, chúng sẽ làm tăng kích thích đến tế bào Beta ở đảo tụy để có thể tiết ra Insulin. ,. Sau đó, Insulin cho phép Glucose đi vào các tế bào của cơ thể để cung cấp năng lượng cho tế bào.
- Lưu trữ thêm glucose để tạo năng lượng: Sau khi ăn, mức Insulin cao. Glucose dư thừa được lưu trữ trong gan. Glucose được lưu trữ này được gọi là glycogen. Giữa các bữa ăn, mức Insulin thấp. Trong thời gian đó, gan giải phóng glycogen vào máu dưới dạng glucose. Điều này giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức ổn định.
Nếu tuyến tụy không hoạt động bình thường, có thể không tạo ra hoặc giải phóng Insulin mà cơ thể cần để kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến một lượng đường thừa thãi đi vào máu.
Bệnh đái tháo đường là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ Insulin hoặc cơ thể không sử dụng Insulin hiệu quả.
- Với đái tháo đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất Insulin, khiến cơ thể không còn khả năng tạo ra Insulin.
- Với đái tháo đường tuýp 2, tuyến tụy sản xuất Insulin không đủ so với nhu cầu hoặc cơ thể sử dụng Insulin không hiệu quả
Liệu pháp Insulin trong điều trị đái tháo đường
Liệu pháp Insulin giữ cho lượng đường trong máu của người bệnh đái tháo đường trong phạm vi mục tiêu, giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
- Nếu mắc đái tháo đường tuýp 1, bạn cần điều trị bằng Insulin để duy trì sức khỏe, thay thế Insulin mà cơ thể không tạo ra.
- Nếu mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2:
- Khi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 2, bạn có thể không cần sử dụng Insulin ngay lập tức trừ khi lượng đường trong máu của bạn rất cao. Insulin có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị ngắn hạn giúp giảm nhanh lượng đường trong máu.
- Người bệnh cũng có thể cần phải bắt đầu điều trị bằng Insulin nếu các loại thuốc khác không giúp kiểm soát lượng đường trong máu hoặc không phù hợp với tình trạng.
Phân loại Insulin trong điều trị đái tháo đường
Có rất nhiều loại Insulin điều trị bệnh tiểu đường. Chúng được phân loại dựa vào thời gian bắt đầu tác dụng và thời gian kéo dài của tác dụng. Một số dạng Insulin có thể kể đến như:
- Insulin tác dụng tức thời
- Insulin tác dụng ngắn
- Insulin tác dụng trung bình
- Insulin tác dụng kéo dài
- ...
Tác dụng phụ của Insulin
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị Insulin bao gồm:
- Phản ứng dị ứng: Phản ứng tại chỗ như xuất hiện các vết mẩn đỏ, phù hoặc ngứa tại vị trí tiêm. Tình trạng này sẽ hết sau vài ngày đến vài tuần. Dị ứng có thể liên quan đến yếu tố khác như các chất sát khuẩn gây kích ứng, tiêm quá nông hoặc dị ứng với các thành phần là chất bảo quản.
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp): Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu quá thấp (dưới 4mmol/l) và phổ biến khi bạn dùng Insulin. Nếu bạn bị hạ đường huyết, có thể bạn đã dùng sai liều lượng, khi đó cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.
- Tăng cân: Insulin là một loại hormone tăng trưởng và bất kỳ loại hormone tăng trưởng nào bạn dùng dưới dạng thuốc đều có thể dẫn đến tăng cân. Hormone tăng trưởng thường khiến người bệnh cảm thấy đói, do vậy bạn có thể ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kê đơn loại Insulin tốt nhất cho người bệnh và phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý. Khi dùng Insulin, điều quan trọng người bệnh cần lưu ý là tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuân theo hướng dẫn tiêm, chỉ định liều lượng kết hợp việc thăm khám định kỳ và thay đổi lối sống lành mạnh.