Khủng hoảng tâm lý tuổi teen hay Trầm cảm?
Khủng hoảng tâm lý tuổi teen hay Trầm cảm?
Trầm cảm ở thanh thiếu niên dễ bị nhầm lẫn với khủng hoảng tâm lý
Trầm cảm ở thanh thiếu niên dễ bị nhầm lẫn với khủng hoảng tâm lý - Ảnh: Verywell Family

Khủng hoảng tâm lý tuổi teen hay Trầm cảm?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 16/03/2021 | Cập nhật lần cuối: 31/01/2024
Trầm cảm ở tuổi dậy thì thường bị bỏ qua, khi được tiếp nhận điều trị thường đã là tình trạng nặng. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu chia sẻ về cách nào phát hiện trầm cảm và phân biệt với khủng hoảng tuổi teen đế có trợ giúp sớm cho những học sinh gặp trầm cảm.

TS.BS.Trần Thị Hồng Thu chia sẻ với BookingCare rằng "Số bạn trầm cảm trong tuổi dậy thì rất nhiều, cỡ 10-20%, nhưng lại dễ bị bỏ qua điều trị. Thường khi bệnh tiến triển nặng rồi mới được điều trị bởi các em trầm cảm dễ bị nhầm lẫn với khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. Khi điều trị muộn tâm lý các em tổn thương nhiều và thời gian điều trị cũng kéo dài hơn".

Nội dung bài viết dưới đây giúp bạn đọc phần nào phân biệt những rối loạn tâm sinh lý tuổi dậy thì với trầm cảm để có hướng giải quyết phù hợp.

Phân biệt Khủng hoảng tâm lý tuổi teen và Trầm cảm

Khủng hoảng tuổi teen và trầm cảm thường dễ bị nhầm lẫn, xu hướng thường là nhầm các biểu hiện trầm cảm với rối loạn tuổi dậy thì.

Thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển đặc biệt mạnh mẽ và phức tạp nhất trong cuộc đời mỗi con người, bao gồm sự phát triển nhanh về thể chất, thay đổi tâm lý cộng thêm bởi các mối quan hệ xã hội, bước đầu hình thành nhân cách người trưởng thành. Vì vậy, độ tuổi này thường phát sinh nhiều rối nhiễu về tâm lý nhất so với các lứa tuổi khác. Tất cả các dấu hiệu đó là dấu hiệu của tuổi dậy thì hay còn gọi là tuổi teen.

Thông thường việc biến đổi về tâm sinh lý trong khoảng thời gian này cũng khiến thanh thiếu niên có một số biểu hiện như:

  • Cáu gắt hay tức giận
  • Nhạy cảm với những lời chê bai, nhận xét từ những người xung quanh
  • Cảm giác buồn phiền
  • Xung đột với gia đình hay bạn bè....

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là rối loạn tuổi teen, những cảm giác, biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi, thanh thiếu niên sẽ trở lại tâm lý bình thường. Nhưng nếu là trầm cảm, những biểu hiện này sẽ vô cùng dữ dội, liên tục và dường như họ trở thành một con người hoàn toàn khác. Thông thường, nếu các biểu hiện này kéo dài trên 2 tuần, có thể là triệu chứng của trầm cảm.

Khủng hoảng tuổi teen có thể nhanh chóng qua đi nhưng cũng có thể tiến triển thành trầm cảm nếu thanh thiếu niên không được hỗ trợ kịp thời. Vì vậy nếu cha mẹ đang có con trong độ tuổi đọc bài viết này, hãy quan tâm và chia sẻ, lắng nghe con mình nhiều hơn vào giai đoạn có nhiều thay đổi lớn trong cuộc đời này.

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm bao gồm sự thay đổi phức tạp về các chất dẫn truyền thần kinh tại não cùng với những tác động từ môi trường sống. Vì vậy, không nên chỉ dùng thuốc, cần kết hợp thuốc với trị liệu tâm lý trong thời gian nhất định để sớm đạt được cân bằng cảm xúc và tâm trạng.

 

"Những người trầm cảm không phải là những người yếu đuối, đôi khi họ là những người can đảm, gan lì nhất trong số chúng ta."

(Có một cơn đau mang tên trầm cảm)

Biểu hiện của Trầm cảm

Trầm cảm không phải là tội lỗi, cũng không có nghĩa thanh thiếu niên đó là người yếu đuối. Người bệnh trầm cảm luôn phải vật lộn, tranh đấu để vượt qua những cảm xúc mà chính bản thân họ khó kiểm soát được. Một số biểu hiện như:

  • Cảm giác buồn phiền.
  • Khó chịu, thất vọng hay cảm giác tức giận, ngay cả đối với những việc nhỏ.
  • Không muốn học.
  • Tính cách khép kín, không muốn giao tiếp với các bạn.
  • Mất hứng thú hoặc xung đột với gia đình, bạn bè.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Thay đổi khẩu vị.
  • Chậm suy nghĩ, nói hoặc cử động cơ thể.
  • Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, định hình về sự thất bại trong quá khứ hoặc đổ lỗi cho bản thân khi mọi việc không đúng.
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
  • Vấn đề hành vi gây rối, đặc biệt ở bé trai.

Biểu hiện và tác động của trầm cảm ở mỗi người theo một cách khác nhau và mức độ khác nhau. Nếu thanh thiếu niên có ít nhất 5 trong số những biểu hiện nói trên thì nên đi khám để được chẩn đoán và can thiệp phù hợp.

Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ con vượt qua Trầm cảm?

Việc chấp nhận thực tế rằng con mình đang mắc chứng trầm cảm là điều rất khó khăn đối với cha mẹ, bởi không cha mẹ nào muốn con mình bị tổn thương cả. Nhưng chấp nhận sự thật là bước đầu tiên để cha mẹ đồng hành và hỗ trợ con vượt qua trầm cảm.

Lúc đầu cha mẹ có thể sẽ bối rối không biết nên làm gì, làm như thế nào để giúp đỡ tốt nhất cho con. Một số cách dưới đây sẽ rất hữu ích trong thời điểm này.

1. Dành thời gian tối đa cho con

Dành thời gian nói chuyện cùng con để hiểu thực sự vấn đề con đang gặp phải là gì. Có thể cha mẹ không cần đưa ra lời khuyên chính xác, chỉ cần lắng nghe mà không phán xét, không cố gắng "sửa chữa" con.

Con cần nhất lúc này là một người có đủ thời gian và kiên nhẫn lắng nghe những tâm sự của con. Chỉ cần con giãi bày được điều con đang suy nghĩ, nghĩa là con đã giải tỏa được phần nào những căng thẳng và lo âu.

Nếu bạn không phải là là người thường xuyên lắng nghe tâm sự của con hay con khá ngại ngần đề bắt đầu nói chuyện với bạn, bạn có thể tìm một người mà con thực sự tin tưởng, thân thiết và nhờ họ cho con một chút thời gian như: Giáo viên, bạn bè, một người truyền cảm hứng cho con hay bạn trai/bạn gái của con,.... 

Cụ thể hơn về những điều cha mẹ có thể làm được cho con mình trong quá trình vượt qua trầm cảm: Nên làm gì khi có con mắc Trầm cảm?

2. Khuyến khích con tương tác nhiều hơn

Bất kể điều gì con có thể làm lúc này cùng với những người khác như hoạt động ngoài trời, đi chơi với nhóm bạn,... giúp con quên đi cảm giác lo âu, buồn phiền, cha mẹ nên khuyến khích và tạo điều kiện cho con.

Việc tiếp xúc, nói chuyện với mọi người, đặc biệt với những người có suy nghĩ tích cực sẽ giúp ích cho con rất nhiều. 

Hơn nữa, một hoạt động thể thao thường xuyên và đều đặn sẽ tăng chất dẫn truyền thần kinh, giúp tâm trạng con được cải thiện. Khi sức khỏe thể chất được đảm bảo, sức khỏe tinh thần cũng sẽ được ảnh hưởng tích cực.

3. Không đặt thêm nhiều áp lực lên con

Cha mẹ luôn mong muốn con cái mình có một cuộc sống tốt đẹp, vì vậy không ít người kỳ vọng quá nhiều, vô tình đặt một áp lực lớn lao lên con. Khi trầm cảm, áp lực này sẽ càng khiến con khổ sở, khó chịu hơn và đẩy con ra xa cha mẹ.

Điều con cần là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, luôn sẵn sàng lắng nghe và che chở cho con.

3. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Sau một khoảng thời gian trải qua trạng thái cảm xúc tồi tệ sẽ khiến sức khỏe của con bị ảnh hưởng, vì vậy một chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, các loại hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp con nạp thêm năng lượng để chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.

4. Gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, tâm thần

Bệnh trầm cảm cần điều trị bằng thuốc. Vì vậy, không nên để con tự xoay sở. Ngay cả khi cha mẹ luôn ở bên con, vẫn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm bệnh. Con cần được thăm khám cẩn thận để biết được bệnh trầm cảm đang ở giai đoạn nào, tiến triển như thế nào và phác đồ điều trị ra sao.

Việc điều trị kết hợp bằng thuốc và trị liệu tâm lý cùng với hỗ trợ tối ưu của cha mẹ tại nhà, sẽ giúp con vững tin trong quá trình điều trị.

5. Chăm sóc sức khỏe chính mình

Điều trị trầm cảm có thể sẽ khiến bạn, thậm chí cả gia đình bạn thay đổi rất nhiều. Ngay lúc này, bạn cần chăm sóc sức khỏe cho chính mình, thậm chí tìm một người thân thiết để hỗ trợ cho bản thân trong khi hỗ trợ cho con.

Bản thân khỏe mạnh mới giúp được cho con trở nên khỏe mạnh. Ngoài ra, kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn là điều mà bạn cần luôn tự nói với mình để có đủ vững vàng, bản lĩnh đồng hành cùng con.

Nếu một ngày, con bạn bỗng dưng buồn phiền, đóng kín cửa phòng khóc lóc, từ chối tiếp xúc với mọi người thì lúc đó con đang cần sự giúp đỡ thật sự không phải là sự thể hiện hay nổi loạn gì cả...

Thanh thiếu niên có thể làm gì để tự mình vượt qua Trầm cảm?

Chấp nhận sự thật con mình trầm cảm đã là một việc khó khăn đối với cha mẹ, nhưng đối với chính bản thân thanh thiếu niên, còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, khi bạn thừa nhận bản thân mình đang mắc trầm cảm là lúc bạn đã đủ dũng khí để đối mặt và vượt qua căn bệnh này. Khi nhận biết chính bản thân mình và nói lên điều đó, bạn sẽ chắc chắn vượt qua căn bệnh.

Nếu bạn chưa biết nên bắt đầu giải quyết vấn đề của mình như thế nào hoặc băn khoăn chưa biết làm gì, bạn có thể tham khảo các cách dưới đây.

1. Nói chuyện với một người lớn mà bạn tin tưởng

Bạn nên tìm một người lớn mà mình tin tưởng để nói lên những cảm xúc của mình. Có thể là bố mẹ hoặc bất kỳ ai mà bạn cảm thấy tin cậy. Bạn phải đảm bảo người đó yêu thương bạn, sẽ lắng nghe câu chuyện của bạn. Bạn nên cảnh giác với những người có xu hướng cực đoan, có thể dụ dỗ bạn sử dụng các loại chất kích thích để quên đi cơn trầm cảm.

Cần nhớ rằng, chất kích thích có thể giúp bạn tạm thời quên đi những nỗi đau tâm lý do trầm cảm gây ra, nhưng về lâu dài, nó lại tác động rất xấu đến quá trình điều trị trầm cảm, làm bệnh lý tiến triển phức tạp, trở nên khó hồi phục hơn.

Nếu thực sự không có người thân đáng tin cậy nào để chia sẻ, bạn có thể gọi điện đến các đường dây nóng hỗ trợ thanh thiếu niên hoặc liên hệ với một chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

2. Không nên tự cô lập bản thân

Dù có thể lúc này bạn rất chán nản, cảm thấy không còn chút sức lực nào để tham gia vào bất cứ hoạt động gì, thậm chí kể cả động tác đứng lên di chuyển cũng thấy khó nhọc. Nhưng hãy cố gắng, cố gắng, bước ra ngoài, đón nhận ánh sáng và sẵn sàng nhận trợ giúp từ những người thân yêu sống cùng bên bạn.

Nếu được, bạn nên đề xuất nhu cầu được ở bên cạnh những người mà bạn tin tưởng. Bạn nên tham gia bất cứ hoạt động gì để tránh ở một mình. Tất nhiên có những lúc bạn cần ở một mình để sắp xếp lại suy nghĩ, nhưng nếu được, hãy ở cùng người khác nhiều nhất có thể, ưu tiên những người có suy nghĩ tích cực.

3. Tự tạo lập và duy trì các thói quen lành mạnh

Lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và tập thể thao đều đặn sẽ giúp tâm trạng bạn được giải tỏa, đẩy lùi lo âu. Ngoài ra, thiền cũng là một hoạt động rất tốt cho trí não, giống như "thức ăn" bổ dưỡng cho sức khỏe tinh thần. Nếu có thể bố trí được, bạn nên tìm hiểu và thực hành thiền mỗi ngày.

4. Kiểm soát sự căng thẳng và lo âu

Khi bạn mắc chứng trầm cảm, chỉ cần thêm một chút căng thẳng hay lo âu cũng có thể khiến bạn cảm thấy tâm trạng rất tồi tệ, thậm chí có thể không kiểm soát được hành động hay cảm xúc của bản thân mình, đôi khi muốn làm hại bản thân mình.

Vì vậy, học cách kiểm soát tâm trạng căng thẳng và lo âu sẽ giúp ích cho bạn để trầm cảm không thể làm bạn gục ngã. Các bài hít thở sâu, thực hành thiền hoặc yoga sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong trường hợp này.

Cụ thể và chi tiết hơn về những cách để bạn vượt qua trầm cảm, bạn có thể xem thêm tại: Cách thoát khỏi trầm cảm cho các bạn học sinh.

Trên đây là những chia sẻ của BookingCare qua quá trình trao đổi với bác sĩ cũng như tổng hợp từ những dữ liệu thực tế, mong rằng bạn đọc sẽ có được thông tin hữu ích.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết