Nên làm gì khi có con mắc Trầm cảm?
Nên làm gì khi có con mắc trầm cảm
Con cái cần được chia sẻ và quan tâm nhiều hơn - Ảnh: Pinterest

Nên làm gì khi có con mắc Trầm cảm?

Tác giả: - Xuất bản: 07/04/2021 - Cập nhật lần cuối: 31/01/2024
Số học sinh mắc trầm cảm ngày càng tăng, tuy nhiên các em lại chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ từ gia đình, nhà trường. Để cung cấp thêm thông tin cho các phụ huynh đang tìm hiểu về vấn đề này, chuyên gia sẽ chia sẻ thêm trong nội dung sau.

Để cung cấp thêm thông tin cho các bậc cha mẹ đang muốn tìm hiểu về Trầm cảm, Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng sẽ cung cấp và chia sẻ các nội dung chuyên môn trong bài viết dưới đây.

Những con số nói lên điều gì?

Trong suy nghĩ của nhiều người, học sinh có phải suy nghĩ gì đâu mà lo âu với trầm cảm. Ở tuổi cắp sách đến trường, có bố mẹ chăm sóc, không phải lo cái ăn, cái mặc, có áp lực nào ngoài việc học đâu mà phải lo lắng.

Tuy nhiên, học sinh cũng có thể mắc trầm cảm! Thậm chí đây còn là vấn đề đáng được quan tâm của toàn xã hội.

Theo báo cáo năm 2015 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), tỷ lệ trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam gặp phải các vấn đề tâm lý, tâm thần là từ 8-29% tùy tỉnh thành (trung bình là 12%), trong đó phổ biến là các vấn đề lo âu, trầm cảm, cô đơn, tăng động, giảm chú ý và lạm dụng chất.

Một khảo sát khác của tổ chức Y tế Thế giới trên nhóm học sinh độ tuổi từ 10-16, có đến 19,46% học sinh có rối loạn tâm lý, tâm thần nhất định.

Như vậy, trầm cảm không chỉ là vấn đề của người lớn, các em học sinh độ tuổi thanh thiếu niên hoàn toàn có thể rơi vào trầm cảm, trong khi hầu như các em không nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình, trường học hay cán bộ y tế để vượt qua giai đoạn này.

Vào giai đoạn dậy thì, những thay đổi tâm sinh lý cùng với môi trường sống tiêu cực có thể tác động đến thanh thiếu niên gây ra trầm cảm: bạo lực học đường, bạo lực gia đình, mâu thuẫn gia đình, kì thị - phân biệt đối xử,....

Nếu bạn có con có biểu hiện trầm cảm, bạn nên làm gì để giúp con vượt qua gia đoạn khó khăn này, hãy cùng BookingCare giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Liệu con bạn có trầm cảm?

Những tác động tiêu cực của chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên không chỉ là tâm trạng u uất. Trầm cảm có thể thay đổi hoàn toàn bản chất tính cách của con bạn, gây ra cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc tức giận. Con có thể có nhiều hành vi hoặc thái độ nổi loạn và không lành mạnh. 

Dưới đây là một số cách mà thanh thiếu niên "hành động" để cố gắng đối phó với nỗi đau về tinh thần:

  • Các vấn đề ở trường: Trầm cảm có thể khiến con thiếu sức sống, khó tập trung, sợ hãi hoặc suy nghĩ những điều tồi tệ có thể xảy ra cho các kỳ thi/ kiểm tra. Điều này có thể dẫn đến việc tự ý nghỉ học, học hành sa sút hoặc chán nản với bài vở nếu trước đây con từng là một học sinh giỏi. 
  • Bỏ trốn: Nhiều học sinh trầm cảm đã bỏ nhà hoặc nói về việc bỏ nhà. 
  • Lạm dụng thuốc và chất kích thích: Thanh thiếu niên thường sử dụng thuốc và chất kích thích như một loại "thuốc" để điều trị chứng trầm cảm. Tuy nhiên, việc này sẽ làm tình trạng trầm cảm trầm trọng hơn.
  • Lòng tự trọng thấp: Trầm cảm có thể khiến thanh thiếu niên tăng cảm giác xấu hổ, thất bại và không xứng đáng.
  • Nghiện điện thoại thông minh: Con có thể lên mạng để thoát khỏi vấn đề trầm cảm, tuy nhiên việc dùng điện thoại quá nhiều khiến con tự cô lập.
  • Hành vi liều lĩnh: Thanh thiếu niên có thể có nhiều hành vi gây nguy hiểm hơn như lái xe ẩu, uống rượu say, quan hệ tình dục không an toàn.

Mặc dù trầm cảm sẽ khiến con bạn thay đổi trong tính cách và hành vi, có thể gây đảo lộn cuộc sống gia đình bạn. Nhưng bạn là người đồng hành quan trọng của con lúc này, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu những biểu hiện ở trầm cảm là gì và cần làm gì khi phát hiện con mắc chứng trầm cảm.

Nếu người đang đọc bài viết này là một thanh thiếu niên, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Cách thoát khỏi trầm cảm cho các bạn học sinh

Biểu hiện của chứng trầm cảm

Ngoài những biểu hiện trầm cảm giống ở người lớn tuổi, trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên còn có một số đặc trưng điển hình khác như:

  • Tâm trạng khó chịu hoặc tức giận: Ở độ tuổi thanh thiếu niên khi mắc trầm cảm, thay vì buồn bã, các em có xu hướng gắt gỏng, dễ bực bội, dễ nổi nóng hơn.
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân như đau đầu hay đau bụng. Nếu khám tổng quát mà không có căn nguyên rõ ràng của những dấu hiệu đau này, có thể đây là triệu chứng của trầm cảm.
  • Vô cùng nhạy cảm với những chỉ trích.
  • Khép kín hơn, xa lánh xã hội: Nếu ở người lớn thường có xu hướng tự cô lập bản thân với tất cả mọi người, thì ở thanh thiếu niên trầm cảm, các em thường duy trì ít nhất một mối quan hệ nhưng thường không thân vì khó cởi mở tình cảm được với các bạn, có thể xa lánh bố mẹ hoặc bắt đầu chơi với một nhóm khác.

Tự tử hoặc nhắc đến tự tử là trong những hệ quả của chứng trầm cảm. Cần tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia về tâm lý, tâm thần nếu bạn phát hiện con có những dấu hiệu của việc tự tử.

Ngoài ra, trầm cảm ở thanh thiếu niên cũng có những biểu hiện giống ở người lớn như:

  • Cảm giác buồn phiền.
  • Khó chịu, thất vọng hay cảm giác tức giận, ngay cả đối với những việc nhỏ.
  • Không muốn học.
  • Khép kín, không muốn giao tiếp với các bạn.
  • Mất hứng thú hoặc xung đột với gia đình, bạn bè.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Thay đổi khẩu vị.
  • Chậm suy nghĩ, nói hoặc cử động cơ thể.
  • Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, định hình về sự thất bại trong quá khứ hay đổ lỗi cho bản thân khi mọi việc không đúng.
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
  • Vấn đề hành vi phá phách hoặc hành vi bất cần như ngủ gục trong giờ học, đặc biệt ở bé trai.

Cần phân biệt chứng trầm cảm với sự nổi loạn tuổi dậy thì. Thông thường, sự nổi loạn tuổi dậy thì cũng có những biểu hiện cáu gắt, tức giận nhưng không liên tục và thường xuyên như ở chứng trầm cảm.

Nên làm gì khi biết con mắc chứng trầm cảm?

1. Trò chuyện để hiểu vấn đề của con

Trò chuyện cùng con, lắng nghe nhiều hơn thay vì đưa ra những lời khuyên hay chỉ trích. Nhẹ nhàng và kiên trì nói chuyện cùng con vì có thể ban đầu con sẽ khó để mở lòng. 

Nếu con khó có thể mở lòng với bạn, nên tìm một người mà con thân thiết và dễ chia sẻ hơn như giáo viên, cán bộ y tế tại trường hoặc bất cứ ai con tin tưởng, có thể trò chuyện về vấn đề của mình.

2. Khuyến khích tương tác xã hội

Cố gắng dành thời gian nói chuyện trực tiếp (mặt đối mặt) với con, đây là một trong những kết nối quan trọng giúp con hồi phục.

Ngoài ra, tránh việc con tự cô lập xã hội bằng cách gợi ý các hoạt động theo sở thích đã có trước đây hoặc đang có của con để có tăng môi trường giao tiếp xã hội. Cùng tạo hoạt động để tương tác cùng con và tăng tính kết nối cảm xúc với con, tạo kỷ niệm vui vẻ khi gia đình cùng ra ngoài chơi. Quan trọng, nếu đứa trẻ đã rơi vào tình trạng không có bạn thân thiết thì có thể tìm anh chị em trong gia đình có mối quan hệ tốt với đứa trẻ. 

Cho con tham gia các hoạt động như thể thao, hoạt động ngoài giờ, hoạt động nghệ thuật, vẽ tranh... theo sở thích và tài năng của con. Có thể ban đầu con sẽ không có hứng thú và mất động lực, nhưng dần dần con sẽ thấy tốt hơn.

Thúc đẩy con tham gia các hoạt động tình nguyện. Làm điều gì đó cho người khác là một liều thuốc chống trầm cảm và nâng cao lòng tự trọng. Ngoài ra, nếu bạn làm cùng con, sẽ nâng cao sự gắn kết của bạn cùng con.

3. Ưu tiên sức khỏe thể chất

Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có mối liên quan mật thiết đến nhau. Khi sức khỏe thể chất được đảm bảo thì sức khỏe tinh thần sẽ được cải thiện và ngược lại.

Vì vậy, phụ thuộc vào tính cách của con để lựa chọn hoạt động thể dục thể thao phù hợp, đơn giản có thể chạy bộ, hoặc tập bài tập thể dục với một dụng cụ như bài yoga với bóng,... Nếu con là người hướng nội thì có thể tham gia các câu lạc bộ uống trà, ngôn ngữ như Nhật, Hàn,... Đảm bảo nguồn dinh dưỡng, khuyến khích con có thể ngủ nhiều hơn cũng là cách nâng cao sức khỏe thể chất. Khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sẽ tốt lên và tác động tích cực vào suy nghĩ của con.

4. Cần biết khi nào nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia

Một lối sống lành mạnh sẽ giúp ích nhiều cho việc vượt qua trầm cảm, tuy nhiên, việc gặp chuyên gia, bác sĩ sẽ giúp bạn và con có phương pháp đúng đắn để vượt qua trầm cảm. 

Ngay khi nhận thấy con có các dấu hiệu của trầm cảm, bạn có thể đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Trước khi đưa con đi khám, bạn nên nói rõ với con nếu được và bạn cần kết nối trước hoặc gặp trực tiếp bác sĩ trước để được tư vấn.

Bên cạnh đó, nhiều thanh thiếu niên sẽ rất khó chấp nhận nếu phải đến gặp bác sĩ tâm lý, tâm thần. Trường hợp này bạn có thể bắt đầu với một bác sĩ Nhi khoa hoặc khám sức khỏe tổng quát. Bạn cũng nên trao đổi trước với bác sĩ về tình trạng của con để bác sĩ có phương án tư vấn và hỗ trợ cho con phù hợp.

Tuy nhiên, bố mẹ có thể nói rõ với con về việc gặp nhà tham vấn tâm lý để nói chuyện như biện pháp xả cảm xúc đặc biệt nhấn mạnh ai cũng có vấn đề khó khăn trong cuộc sống ngay cả bố mẹ, tìm đến lời tư vấn của một người có kinh nghiệm và chuyên môn là điều bình thường để tìm ra giải pháp nhanh chóng.

Đặc biệt, nếu thấy con có các dấu hiệu của tự tử - nói về việc tự tử hay có hành động tự tử, bạn cần liên hệ đến bác sĩ hoặc bệnh viện tâm thần ngay lập tức. Đây được coi là một tình trạng cấp cứu y tế, cần can thiệp khẩn cấp.

5. Hỗ trợ con bạn trong quá trình điều trị trầm cảm

Điều trị trầm cảm là quá trình có thể mất nhiều thời gian, nhưng người mà con cần nhất lúc này là bạn. Bạn là người đồng hành quan trọng nhất giúp con vượt qua giai đoạn điều trị khó khăn.

Quá trình điều trị trầm cảm khiến bạn và con mệt mỏi, đặc biệt khi con cần dùng thuốc điều trị càng khiến con mệt hơn. Sẽ có lúc bạn và con muốn bỏ cuộc, nhưng việc này sẽ làm bệnh trầm trọng hơn và mất nhiều thời gian điều trị hơn. Bạn cần đảm bảo con theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Có thể vài tháng cũng có thể nhiều năm con mới hồi phục hoàn toàn, bạn cần kiên nhẫn để giúp con vượt qua trầm cảm.

"Có một cơn đau mang tên trầm cảm" là cuốn sách mà bạn nên tìm đọc để chuẩn bị tâm lý và tinh thần cùng con vượt qua trầm cảm.

6. Chăm sóc sức khỏe cho chính bạn

Quá trình điều trị lâu dài và tâm trạng thất thường của con có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của chính bạn. Khi bạn khỏe, bạn mới chăm sóc tốt cho con vì vậy cần chú ý chăm sóc sức khỏe của chính mình.

Thanh thiếu niên khi bước vào giai đoạn dậy thì rất dễ gặp phải chứng trầm cảm, có những bạn tự vượt qua được, nhưng phần nhiều đều cần sự giúp đỡ từ gia đình, chuyên gia y tế. Mong rằng những chia sẻ của BookingCare trên đây giúp bạn vững vàng hơn để đồng hành cùng con.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết