Khi được chẩn đoán ung thư gan, rất nhiều người bệnh và gia đình mắc phải tâm lý khủng hoảng, suy sụp và mọi thứ xung quanh dần trở nên nhạt nhòa. Tuy nhiên, một trong những cách tốt nhất để làm chậm sự tiến triển của bệnh là chế độ dinh dưỡng hợp lý, tinh thần lạc quan giúp làm giảm gánh nặng cho gan. Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, chăm sóc người bị ung thư gan cũng quan trọng không kém.
Ung thư gan là loại bệnh lý có tính tiêu hao, cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng đặc biệt nhất là protein. Trong giai đoạn đầu và giữa của ung thư gan cần cố gắng bổ sung nhiều protein cho bệnh nhân. Nhưng đến giai đoạn cuối, khi bệnh nhân có khả năng hôn mê gan hoặc hội chứng gan thận tổng hợp thì nên khống chế việc ăn các chất có hàm lượng nitơ như protein.
Ngoài ra ung thư gan giai đoạn muộn, dịch mật bài tiết giảm, không tiêu hóa được các thực phẩm giàu chất béo, vì vậy nên bổ sung thực phẩm có hàm lượng đường cao (chú ý: trong những trường hợp người bệnh ung thư gan có kèm bệnh tiểu đường nên được sự tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn cho phù hợp với bệnh), chất béo thấp để duy trì năng lượng cho quá trình trao đổi chất. Bổ sung thêm vitamin C, phức hợp vitamin B và vitamin K. Đối với bệnh nhân có xơ gan và chướng bụng, nên khống chế lượng muối đưa vào cơ thể. Bệnh nhân có kèm theo biểu hiện cao áp tĩnh mạch cửa nên được ăn những thức ăn nghiền nhỏ, dạng lỏng hoặc cháo.
Nguyên liệu chế biến thức ăn cho bệnh nhân ung thư gan bao gồm:
Ngoài ra, người bệnh ung thư gan nên hạn chế các thức ăn: lên men (như dưa giá, cải chua, kim chi); thức ăn thịt đỏ, hạn chế các thức ăn để qua đêm sử dụng lại.
Giải tỏa tâm lý khủng hoảng cho bệnh nhân ung thư gan, an ủi tinh thần, giúp họ có được cách nhìn nhận chính xác về căn bệnh của mình, xây dựng niềm tin chiến thắng bệnh tật cho họ, đồng thời giữ cho bản thân tâm trạng lạc quan vui vẻ, an tâm nghỉ dưỡng. Nếu bệnh nhân giai đoạn cuối kèm theo mất chức năng gan phải nằm nghỉ ngơi một chỗ, khi chăm sóc động tác phải nhẹ nhàng và kiên nhẫn.
Cần chú ý quan sát thường xuyên sự thay đổi về nhiệt độ, hô hấp, mạch, huyết áp... của bệnh nhân, đồng thời cũng chú ý đến màu sắc, số lượng và tính chất của phân và những thứ bị nôn ra, có thấy kèm máu hay không. Nếu như phát hiện bệnh nhân xuất hiện triệu chứng thèm ngủ, biểu cảm lạnh lùng thờ ơ, lo lắng bất an, ảo giác,... nên nghi ngờ về sự hôn mê gan và kịp thời thông báo tới bác sĩ.
Người nhà và bệnh nhân bị ung thư gan khi được điều trị ngoại trú cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ về chế độ thuốc men và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được tái khám theo đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá mức độ đáp ứng điều trị, kiểm tra chức năng gan… nhằm đưa ra những đánh giá và can thiệp kịp thời.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư gan đúng cách bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần tạo điều kiện để tái tạo tổ chức gan và ngăn ngừa sự huỷ hoại thêm tế bào gan, từ đó giúp giảm đau, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Khi bệnh nhân có một tinh thần tốt thì cơ thể sẽ thoải mái hơn.